Chủ nhật, 24/11/2024, 10:41[GMT+7]

Đồng hành cùng công nhân vượt khó

Thứ 2, 07/09/2020 | 08:40:21
1,774 lượt xem
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn dẫn tới phải giảm việc, giảm lương, thậm chí cho người lao động nghỉ việc... Để bám trụ và duy trì việc làm, hầu hết công nhân đã phải cắt giảm các khoản chi tiêu, làm đủ nghề để mưu sinh.

Chị Nguyễn Thị Trang (xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Phụ) may mắn vì vẫn có việc làm.

Đầu tháng 9, chúng tôi đến khu nhà trọ ở thôn Đại Lai 2, xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình. Trong căn nhà lợp prôximăng rộng chừng 15m2, anh Vũ Ngọc Bảo, quê xã Bình Định (Kiến Xương) chia sẻ, hai vợ chồng anh đều là công nhân, bản thân anh làm nhân viên kinh doanh cho một công ty chuyên phân phối thiết bị điện tử, điện lạnh tại Hải Phòng với thu nhập ổn định từ 7 - 8 triệu đồng/tháng. Khi dịch Covid-19 bùng phát, hàng hóa tiêu thụ chậm, thu nhập giảm chỉ còn 2 - 3 triệu đồng/tháng, không đảm bảo cuộc sống. Tháng 6/2020, anh quyết định xin nghỉ việc về Thái Bình làm tiếp thị hàng tiêu dùng với mong muốn có thu nhập để ổn định cuộc sống. Anh Bảo chia sẻ thêm, vợ anh trước cũng làm công nhân cho một công ty may mặc tại xã Bình Định (Kiến Xương) với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Cũng vì dịch bệnh, hàng hóa không xuất khẩu được nên không có việc, thường xuyên phải nghỉ làm nên vợ anh cũng mới xin đi làm tại một công ty ở thành phố Thái Bình. Hai con nhỏ ở quê đành để ông bà nội, ngoại chăm sóc. Anh mong sao dịch sớm qua, cuộc sống trở lại bình thường.

Dù gặp nhiều khó khăn, chắt bóp chi tiêu nhưng chị Nguyễn Thị Trang, xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ), công nhân may Công ty TNHH TAV cho biết, mình còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp vì chưa mất việc. “Nhiều bạn bè của em phải về quê do công ty cho nghỉ vì không đủ khả năng chi trả lương cho công nhân. Em may mắn vì vẫn có việc làm để duy trì cuộc sống. Lương công nhân 6 triệu đồng/tháng, sau khi trả tiền nhà trọ, điện nước, ăn uống, em còn dành dụm được khoảng 3 triệu đồng. Số tiền này em gửi về quê phụ cha mẹ. Ước mong của em là dịch sớm qua để được tăng ca, tăng thu nhập, khi đó cuộc sống người lao động sẽ ổn định hơn” - Trang tâm sự.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như việc làm của người lao động. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, 8 tháng đầu năm toàn tỉnh có 136 doanh nghiệp phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 30.000 lao động do dịch bệnh. Phải nghỉ việc, hoặc nghỉ việc luân phiên đã khiến nhiều công nhân rơi vào cảnh khó khăn, phải cắt giảm chi tiêu, nợ tiền nhà... Trước những khó khăn trên, cùng với các cấp, ngành, địa phương, các cấp công đoàn trong tỉnh đã có nhiều biện pháp thiết thực góp phần chia sẻ với người lao động. Ông Bùi Xuân Vinh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, các cấp công đoàn trong tỉnh đã trích kinh phí mua, cấp phát khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tay; phối hợp tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn vận động các chủ nhà trọ giảm giá thuê nhà cho công nhân; vận động các doanh nghiệp bảo đảm các chế độ đối với người lao động khi bị nghỉ việc hoặc giảm giờ làm... Qua thống kê, từ đầu mùa dịch đến nay, đã vận động được 6 chủ nhà trọ thuộc xã Phú Xuân, phường Tiền Phong (thành phố Thái Bình) giảm giá phòng trọ hoặc miễn tiền thuê trọ từ 2 - 3 tháng đối với công nhân lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ông Đào Quang Tuyến, một chủ nhà trọ tại phường Tiền Phong tâm sự: Gia đình tôi có 6 phòng trọ, mỗi phòng cho thuê 700.000 đồng/tháng. Đợt dịch vừa qua, nhiều công nhân không có việc làm, không có lương nên cuộc sống rất khó khăn. Thấu hiểu hoàn cảnh của người lao động, gia đình tôi đã miễn phí 2 tháng tiền nhà với mong muốn giúp họ giảm bớt một phần gánh nặng trong cuộc sống. Tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, phải cắt giảm lao động, các cấp công đoàn thành lập tổ giám sát tại chỗ, vì thế các doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm các quy định về giải quyết chế độ cho công nhân. Đối với lao động nghỉ luân phiên đều được chi trả từ 70 - 75% mức lương theo hợp đồng; công nhân phải chấm dứt hợp đồng lao động sẽ được chốt sổ bảo hiểm xã hội, nhận tiền trợ cấp mất việc theo quy định. Tính đến ngày 31/8, toàn tỉnh có 7.374 lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, qua đó giúp họ giải quyết khó khăn trước mắt trong quá trình tìm công việc mới.

Để đồng hành cùng công nhân lao động vượt khó, thời gian tới Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục duy trì các biện pháp hỗ trợ công nhân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đẩy mạnh vận động các nguồn lực nhằm hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn; duy trì các tổ giám sát để bảo vệ quyền lợi cho công nhân. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn tiếp tục vận động công nhân, người lao động, các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, ổn định việc làm cho người lao động.

Nguyễn Cường