Thứ 7, 23/11/2024, 16:02[GMT+7]

Linh thiêng cổ địa

Thứ 2, 10/08/2020 | 08:17:43
4,568 lượt xem

Đền Ngọc Quế - chứng tích lịch sử vùng đất cổ thời Hùng Vương.

Tương truyền, từ “ngày xửa, ngày xưa” trong dân gian hễ người nào bị mụn nhọt hoặc “hậu bối”, nói chung là các bệnh da liễu... chữa trị lâu ngày không khỏi thì mau đến đền Ngọc Quế, tổng Sơn Đồng, phủ Thái Bình, trấn Sơn Nam (nay là thôn Ngọc Quế, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ) xin nước của đền rồi đem vào thắp hương “kêu” ngài (thành hoàng bản từ Đỗ Huyến) thương xót, độ trì, ban phước báu, khai thông kinh lạc, giải trừ tật ách. Lễ xong thì bái tạ ngài, lấy nước ấy uống và mang về nhà tắm sẽ khỏi bệnh...

Đền Ngọc Quế xưa thuộc tổng Sơn Đồng nằm cuối làng Ngọc Quế bên cạnh triền đê nam sông Luộc trầm mặc ẩn mình trong vườn cây cổ thụ bao phủ tạo nên vẻ u tịch, linh thiêng của ngôi đền cổ. Theo Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính chép, đền Ngọc Quế thờ vị thần có tên là Đỗ Huyến, người có công dẹp giặc thời Hùng Vương thứ 18, bảo vệ an toàn biên cương, bờ cõi nước Văn Lang. 

Truyền ngôn, Đỗ Huyến quê gốc ở châu Ái (Nghệ An và Hà Tĩnh), sinh ra trong một gia đình quan lại, thuở nhỏ thông minh, ham học hỏi, văn võ song toàn. Lớn lên gặp vận nước gian nan, giặc phương Bắc tràn xuống xâm lược Văn Lang. Trước tình thế đất nước lâm nguy, vua Hùng sai người đi khắp thiên hạ tìm người tài giúp nước. Nghe tin Đỗ Huyến thao lược binh quyền, vua Hùng vời vào triều giúp vua đánh giặc. Được vua Hùng tin tưởng, Đỗ Huyến cưỡi ngựa cầm quân xung trận, đánh đông dẹp bắc, quân giặc khiếp vía kinh hồn tháo chạy. Giặc tan, đất nước trở lại thanh bình, Đỗ Huyến được vua Hùng trọng thưởng lại cho đi du ngoạn khắp đất nước. Một lần trên đường thiên lý, ngài đặt chân đến đạo Sơn Nam, thấy thế đất bờ nam sông Luộc (làng Ngọc Quế bây giờ) có “Long binh, hổ phục” có thể xây dựng đồn binh bảo vệ biên cương bờ cõi, ngài liền quay về triều tâu với vua xin được đem quân đi khai hoang, lập ấp, xây dựng đồn trại. Vua Hùng mừng rỡ chuẩn tấu, cấp cho vàng bạc, châu báu cùng lương thảo và quân sĩ để Đỗ Huyến chiêu mộ dân nghèo đi khai hoang. Một thời gian sau thì xây dựng xong đồn trại và khai hoang cả vùng đất trù mật bên sông thành những cánh đồng mùa màng tốt tươi, nhân khang vật thịnh. Nghe tin đó, vua Hùng rất đỗi mừng vui phong Đỗ Huyến là tri phủ huyện sau lại phong Sơn Nam đạo trưởng. Nhưng, nước Văn Lang thái bình thịnh trị không lâu thì Đỗ Huyến đột ngột qua đời, dân làng Ngọc Quế xót thương, vua Hùng đau buồn liền chiếu chỉ cho dân làng Ngọc Quế xây đền phụng thờ ngài, tôn vinh ngài làm thành hoàng làng Ngọc Quế từ đó.

Trong chuyến điền dã các làng cổ bờ nam sông Luộc tìm hiểu về trầm tích văn hóa thời Hùng Vương, nhóm nghiên cứu chúng tôi đặt chân đến làng Ngọc Quế, một làng quê bên sông trù mật vẫn còn giữ được những nét trầm mặc của làng truyền thống thâm canh lúa nước. Đến thăm đền cổ Ngọc Quế tương truyền là nơi thờ phụng quan tri huyện thời Hùng Vương là Đỗ Huyến “soi” những trầm tích văn hóa còn ẩn chứa trên từng ô đất, thửa ruộng, lạch ngòi ven sông và ngôi đền cổ, khảo tả vùng đất qua thư tịch cổ cùng với tài liệu khảo cứu chúng tôi chợt nhận thấy dấu vết đồng bằng thời kỳ Hùng Vương vẫn hiện diện trên đồng đất làng Ngọc Quế. 

