Thứ 3, 30/07/2024, 15:25[GMT+7]

Băng biển Bering ở mức thấp kỷ lục trong 5.500 năm

Thứ 6, 04/09/2020 | 08:01:25
2,345 lượt xem
Các nhà nghiên cứu hôm 2/9 cảnh báo về viễn cảnh biển Bering ở Bắc Thái Bình Dương có thể mất hoàn toàn băng vào mùa đông trong tương lai.

Một khu vực ven biển Bering ở Alaska đóng băng vào mùa đông. Ảnh: Reuters.

Trong một nghiên cứu mới được thực hiện bởi Đại học Alaska và Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, các nhà khoa học ghi nhận băng mùa đông trên biển Bering trong những năm gần đây đang ở mức thấp kỷ lục.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích thảm thực vật tích tụ trên đảo Saint Matthew để xem xét các biến thể của nguyên tử oxy, được gọi là đồng vị 16 và 18, bên trong lớp than bùn. Tỷ lệ của chúng có thể tiết lộ những thay đổi của khí quyển, đại dương và lượng mưa theo thời gian.

"Saint Matthew là một hòn đảo nhỏ không người ở nằm giữa biển Bering và về cơ bản, nó đang ghi lại những gì xảy ra trong đại dương và bầu khí quyển xung quanh", trưởng nhóm nghiên cứu Miriam Jones cho biết.

Jones cùng các cộng sự đã phân tích một lõi than bùn dài 1,45 m - đại diện cho 5.500 tích lũy của thảm thực vật - được thu thập trên đảo Saint Matthew. "Những gì chúng tôi thấy gần đây nhất là chưa từng có trong hơn 5 thiên niên kỷ qua", Giám đốc Phòng thí nghiệm Đồng vị Ổn định thuộc Đại học Alaska nhấn mạnh.

Các tảng băng trôi đang tan chảy trên biển Bering. Ảnh: AFP.

Các tảng băng trôi đang tan chảy trên biển Bering. Ảnh: AFP.

Băng trên biển Bering, cũng giống như Bắc Cực, tan chảy vào mùa hè và xuất hiện trở lại vào mỗi mùa đông hàng năm. Tuy nhiên, các quan sát vệ tinh chỉ có từ năm 1979.

Ở Bắc Cực, sự suy giảm thể tích băng trong những thập kỷ gần đây là rất rõ ràng và nhanh chóng, có liên quan chặt chẽ đến hiện tượng nóng lên toàn cầu và nồng độ CO2 ngày càng tăng trong khí quyển.

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào dữ liệu vệ tinh từ năm 1979, biển Bering lại tương đối ổn định, ngoại trừ các năm 2018 và 2019 khi lượng băng được quan sát thấy giảm mạnh. Ưu điểm của phương pháp phân tích lõi than bùn là nó quay ngược thời gian lại rất xa, cho phép các nhà nghiên cứu xác định mức giảm băng hiện tại là bất thường hay theo xu hướng.

"Còn nhiều điều đang diễn ra bên cạnh sự nóng lên toàn cầu. Chúng tôi thấy những thay đổi trong mô hình hoàn lưu ở cả đại dương và khí quyển. Các điều kiện này có thể dẫn đến một vùng biển Bering hoàn toàn không có băng trong tương lai, tạo ra hiệu ứng domino lên hệ sinh thái", Jones cảnh báo.

Chi tiết nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí Science Advances hôm 2/9.

Theo vnexpress.net