Thứ 7, 23/11/2024, 15:46[GMT+7]

Nếp cũ làng xưa

Thứ 2, 24/08/2020 | 10:15:03
3,689 lượt xem
Giá trị to lớn của làng nghề thủ công truyền thống không chỉ ở chỗ tạo ra được nhiều việc làm, sản xuất ra nhiều hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu mà quan trọng hơn là làng nghề đang lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống quý báu trao truyền qua nhiều thế hệ những tinh hoa nghệ thuật, kỹ thuật dân gian, kinh nghiệm sản xuất, phong tục tập quán, văn hóa tâm linh và sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng.

Người dân làng Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà vẫn cần mẫn với nghề dệt chiếu.

Kết quả điền dã các làng nghề truyền thống trong tỉnh cho thấy, 3 nhóm ngành nghề được người dân “xem” là thiết yếu nhất cho cuộc sống của người Việt - Mường cổ từ triền núi cao di cư xuống đồng bằng thời kỳ biển thoái cách ngày nay hơn hai nghìn năm nhằm “an cư lạc nghiệp” vẫn được duy trì ở tỉnh ta cho tới ngày nay là các nghề mộc (dựng nhà ở), nghề rèn, đúc kim loại (chế tạo công cụ lao động), nghề dệt (dệt tơ, lụa, vải, đũi, dệt chiếu…). Nói đến nghề, các cụ ta xưa dạy con cháu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” nghĩa là giỏi một nghề thì đời no đủ sung túc. Thế nhưng, thời đại 4.0 công nghệ làm thay đổi cuộc sống đã có tác động lớn đến làng nghề, các nghệ nhân làng nghề truyền thống đang cố gắng giữ “nếp xưa làng cũ”.

Theo các tài liệu khảo cứu, tỉnh ta có nhiều làng nghề thủ công truyền thống, có những làng nghề đã đi sâu vào tiềm thức của người dân trong cả nước như làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (Hồng Thái, Kiến Xương), chiếu cói Hải Triều (Tân Lễ, Hưng Hà), đúc đồng An Lộng (Quỳnh Hoàng, Quỳnh Phụ), rèn sắt An Tiêm (Thụy Dân), hương Lai Triều (Thái Thụy)… Công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đồng thời với chương trình xây dựng nông thôn mới đã kéo theo sự biến đổi lớn ở các làng nghề thủ công truyền thống. Vượt qua mọi thách thức của điều kiện lịch sử, xã hội, các làng nghề tiếp thu những tinh hoa văn hóa tiên tiến của nhân loại nhưng không bị mất bản sắc mà còn liên tục phát huy sáng tạo, giữ được những nét riêng của làng. 

Một số nhà nghiên cứu cho rằng làng nghề thủ công truyền thống giống như “bảo tàng sống” lưu giữ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vừa phong phú, đa dạng, sinh động vừa cụ thể, góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc. 

Học giả người Pháp P.Gourou từng ở nước ta thời thuộc Pháp khi “hồi quốc” đã viết cuốn sách “Người nông dân vùng châu thổ Bắc kỳ”, trong đó có Thái Bình khiến người Pháp chú ý tới nghề truyền thống ở tỉnh ta. Phần viết về nghề mộc P.Gourou không khỏi ngỡ ngàng: “Có một sự trùng hợp đáng chú ý giữa các vùng ngập nước, không làm được vụ mùa với những vùng có nhiều thợ mộc”. 

Điều này càng khẳng định nghề thủ công gắn bó với cuộc sống người nông dân trồng lúa nước tỉnh ta. Câu ca đi vào tiềm thức dân gian: “Nguyên Xá bánh cáy, khoai, ráy Động Trung/Bánh lọc thật trong Đô Kỳ, chợ Quếch/Đan giành có xã An Ninh/Thợ mộc làm đình, Đông Hồ, Vế, Diệc”. 

Theo các tài liệu khảo cứu làng nghề là “một làng” có nghề thủ công đã từng tồn tại trong lịch sử hoặc một thời gian nhất định, có sản phẩm hàng hóa nổi tiếng hoặc có khối lượng hàng hóa lớn có ảnh hưởng nhất định đối với thị trường và có số đông người trong làng cùng làm một hoặc nhiều nghề, dân làng sống chủ yếu bằng các nghề đó. Còn các làng nghề truyền thống trước hết phải là một làng nghề nhưng phải có lịch sử tồn tại lâu dài, đến nay vẫn sản xuất một hoặc nhiều mặt hàng truyền thống có giá trị trên thị trường (sản phẩm rèn sắt An Tiêm, hương Lai Triều (Thái Thụy), Văn Quan, Hưng Hà…). 