Theo truyền thuyết dân gian và tài liệu khảo cổ học, nhìn chung dải đất Thái Bình ngược từ huyện ven biển Thái Thụy, Tiền Hải đến các huyện phía Bắc như Hưng Hà, Quỳnh Phụ... khi đào ao, đào giếng, khơi ngòi người dân vẫn thường gặp một tầng đất dày từ 0,5 - 0,8m có nơi sâu 1 - 1,5m chứa đầy bã thực vật đã mục nát. Các tài liệu khảo cổ vùng đất Hưng Nhân, Duyên Hà (nay là huyện Hưng Hà), các xã khu Quỳnh (huyện Quỳnh Phụ), Thư Trì (Vũ Thư), Tiên Hưng (Đông Hưng) đều đào được lớp đất có chứa xác các loài thảo mộc khá đậm đặc. Rộng ra là vùng ven biển Thụy Anh (Thái Thụy) dưới lớp bùn lầy có khá nhiều dấu vết của rừng cây lớn, có cây đường kính 0,3 - 0,4m chết đứng hoặc xô đổ, gẫy gối lên nhau. Vùng Thái Ninh, nam Kiến Xương và Tiền Hải có nhiều dấu vết những rừng sú vẹt chết đứng hoặc xô đổ... Lớp trầm tích văn hóa được tìm thấy ở làng Ngọc Quế nói riêng và khu vực Thái Bình nói chung khẳng định, thời Hùng Vương đất đai cương vực của Thái Bình đã hình thành và phát triển, hoàn toàn phù hợp với truyền thuyết dân gian về vị tướng công họ Đỗ được vua Hùng ban phong thực ấp ở làng Ngọc Quế vì có công đánh giặc giữ nước và khai khẩn đất đai, dụ dân lập làng.

Thời nhà Trần, trong 12 thái ấp được triều đình ban thưởng cho hoàng thân, quốc thích, các trưởng nữ công chúa được phong thái ấp ở Bạch Hạc (Phú Thọ nay) và theo tài liệu khảo cứu thì thái ấp được kéo dài từ Bạch Hạc theo các triền sông ra biển (trong đó có sông Luộc) và hội tại Thiên Trường (Nam Định nay). Điền trang nằm trong thái ấp và được bố trí dọc theo các triền sông hoặc ngã ba sông hay vùng ven biển. 

Theo sử cũ, đất đai làng Ngọc Quế, làng Bồ Trang, Bái Trang (nay thuộc xã Quỳnh Hoa) đều là điền trang của Thiên cực công chúa Trần Thị Dung và Thiên Ninh thái trưởng công chúa Ngọc Tha (trưởng công chúa của vua Trần Minh Tông và Hiến Từ thái hậu). Khảo tả di tích, các bậc cao niên làng Ngọc Quế cũng không biết đền được xây dựng từ bao giờ, nhưng theo truyền thuyết thì đền được xây dựng từ thời Hùng Vương thứ 18. Trải thăng trầm, biến cố của thời gian, hiện tại ngôi đền vẫn giữ được vẻ cổ kính và chắc chắn đã trải qua nhiều lần trùng tu. Hiện đền có dáng vẻ như kiến trúc thời Lê. 

Theo bi ký còn lưu giữ tại đền thì đợt trùng tu lớn nhất vào năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736) thời Lê - Trịnh do các quan lại địa phương cùng nhân dân làng phát tâm công đức. Nhiều dấu tích kiến trúc, điêu khắc của ngôi đền thời đó vẫn còn in đậm như gạch xây, kẻ góc và đặc biệt là đồ tế khí vẫn còn lưu giữ trong đền. Cũng theo các bậc cao niên, đền còn một lần trùng tu nữa vào thời Nguyễn và giữ dáng vẻ kiến trúc đó cho đến ngày hôm nay.

Theo các tài liệu khảo cứu, đền Ngọc Quế được biết đến bởi kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo được xếp vào loại hoành tráng, lộng lẫy nhất vùng với đầy đủ các công trình uy nghi như tắc môn, lầu cô, tòa bái đường, tòa giải vũ, điện thờ và hậu cung… mỗi tòa được xây dựng với quy mô, dáng vẻ khác nhau nhưng có sự hòa hợp từ kích cỡ, nghệ thuật chạm khắc gỗ tinh xảo, theo nghiêm luật khắt khe của nghệ thuật điêu khắc gỗ kinh điển thời Nguyễn. Đáng chú ý là nghệ thuật chạm lọng bong kênh với mô tuýp tứ linh, tứ quý làm tôn vẻ linh thiêng của ngôi đền. Năm 1990, đền được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.


Ông Vũ Nhậm Thắng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ
Thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Đảng ủy xã Quỳnh Hoa đã phân công cấp ủy và đảng viên theo dõi, hướng dẫn chi bộ, đảng viên thôn Ngọc Quế vận động các tầng lớp nhân dân bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng như lễ hội đền Ngọc Quế.

Ông Hoàng Văn Sĩ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quỳnh Hoa, trưởng ban tư vấn làng Ngọc Quế, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ
Ngoài đền Ngọc Quế, thôn Ngọc Quế còn có đình Ngọc Quế cũng thờ Thành hoàng làng Đỗ Huyến mới được tôn tạo bằng nguồn vốn xã hội hóa. Làng Bồ Trang có đền Bồ Trang đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, đình Bồ Trang mới được tôn tạo, xã Quỳnh Hoa còn có miếu Hoàng Bà thờ “nhị vị công chúa” thời Trần là Thiên cực công chúa Trần Thị Dung và Thiên Ninh thái trưởng công chúa Ngọc Tha. Thôn Bồ Trang, Bái Trang là điền trang thái ấp của hai bà.

Ông Phan Văn Nguồn, nguyên Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Quỳnh Hoa, Trưởng ban khánh tiết đền Ngọc Quế, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ
Từ đời ông cha chúng tôi truyền lại, để gìn giữ ngôi đền cổ qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, đời nào làng cũng cắt cử người “trông nom” đền. Gần đây, hội người cao tuổi chúng tôi thành lập tổ “hương lão” nhằm gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa ngôi đền. Để duy trì các hoạt động gìn giữ, bảo vệ, tôn tạo ngôi đền cổ Ngọc Quế cho đời sau chúng tôi đề nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu hỗ trợ kinh phí cho người trông coi đền và tôn tạo ngôi đền.

Quang Viện