Thứ 7, 23/11/2024, 02:42[GMT+7]

Người “giữ lửa” nghề rèn

Thứ 2, 24/08/2020 | 09:18:50
5,226 lượt xem
Với tư duy kinh doanh nhạy bén của tuổi trẻ cùng cái tâm “giữ lửa” nghề truyền thống của quê hương, những năm qua, anh Phạm Ngọc Trìu, thôn An Tiêm 1, xã Thụy Dân (Thái Thụy) đã đưa sản phẩm của làng nghề đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và đang ôm ấp dự định mở rộng thị trường sang các nước.

Nhiều công đoạn được làm thủ công theo bí quyết của làng nghề.

Sinh ra trong gia đình có 3 đời gắn bó với nghề rèn, ngay từ khi còn nhỏ anh Trìu đã có niềm đam mê với nghề truyền thống của địa phương. Anh chia sẻ: Hàng ngày tôi thường phụ giúp bố mẹ làm các công việc nhẹ. Lớn hơn tôi được bố truyền dạy nghề. Khi đã biết làm nghề, tôi đi làm thuê cho nhiều gia đình khác để tích lũy thêm kinh nghiệm. Năm 2012 tôi về mở xưởng sản xuất tại nhà, sản phẩm chính là các loại dao. Trong giai đoạn này do thiếu vốn để đầu tư sản xuất nên anh Trìu đi xuất khẩu lao động 3 năm. Cũng trong thời gian này anh được tiếp cận với các loại máy cắt CNC. Ưu điểm của các loại máy này là bảo đảm an toàn lao động, tiết kiệm nhân công, mẫu mã đa dạng, kỹ thuật đẹp. Qua quá trình tìm hiểu, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, sau khi trở về nước, anh đã đầu tư mua máy cắt CNC trị giá gần 700 triệu đồng để ứng dụng vào quá trình sản xuất các sản phẩm, đặc biệt là khâu tạo hình sản phẩm. Theo đó, mẫu sản phẩm được thiết kế hoàn thiện trên máy tính, sau khi lập trình sẽ được máy cắt tự động theo đúng mẫu đã định sẵn. Năng suất của 1 máy cắt CNC bằng 10 người cắt thủ công. Sản phẩm do máy cắt có độ chính xác cao, đều và đẹp hơn. Hiện nay, cơ sở sản xuất của anh Trìu có 30 mẫu dao các loại, mỗi loại tương ứng với một công năng nhất định. Điểm chung của các sản phẩm đó là đều bảo đảm chất lượng và tính thẩm mỹ. Theo anh Trìu, việc áp dụng máy cắt CNC chủ yếu ở góc độ phân chia, tạo hình sản phẩm ban đầu, các công đoạn còn lại đều làm theo kinh nghiệm truyền thống, vì vậy chất lượng luôn được bảo đảm. Mỗi năm cơ sở của anh Trìu sản xuất được từ 15 - 20 vạn con dao các loại. Doanh thu mỗi năm từ 12 - 13 tỷ đồng. Hiện cơ sở của anh đang tạo việc làm cho hơn 30 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 9 triệu đồng trở lên/tháng.

Chia sẻ về khó khăn trong quá trình “giữ lửa” nghề truyền thống, anh Trìu cho biết: Nghề rèn vốn là một nghề không khó để học nhưng rất vất vả đòi hỏi nhiều sức lực; môi trường làm việc không được sạch sẽ như trong các công ty, xí nghiệp, cả ngày người ướt đẫm mồ hôi vì lửa nóng, bụi than bám đen. Cũng vì vậy mà lớp thanh niên hiện nay rất ít người chọn nghề rèn để gắn bó, lập nghiệp lâu dài. Ngay cả con cháu trong làng rèn, biết chút ít nghề nhưng cũng tìm chọn những công việc khác nhẹ nhàng hơn để mưu sinh. Do là nghề truyền thống, truyền từ đời ông, đời cha nên tôi quyết tâm theo và tìm cách giữ nghề. Tôi rất mong trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ quan tâm hơn đến việc giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của quê hương; chú trọng công tác định hướng, đào tạo nghề cho thế hệ trẻ; đồng thời, có cơ chế phù hợp hỗ trợ các hộ làm nghề mở rộng cơ sở sản xuất, đầu tư máy móc nhằm giảm bớt sức lao động, sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Có như vậy mới có thể giữ được nguồn nhân lực trẻ, tránh được nguy cơ thất truyền. Nói về mục tiêu phát triển trong thời gian tới, anh Trìu cho biết sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các trang thông tin, mạng xã hội để nhiều người biết đến sản phẩm rèn truyền thống của địa phương.

Ông Lê Minh Nguyệt, Bí thư Chi bộ thôn An Tiêm 1 cho biết: Trong thôn hiện còn 22 hộ làm nghề rèn, trong đó cơ sở sản xuất của gia đình anh Trìu là một điểm sáng khi đã kịp thời nắm bắt thời cơ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất cũng như đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Với tư duy nhạy bén của tuổi trẻ, anh Trìu đã tận dụng mạng xã hội để giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm rất hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Đây là mô hình dân vận khéo tiêu biểu trên lĩnh vực phát triển kinh tế của địa phương rất cần được nhân rộng, không chỉ nâng cao thu nhập của người dân mà còn góp phần hiệu quả trong việc giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của cha ông.

Đào Quyên