Theo nghiên cứu của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Đại Doãn (nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) thì: “Văn hóa làng có nội dung cực kỳ phong phú. Nhiều khi làng đã giải thể nhưng văn hóa làng thì vẫn tiếp tục tồn tại lâu dài”. Tỉnh ta, các làng còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống nhất là các làng nghề. Từ di tích đình, đền, miếu, chùa… đến những phong tục, tập quán tốt đẹp song tồn với tiềm năng văn hóa đều được người dân giữ gìn khá vẹn nguyên. So với các làng thuần nông thì làng có nghề thủ công, đời sống người dân có phần dư giả vì có “đồng ra, đồng vào”. Một số phong tục, nghi lễ mang đậm chất nông nghiệp “sơ khai và tối cổ” còn lưu giữ ở tỉnh ta như múa “ông Đùng, bà Đà” (Thái Thụy), cỗ chay hội Lạng (Vũ Thư), đốt cây Đình Liệu (An Khê, Quỳnh Phụ)… đều được lưu giữ ở các làng nghề nhiều hơn là các làng nông nghiệp thuần túy. Thờ “tổ nghề” là một nét đẹp văn hóa của làng nghề, gần như không có một làng nghề nào lại không thờ một vị “tổ sư” của làng nghề mình. Cùng với lễ giỗ tổ nghề là lễ hội làng nghề, nếu ngày lễ giỗ tổ nghề đồng thời là ngày hội làng thì lễ hội làng ấy có quy mô khá lớn. Vốn dĩ là làng nông nghiệp nên làng nghề mang nặng đặc tính của làng xã nông thôn Việt Nam, vì vậy, khi trở thành làng nghề do nhu cầu “bảo tồn” nghề, do việc phải “cố kết làm ăn” trước các cộng đồng nghề ở làng khác, nơi khác nên tính cộng đồng “mặt nào đó” còn cao hơn ở làng thuần nông. 

Văn hóa làng nghề ngoài lễ hội, khoán ước và lễ giỗ tổ nghề còn tiềm ẩn ở nhiều loại hình khác rất phong phú như ca dao, hò vè, ngạn ngữ nói về nghề, những truyền thuyết về những vị tổ nghề. Có thể khẳng định, làng nghề nào cũng có những câu ca dao hay ca ngợi về làng, về nghề và những con người tài năng của nghề đó. Ví dụ như: “Bưng trống Văn Ông, đúc cồng Đông Hải, dệt vải Tế Quan, thêu đan Nội Ngoại - Lãng” (Văn Ông, Đông Hải, Tế Quan thuộc Đông Hưng; Nội Ngoại - Lãng thuộc Vũ Thư).

Kết quả điền dã cho thấy, văn hóa làng nghề ở tỉnh ta bao gồm các thành tố như di tích, lễ hội, phong tục, tín ngưỡng thờ tổ nghề, mối quan hệ của người dân trong làng nghề, bí quyết và kỹ thuật truyền nghề, ý nghĩa biểu tượng văn hóa trong các sản phẩm của làng nghề có mối quan hệ tác động tương hỗ, gắn bó mật thiết với nhau tạo thành văn hóa làng nghề ví dụ như: (Nguyên Xá cây bông, đúc đồng An Lộng, cá giống Thanh Nga, ương chè thôn Quán… Gạo làng Nguyễn ai đong cho xiết/Gái làng Đoài ai biết cho thông)… Đặc biệt, trong văn hóa làng nghề vai trò của các nghệ nhân là người “giữ linh hồn và bí truyền nghề truyền thống” nên họ có vai trò sáng tạo và trao truyền kỹ năng từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Lục, làng nghề đúc đồng An Lộng, thôn An Lộng 3, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ

Làng nghề đúc đồng An Lộng với sản phẩm đúc truyền đời như chuông, khánh, tượng phật bí truyền nghề đúc bằng những kinh nghiệm làm khuôn đúc mà nhiều làng nghề đúc đồng khác không thể nào có được. Bắt nhịp thị trường, làng chuyển sang đúc các vật dụng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng như các loại xoong, nồi nhôm, gang, lưỡi cày 51… để duy trì thu nhập, bảo đảm cuộc sống.



Chị Bùi Thị Tư, nghệ nhân làm hương truyền thống làng Lai Triều, xã Dương Phúc, huyện Thái Thụy

Làm nghề nông chỉ đủ gạo ăn, còn tiền chi tiêu cho học hành của con cái, mua sắm vật dụng phục vụ nhu cầu ăn mặc của các thành viên trong gia đình đều nhìn vào nghề phụ làm hương. Gọi là nghề phụ nhưng thu nhập lại là chính.

Chị Nguyễn Thị Chăm, thợ dệt chiếu làng Bùi Xá, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà

Ngoài làm ruộng, tôi có nghề phụ dệt chiếu. Thu nhập từ nghề dệt chiếu không cao nhưng bảo đảm cuộc sống ổn định. Nhu cầu xã hội vẫn còn người dùng chiếu nghĩa là thợ dệt chiếu như tôi vẫn có cơ hội việc làm và thu nhập.


Quang Viện