Chủ nhật, 24/11/2024, 11:22[GMT+7]

Nở hoa trên đất bạc

Thứ 2, 24/08/2020 | 10:01:18
1,442 lượt xem
Từ 2 ha đất trũng cấy lúa kém hiệu quả, dưới bàn tay của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Quốc Thịnh và Đoàn Thị Khuyên, xã Chí Hòa (Hưng Hà) đã trở thành những luống hoa, cây cảnh xanh tươi đủ sắc màu, đồng thời đem lại thu nhập cho vợ chồng anh chị mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, trang trại của anh Thịnh, chị Khuyên còn tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương.

Không giống như phần lớn các bạn trẻ cùng trang lứa lựa chọn vào làm tại các công ty, xí nghiệp, vợ chồng anh Thịnh, chị Khuyên lại lựa chọn gắn bó với đồng đất quê hương. Toàn bộ diện tích đất của trang trại đều được hai vợ chồng thuê lại của người dân với giá 420.000 đồng/sào/năm. Trước đây khu đất này là khu đất trũng, trồng lúa kém hiệu quả. Đối với chân đất trũng, mọi người thường chọn hướng phát triển theo mô hình VAC, đào ao thả cá, lấy đất đào ao để đôn vườn trồng cây ăn quả, xây dựng chuồng trại nhưng vợ chồng anh Thịnh lại chọn cho mình hướng đi khá mới. Chia sẻ về ý tưởng này, anh Thịnh cho biết: Ý tưởng trồng hoa, cây cảnh xuất phát từ niềm đam mê của cả hai vợ chồng, đặc biệt là vợ tôi vốn là thạc sĩ chuyên ngành khoa học cây trồng. Ngoài ra, nhận thấy nhu cầu thị trường đối với các loại hoa, cây cảnh rất lớn nên hai vợ chồng đã mạnh dạn đầu tư. Khi bắt đầu xây dựng mô hình, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu do chất đất kém, thường xuyên ngập nước nên khi trồng hoa, cây cảnh thường hay bị úng, chết. Để có thể trồng được hoa và cây cảnh, chúng tôi phải cải tạo lại đất, đồng thời đắp bờ cao xung quanh để bơm nước ra ngoài. Ngoài ra, chúng tôi cũng chọn trồng những loại cây có thể chịu ngập được ít nhất từ 1 đến 2 ngày. Hiện tại, trang trại của chúng tôi trồng chủ yếu các loại cây như: tùng; mai vạn phúc; mẫu đơn các loại; nhài nhật; tường vi; trắc bách diệp và sản xuất hoa chậu đáp ứng nhu cầu chơi hoa và cây cảnh của người dân từ nông thôn đến thành thị. Ngoài ra, chúng tôi còn sản xuất các loại cây trồng tạo khuôn viên cho các công trình lớn.

Sau 4 năm miệt mài, kiên trì theo đuổi đam mê, đến nay trang trại của vợ chồng anh Thịnh đã dần đi vào ổn định. Mỗi năm gia đình thu lãi khoảng 400 triệu đồng. Chị Khuyên chia sẻ: Hiện tại, đầu ra cho các sản phẩm hoa, cây cảnh của trang trại chủ yếu qua 2 kênh: mạng xã hội facebook và các mối hàng truyền thống như: người đi buôn cây ở các chợ và các đầu mối thu mua cây công trình. Để kinh doanh thành công thì phải xác định được nhu cầu thị trường, phân khúc khách hàng mình sẽ phục vụ từ đó có hướng đầu tư cho phù hợp. Do có diện tích đất rộng nên tôi thường trồng cây với thời gian dài hơn các nhà vườn nhỏ; khi đó cây lớn sẽ bán được với giá cao hơn. Hiện tại, tôi vẫn chưa tận dụng được hết quỹ đất, trong thời gian tới tôi sẽ tập trung cải tạo, tận dụng hết quỹ đất, quy hoạch và đưa các loại cây mới vào trồng.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, trang trại của anh Thịnh, chị Khuyên còn tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng. Chị Vũ Thi Khương, thôn Vân Đài, xã Chí Hòa cho biết: Tôi làm việc ở đây được 3 năm. Công việc hàng ngày của tôi chủ yếu là trồng và chăm sóc các loại hoa, cây cảnh. Trước đây thu nhập của gia đình chủ yếu từ trồng lúa, sau khi trừ các chi phí thu nhập còn không đáng là bao, làm cho anh Thịnh cũng là làm nông nghiệp nhưng so với trồng lúa thì cao hơn. Anh Đinh Quang Hanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chí Hòa cho biết: Mô hình của gia đình anh Nguyễn Quốc Thịnh là một trong những mô hình dân vận khéo tiêu biểu của địa phương về tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình tích tụ ruộng đất lớn nhất của xã, ngoài ra, toàn xã hiện có khoảng 24 mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung. Hầu hết các mô hình đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao. Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay địa phương đã tổ chức rà soát toàn bộ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả của các thôn, tổng hợp, xây dựng kế hoạch chuyển đổi báo cáo huyện. Chúng tôi tin tưởng với chủ trương mới này, trong thời gian tới thu nhập của người nông dân sẽ không ngừng được nâng cao.

Đào Quyên