Thứ 6, 22/11/2024, 04:36[GMT+7]

Hyundai Tucson lần đầu bán chạy nhất phân khúc

Thứ 5, 13/08/2020 | 10:05:51
2,769 lượt xem
Biến động mạnh doanh số trong hai tháng 6, 7 khiến cục diện phân khúc CUV hạng C nhiều xáo trộn, riêng Tucson có lần đầu dẫn trước CX-5, CR-V.

Hyundai Tucson tại một đại ý ở quận Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: Phạm Trung

Tucson có hơn nửa năm đầu 2020 đạt doanh số dẫn đầu phân khúc CUV hạng C, điều mà những năm trước đó chưa từng xảy ra. Tuy nhiên khoảng cách với hai đối thủ chính Mazda CX-5 và Honda CR-V là sít sao và có thể thay đổi trong phần còn lại của 2020. 

Mẫu CUV của Hyundai ngay từ đầu 2020 đã nhen nhóm phá thế song mã vốn tồn tại nhiều năm trước của CX-5 và CR-V. Sức tiêu thụ của cả ba mẫu xe này đều khá ổn định trong 4 tháng đầu, không có sự phân hóa rõ rệt. Tuy nhiên, cục diện thay đổi khi CR-V ở hai tháng liên tiếp 6, 7 "tụt dốc không phanh" sau lần đạt đỉnh vào tháng 5 với 1.581 xe.

Tuy vậy, doanh số thấp của CR-V lại chủ yếu xuất phát từ việc không có xe trong giai đoạn chuyển giao giữa bản cũ và bản mới. Mẫu xe của Honda trong hơn hai tháng qua đẩy mạnh khuyến mãi nhằm dọn kho cho bản lắp ráp ra mắt vào 30/7. Lượng xe nhập còn số lượng ít khiến doanh số bán ra của CR-V trong tháng 7 chỉ đạt 130 xe, thấp nhất từ đầu 2020. Hãng này tự tin doanh số tháng 8 của CR-V sẽ cao trở lại như những tháng trước, khi mẫu xe mới sắp ra đại lý.

Trái ngược trường hợp của CR-V, Hyundai Tucson cùng Mazda CX-5 hưởng lợi lớn từ việc lệ phí trước bạ giảm 50% (áp dụng từ đầu tháng 7) cho xe lắp ráp trong nước. Cả hai đều đạt đỉnh doanh số hơn 1.000 xe tính từ đầu năm trong tháng 7. Riêng Tucson với cách định giá giá thấp hơn hai đối thủ Nhật, tỏ ra hút khách hơn.

Kết thúc 7 tháng đầu 2020, Hyundai Tucson tiêu thụ 4.388 xe, Mazda CX-5 4.050 xe và Honda CR-V 3.927 xe. Nhóm các sản phẩm với doanh số thấp hơn như Mitsubishi Outlander 1.686 xe, Nissan X-Trail 773 xe. Subaru Forester và tân binh của phân khúc, MG HS không có số liệu bán hàng.

Với riêng X-Trail, mẫu xe này cùng Sunny từ 19/9 tới ngưng lắp ráp tại nhà máy ở Đà Nẵng do TCIE Việt Nam, công ty con của tập đoàn Tan Chong (Malaysia) thành lập. Nguyên nhân do tập đoàn Nissan Motor (Nhật Bản) và Tan Chong chấm dứt hợp tác kinh doanh sau lần gia hạn thêm một năm, bắt đầu từ tháng 9/2019.

Với quyền phân phối thương hiệu MG (Morris Garages) mới quay lại Việt Nam trong tháng 7 vừa qua, tập đoàn Malaysia có thể tiến tới lắp ráp các mẫu xe thương hiệu Anh hiện thuộc sở hữu của SAIC (Trung Quốc) để tận dụng dây chuyền và cơ sở vật chất hiện có. Trong khi đó, số phận của thương hiệu Nissan tại Việt Nam hiện chưa rõ sau khi kết thúc quá trình phân phối bởi Tan Chong.

Theo vnexpress.net