Thứ 7, 18/01/2025, 03:42[GMT+7]

Hưng Hà phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa

Thứ 2, 07/09/2020 | 09:12:03
3,263 lượt xem
Những năm qua, sản xuất nông nghiệp được huyện Hưng Hà quan tâm, triển khai nhiều giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm thúc đẩy lĩnh vực này phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững.

Nuôi cá lồng ở xã Điệp Nông (Hưng Hà).

Điệp Nông là xã duyên giang, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Để phù hợp điều kiện và tập quán trồng trọt của người dân, xã đã quy hoạch 6 vùng sản xuất theo hướng hàng hóa với diện tích trên 350ha. Thực tế cho thấy hiệu quả từ trồng cây màu cao hơn 2,5 - 3 lần trồng lúa. 

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã: Sản xuất 2 vụ lúa đạt giá trị 80 - 100 triệu đồng/ha/năm, sản xuất lúa giống 120 - 125 triệu đồng/ha/năm; mô hình 2 vụ lúa, 1 vụ màu đạt giá trị trung bình 150 - 250 triệu đồng/ha/năm; mô hình 1 lúa 2 màu đạt giá trị 200 - 250 triệu đồng/ha/năm; mô hình 2 lúa, 2 màu đạt giá trị 250 - 300 triệu đồng/ha/năm. 

Theo ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã, khi chuyển đổi sang trồng cây màu người lao động sản xuất trên nền ruộng khô nên tận dụng được mọi lứa tuổi. Mặt khác, đồng đất được tưới, tiêu hợp lý nên có thể vận dụng phương pháp luân canh cho nhiều loại cây trồng như ngô, kê, lạc, ớt, rau các loại. Bình quân một năm, rau màu trồng được 7 - 8 vụ; ngô được từ 3 - 4 vụ. Ngoài diện tích quy vùng chuyên màu, một số diện tích đất cát cấy lúa kém hiệu quả nhân dân địa phương cũng đã chuyển dần sang trồng màu. Đến nay, toàn xã đã có trên 1,2ha lúa chuyển sang trồng cây dược liệu, 38ha chuyển từ cấy lúa sang trồng cây màu.

Ngoài Điệp Nông, nhiều xã ở huyện Hưng Hà đã tích cực phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng hàng hóa như Dân Chủ, Duyên Hải, Tây Đô... Phát huy truyền thống trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đặc biệt là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân quy hoạch, quy vùng sản xuất theo tiêu chí nông thôn mới. 

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Trong quá trình thực hiện nghị quyết về phát triển sản xuất nông nghiệp, Hưng Hà tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó, quy rõ vùng xã, thị trấn hướng đến sản xuất theo quy mô hàng hóa chất lượng cao. Hiện toàn huyện đã có 3 vùng quy hoạch gồm: vùng từ 200 - 300ha, vùng từ 150 - 200ha, vùng từ 100 - 150ha, phương thức luân canh đều là 2 vụ lúa chất lượng cao và 1 vụ màu. Cùng với quy vùng sản xuất tập trung, Hưng Hà tích cực chuyển đổi các loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao và có thị trường tiêu thụ tốt như: ngô, dưa, khoai lang... Các giống lúa mới cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon, kháng chịu sâu bệnh đã được lựa chọn đưa vào sản xuất như BC15, TBR1, TBR225, Kim cương 111, Nam hương 4... Song song với chuyển đổi cây trồng, huyện cũng tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tích tụ ruộng đất. Đến năm 2020, tổng diện tích đất đã tập trung tích tụ của huyện đạt trên 2.540ha, chiếm 22% tổng diện tích canh tác ở 25 xã, thị trấn, có 174 hộ tích tụ từ 1ha trở lên với tổng diện tích trên 696,27ha. Nhờ đó, giá trị thu nhập bình quân đất trồng trọt năm 2020 ước đạt trên 1.500 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 0,97%/năm, chiếm 47,43% trong giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp.

Cùng với phát triển trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng được huyện quan tâm, thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển. Huyện đã quy hoạch 153 điểm chăn nuôi tập trung, diện tích 691,12ha và 7 điểm quy hoạch nuôi cá lồng với 897 lồng cá. Đến nay, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của huyện bình quân đạt 1.580,06 tỷ đồng/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân 5,24%/năm, chiếm 48,32% trong giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp. Các giống bò Úc, bò lai sin được nhân rộng. Hiện nay, huyện có 176 trang trại và 2.040 gia trại sản xuất khá hiệu quả; trong đó đàn trâu, bò gần 15.000 con, đàn lợn đạt 128.940 con, đàn gia cầm 1.875.000 con. Chăn nuôi phát triển đa dạng theo hướng chăn nuôi sạch ở các xã Duyên Hải, Điệp Nông, Hồng Minh, Tân Lễ, Tân Hòa, Minh Khai, Đông Đô. Cùng với đó, sản xuất thủy sản ngày càng phát triển, các giống cá diêu hồng, rô phi đơn tính, cá chép giòn, cá lăng... được nuôi tại các lồng cá trên sông. Hiện toàn huyện có 141 lồng cá ở các xã Điệp Nông, Độc Lập, Hồng Minh, Tân Lễ và thị trấn Hưng Nhân.

Vùng trồng rau màu của xã Tây Đô (Hưng Hà).

Để hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương trong thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân về đất đai, tiếp cận nguồn vốn chính sách ưu đãi để xây dựng cơ sở sản xuất. Đối với vùng phát triển chăn nuôi lợn, chủ yếu phát triển ở các xã phía Đông Bắc của huyện như Duyên Hải, Dân Chủ, Điệp Nông, Đông Đô... Đối với đàn gia cầm, ưu tiên phát triển đàn gà lai chất lượng cao, chiếm trên 85% tổng đàn gà thịt đáp ứng nhu cầu thị trường. Đối với đàn bò, tăng tỷ lệ đàn bò nái được phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo lên trên 50% vào năm 2020. Nông dân trong huyện đã tích cực đưa các giống lợn ngoại có năng suất, chất lượng cao vào chăn nuôi, đồng thời duy trì lợi thế sản xuất lợn sữa phục vụ thị trường xuất khẩu. Chuyển đổi phương thức chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại; ưu tiên phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn có liên doanh, liên kết, bảo đảm vệ sinh môi trường; chăn nuôi nông hộ từng bước tổ chức lại theo hướng chăn nuôi chuyên nghiệp có kiểm soát, bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học và bền vững.

Những kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp bình quân của Hưng Hà trong 5 năm qua đạt 3,18%. Kết quả đó là động lực để nhân dân các địa phương trong huyện tiếp tục phấn đấu giành nhiều kết quả cao hơn trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, góp phần ngày càng nâng cao đời sống của nhân dân.

Mai Thư