Thứ 4, 15/01/2025, 21:06[GMT+7]

Sân khấu “chờ sáng đèn”

Thứ 2, 24/08/2020 | 09:43:02
3,338 lượt xem
Trong thời điểm sân khấu chưa thể “sáng đèn” vì dịch Covid-19, các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Thái Bình vẫn hăng say chia ca tập luyện, vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh vừa trau dồi chuyên môn, chuẩn bị khi dịch bệnh được khống chế có thể mang đến cho công chúng những chương trình nghệ thuật ấn tượng, hấp dẫn nhất.

Với phương châm bảo tồn nghệ thuật chèo bằng con người, nhiều trích đoạn chèo cổ được phục dựng để các nghệ sĩ trẻ hiểu và gìn giữ giá trị truyền thống.

Nhiều tác phẩm mới đã sẵn sàng

Tối ngày 12/8, Nhà hát Chèo Thái Bình đã có đêm báo cáo Hội đồng nghệ thuật chương trình nghệ thuật tạp kỹ với chủ đề “Thái Bình đất mẹ yêu thương”. Trong thời điểm dịch bệnh, chỉ có số ít khán giả được vào Nhà hát. Việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm túc như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, kiểm tra thân nhiệt và ngồi giãn cách. Dù chỉ có số ít khán giả được vào Nhà hát nhưng đó cũng đã là niềm vui không chỉ với những khán giả may mắn mà còn là niềm động viên, khích lệ tinh thần lớn để các nghệ sĩ thêm hăng say biểu diễn trên sân khấu. Nhiều nghệ sĩ chia sẻ do thời gian phải nghỉ biểu diễn vì ảnh hưởng của dịch bệnh, họ đều thấy nhớ sân khấu, nhớ khán giả và những giây phút thăng hoa của nghệ thuật.

Dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng cả 3 đoàn nghệ thuật của Nhà hát Chèo Thái Bình đều đã báo cáo Hội đồng nghệ thuật những tác phẩm mới, được đầu tư nghiên cứu và dàn dựng công phu, trong đó có các vở chèo cổ, các trích đoạn cải lương, các ca khúc mới lần đầu tiên được dàn dựng... Các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát cũng đã báo cáo Hội đồng nghệ thuật những tác phẩm chất lượng để chuẩn bị tham dự cuộc thi tài năng trẻ vào cuối năm nay.

Trong các tác phẩm mới được dàn dựng của Nhà hát có những ca khúc mới về Thái Bình do những nhạc sĩ nổi tiếng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam sáng tác như nhạc sĩ Phú Quang, Nguyễn Cường, Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến... Qua các tác phẩm âm nhạc, mỗi người nghe thêm hiểu, thêm yêu mảnh đất và con người Thái Bình cả trong quá khứ anh hùng và hiện tại đang đổi mới, phát triển từng ngày.

Chung tình yêu với những ca khúc về Thái Bình

Là khán giả được theo dõi phần thể hiện của các nghệ sĩ Nhà hát Chèo với những ca khúc mới về Thái Bình, bà Vũ Thị Hợp, xã Đông Hoàng (Tiền Hải) chia sẻ, bà rất tự hào về quê hương, bà đã thuộc lòng những ca khúc như: “Anh hãy về thăm quê em”; “Nắng ấm quê hương”; “Thái Bình ơn Bác”, “Hát về cây lúa hôm nay”... Nhưng với những ca khúc mới về Thái Bình lần đầu tiên được nghe, bà nhận thấy một Thái Bình đang đổi mới từng ngày. Bà mong muốn những ca khúc mới này sẽ được đông đảo công chúng yêu mến, làm giàu thêm kho tàng những ca khúc về Thái Bình.

Nhiều tác phẩm nghệ thuật dân gian được các nghệ sĩ đầu tư nghiên cứu, thể hiện với phong cách hiện đại.

Từ nhiều tháng qua, các ca sĩ của Đoàn nghệ thuật 3, Nhà hát Chèo đã đầu tư nghiên cứu, tập luyện những ca khúc mới về Thái Bình. Ông Phạm Tấn Anh, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Thái Bình nhìn nhận, đây là một thách thức đối với tất cả các nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công của Nhà hát. Lý do đầu tiên, những ca khúc này đều là những tác phẩm được các nhạc sĩ nổi tiếng sáng tác. Trong đó, nhiều tác phẩm đã được các ca sĩ có tiếng như Tùng Dương, Ngọc Khuê thể hiện. Như vậy, việc thể hiện lại những ca khúc này là một áp lực không nhỏ nhưng những nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Thái Bình đều tâm niệm: có thể cách xử lý bài hát mộc mạc hơn, không được điêu luyện như những ca sĩ nổi tiếng nhưng họ sẽ hát những ca khúc về Thái Bình bằng tất cả niềm tự hào, tình yêu chân thành của một người con với quê hương. Sự mộc mạc, chân thành ấy sẽ trở thành chiếc cầu nối, đưa ca khúc đến gần hơn với công chúng yêu nhạc.

Bên cạnh đó, thử thách đối với các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo, đó là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên họ đã không thể cùng nhau tập luyện những ca khúc mới. Ngoài ra, việc nhiều tháng trời không đứng trên sân khấu cũng có những khó khăn trong việc luyện giọng, trau dồi kỹ năng biểu diễn. Ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công thường xuyên sử dụng phần mềm trực tuyến để thảo luận, tìm ra hướng đi phù hợp trong thể hiện tác phẩm; đồng thời, phần việc nào có thể tự tập luyện sẽ được thực hiện tại nhà, sau đó mới có thể cùng khớp nối. Nếu như trước đây, thường xuyên làm việc nhóm tạo nên sự thấu hiểu, đồng cảm trong công việc, thì nay, bảo đảm  công tác phòng, chống dịch bệnh, mọi thành viên đều cần nỗ lực hơn trong việc đầu tư nghiên cứu và thể hiện tác phẩm mới.

Vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công của Nhà hát Chèo Thái Bình đều mong mỏi một ngày gần nhất có thể đưa đến công chúng yêu nhạc trong tỉnh những vở chèo cổ được phục dựng lại và những tác phẩm âm nhạc mới về quê hương Thái Bình.  

Tú Anh

  • Từ khóa