Thứ 3, 24/12/2024, 07:30[GMT+7]

Những cú hích cho công nghiệp cất cánh

Thứ 5, 03/09/2020 | 08:18:14
1,920 lượt xem
Trong 5 năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp chủ động cơ cấu lại các ngành sản xuất công nghiệp với những điểm nhấn quan trọng, tạo cú hích cho sự phát triển và làm cho bức tranh kinh tế thêm khởi sắc.

Ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ phát triển giúp giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng mạnh trong những năm qua.

Ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, với hàng loạt những chính sách, chương trình về phát triển công nghiệp được Sở tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai đã định hướng và tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, nổi bật là tỉnh đã triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Công Thương tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016 đến năm 2020; đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030; quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017 - 2025, định hướng đến năm 2030; quy hoạch chi tiết lưới điện trung và hạ áp sau các trạm biến áp 110kV. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Thái Bình; tổ chức các hội nghị phổ biến, tuyên truyền, tập huấn kiến thức pháp luật cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn...

Dự án nhà máy sản xuất sợi của Công ty TNHH Sợi dệt Hương Sen Comfor tại huyện Quỳnh Phụ với tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng, công suất 7.000 tấn sợi/năm, tạo việc làm cho trên 200 lao động.

Luồng gió mới thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh chính là hạ tầng công nghiệp được đầu tư đồng bộ. Với chủ trương xã hội hóa đầu tư, toàn tỉnh đã huy động được hàng trăm nghìn tỷ đồng đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông từ quốc lộ đến đường nông thôn. Các dự án trọng điểm của tỉnh: đường, cầu Thái Hà, quốc lộ 10 tuyến tránh Đông Hưng, 2 tuyến tỉnh lộ 396B, 455 (Quỳnh Phụ), đường 39, đường tránh S1 (Hưng Hà), nhiều cây cầu trên sông Trà Lý… được xây dựng đã tạo sự liên kết với các tỉnh trong khu vực giúp các doanh nghiệp giảm chi phí và thuận lợi trong hoạt động vận chuyển hàng hóa. Ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Đức Giang chia sẻ: Khi quốc lộ 39A (tuyến đường bộ Thái Bình - Hải Phòng, Thái Bình - Hà Nam nối với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình) được nâng cấp, thấy rõ tiềm năng đầu tư nên chúng tôi quyết định rót vốn đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Đô Lương (Đông Hưng). Trong định hướng chiến lược, chúng tôi sẽ đưa cụm công nghiệp này thành trung tâm chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất cơ khí, dệt, may, thiết bị, dụng cụ, bao bì y tế, công nghiệp hỗ trợ và trở thành một cảng cạn, trung tâm logistics phục vụ phát triển công nghiệp của cả vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhất là Khu kinh tế Thái Bình.

Ngoài phát triển công nghiệp nông thôn, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung quy hoạch và đầu tư xây dựng mạng lưới các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN). Đến nay, toàn tỉnh có 7 KCN và 50 CCN với tổng diện tích gần 4.000ha phân bố hợp lý theo vùng, thuận lợi về giao thông, được đầu tư đồng bộ về hạ tầng góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh ổn định và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh đã tập trung thực hiện công tác quy hoạch các phân khu chức năng, trong đó có các KCN, KCN - đô thị - dịch vụ, thu hút các nhà đầu tư lớn vào nghiên cứu, đầu tư hạ tầng. Đây được coi là trung tâm phát triển công nghiệp tạo động lực mạnh mẽ nhất cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Cùng với dự án nhiệt điện, các dự án điện gió, điện khí đang được đầu tư giúp bảo đảm năng lượng cho công nghiệp của tỉnh phát triển bền vững.

Có lẽ chưa khi nào doanh nghiệp được trải thảm đón vào đầu tư tại Thái Bình như hiện nay. Ngoài đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, tỉnh cũng có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn. Bên cạnh các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư một số lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, nông thôn đang được thực hiện; cuối tháng 5/2020, HĐND tỉnh có Nghị quyết ban hành quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình, giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030. Theo đó, các nhà đầu tư có dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng trong Khu kinh tế thuộc các nhóm ngành, nghề khuyến khích đầu tư của tỉnh sẽ được hưởng 6 chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư như: chính sách ưu đãi về đất đai; chính sách hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào; chính sách hỗ trợ san lấp mặt bằng; chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN, CCN; chính sách hỗ trợ đào tạo lao động và chính sách hỗ trợ thủ tục hành chính. Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng: Với những cơ chế, chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư khi triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, doanh nghiệp có được tiền đề thuận lợi cả về vốn và hạ tầng để đưa dự án sớm đi vào hoạt động. Đây cũng chính là lý do số doanh nghiệp trong tỉnh tăng nhanh trong 5 năm qua. Hiện nay, toàn tỉnh có 7.620 doanh nghiệp và 1.760 chi nhánh văn phòng đại diện đăng ký hoạt động, tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015. Đáng chú ý, trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 8 tháng đầu năm 2020 vẫn có hơn 400 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 4.000 tỷ đồng.

Nhìn lại 5 năm qua, chúng ta có thể tự hào, dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực công nghiệp của tỉnh vẫn có những bước phát triển vượt bậc và chắc chắn. Từ năm 2015 đến nay, đã có thêm 681 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 71.622 tỷ đồng, tăng 97,4% về số lượng dự án và tăng 2,6 lần về vốn đầu tư. Hiện toàn tỉnh có 982 dự án đầu tư với số vốn đăng ký trên 121.000 tỷ đồng; trong đó, có trên 800 dự án đang sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho 112.000 lao động. Tỷ lệ lấp đầy tại các KCN đạt 93,5%, CCN đạt 68,3% diện tích đất đã thu hồi. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp 5 năm (2016 - 2020) ước đạt 299.800 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 19,3%/năm, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Những con số đó đã phản ánh nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển công nghiệp và chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đây cũng là cơ sở để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phấn khởi, yên tâm, tin tưởng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tới sẽ nhanh, bền vững hơn.

Khắc Duẩn