Thứ 3, 26/11/2024, 10:46[GMT+7]

Thái Bình cam kết hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch đã đề ra

Thứ 6, 21/08/2020 | 14:42:05
9,268 lượt xem
Đó là khẳng định của đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khi phát biểu tham luận tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ tại điểm cầu Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 2108_thai_binh_hoan_thanh_giai_ngan__mixdown.mp3

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. 

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Bình có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Văn Tuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Quang Hưng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Ngay sau hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương vào ngày 16/7, Chính phủ đã tổ chức 7 đoàn công tác kiểm tra tại các bộ, địa phương nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công. Chính vì thế, đến hết tháng 7/2020, tổng vốn ngân sách nhà nước đã giải ngân đạt 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch; ước giải ngân đến 31/8 đạt 221.768 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch, trong đó vốn ngân sách trung ương đạt 37,8% kế hoạch và vốn ngân sách địa phương đạt 55,1% kế hoạch; toàn quốc có 5 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%. Nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư công đó là do còn nhiều vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù thực hiện các dự án; công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế; công tác tổ chức triển khai thực hiện ở một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập; một số ngành, địa phương chưa thực sự vào cuộc quyết liệt…

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công chính là giải pháp cứu cánh cho phát triển kinh tế của tỉnh nhất là trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động của dịch Covid-19. Chính vì thế ngay từ đầu năm, tỉnh đã tổ chức triển khai quyết liệt, kịp thời các giải pháp trong đó tập trung tháo gỡ các rào cản, khó khăn của các dự án đầu tư công; tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương trong từng dự án, tập trung vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân; trực tiếp làm việc với các đơn vị thi công, trên cơ sở đó tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các dự án; cho phép thanh toán các khối lượng hoàn thành theo thực tế tiến độ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn nhất là các dự án giao thông, dự án trong Khu kinh tế Thái Bình. Đến nay, Thái Bình đã giải ngân được gần 70% tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn, trong đó vốn trong nước đạt hơn 70% và vốn nước ngoài đạt gần 20% kế hoạch. 

Về các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định Thái Bình sẽ tiếp tục coi giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, cam kết tỉnh sẽ hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch đã đề ra. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ tăng cường rà soát và yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công, các sở, ngành, địa phương xây dựng các kế hoạch cụ thể cho từng dự án theo đường găng có tiến độ thi công, tiến độ giải ngân; phân công lãnh đạo sở, ngành, địa phương trực tiếp theo dõi, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc; gắn trách nhiệm với hiệu quả công việc của từng địa phương, từng chủ đầu tư; chủ động rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền chủ động cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án, công trình cho phù hợp với phương châm tập trung vốn cho các dự án trọng điểm, dự án có tiến độ giải ngân tốt; thực hiện tốt các phương án tạo nguồn từ quỹ đất và nguồn thu ngân sách khác để cân đối nguồn chi, phân bổ nguồn cho các dự án theo phạm vi trách nhiệm của địa phương; giải quyết nhanh các thủ tục giải ngân, rút ngắn thời gian chi tạo điều kiện cho các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong công tác giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời, tin tưởng rằng với sự quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, công tác giải ngân vốn đầu tư công sẽ đạt được kế hoạch đã đề ra. 

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phải khắc phục được những tồn tại, hạn chế đó là việc giao kế hoạch vốn còn bất cập; công tác đền bù giải phóng mặt bằng nhiều nơi còn thực hiện chậm; quy trình, thủ tục đầu tư, thanh quyết toán còn nhiều phức tạp; sự phối hợp giữa một số bộ, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ…; đồng thời, thẳng thắn phê bình 6 địa phương và 29 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, yêu cầu các bộ cơ quan trung ương và địa phương này nghiêm túc rút kinh nghiệm và có giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. 

Với tinh thần giải ngân hết gần 300.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2020, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; người đứng đầu bộ, ngành, địa phương trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác giải ngân vốn đầu tư công; tập trung giải quyết dứt điểm các công việc thuộc thẩm quyền của ngành, địa phương mình nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo quy định; tổ chức giao ban định kỳ trên cơ sở đó đôn đốc, thảo luận và quyết sách những giải pháp xử lý kịp thời những tồn tại ở từng dự án; thực hiện giải ngân quyết liệt, kịp thời nhưng phải bảo đảm chất lượng, tránh tham nhũng, tiêu cực; bố trí đầy đủ, kịp thời vốn đối ứng cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Minh Hương