Thứ 6, 08/11/2024, 05:28[GMT+7]

Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp

Thứ 3, 08/09/2020 | 08:47:55
12,969 lượt xem
Các chuyên gia kinh tế đã khẳng định, nếu thương mại là “đôi chân” đưa nông sản Việt Nam tiến xa trên thị trường thì khoa học công nghệ (KHCN) được coi là “xương sống” để ngành Nông nghiệp nâng cao giá trị cho nông sản.

Giống lạc đen CNC1 được trồng thử nghiệm tại xã Quỳnh Lâm (Quỳnh Phụ).

Tại Thái Bình, việc ứng dụng KHCN vào lĩnh vực nông nghiệp luôn được tỉnh quan tâm, coi đó là đòn bẩy quan trọng, tạo bước đột phá góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.

Từ năm 2016 - 2020, toàn tỉnh đã triển khai 11 dự án thuộc chương trình nông thôn và miền núi và 208 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh, 12 nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở, trong đó nông nghiệp là lĩnh vực có số dự án và nhiệm vụ KHCN được triển khai nhiều nhất. Các dự án, nhiệm vụ KHCN đã tập trung vào ứng dụng công nghệ mới để sản xuất giống lúa, cây, con chất lượng cao, sản xuất một số loại rau theo chuỗi giá trị liên kết. Cụ thể, trong hoạt động khảo nghiệm đã tuyển chọn, xác định được những cây, con có năng suất, chất lượng, khả năng chống chọi sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận bổ sung vào cơ cấu cây trồng của tỉnh như: giống lúa DT80, QJ4, Đài thơm 8, Lộc trời 15, khoai tây Rosagold, Esmee, cà chua đen, lạc CNC1, giống cá nheo Mỹ; giống bò F1 hướng thịt... Bên cạnh đó, các ngành, địa phương đã ứng dụng và làm chủ được nhiều công nghệ trong sản xuất nông nghiệp như: công nghệ tạo giống khoai tây từ nuôi cấy tế bào, công nghệ khí canh, cắt ngọn, dâm bầu; công nghệ làm mạ khay, máy cấy...

Với mục tiêu đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân, thời gian qua hoạt động KHCN đã tập trung hơn trong việc xây dựng các mô hình cụ thể trong sản xuất nông nghiệp. Đây được coi là con đường ngắn nhất đưa kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm đến đồng ruộng, vườn, ao, chuồng.

Mô hình trồng hoa ứng dụng gói giải pháp nông nghiệp thông minh APPA Smart Farm, sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt Knet để quản lý tưới cho 3.500 chậu hoa dạ yến thảo rủ và cúc mâm xôi được trồng trong nhà lưới, có mái che nilon của gia đình ông Vũ Đức Song, xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình) là một trong những mô hình hiệu quả. Thông qua bộ cảm biến, các điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng... liên tục được cập nhật, từ đó phản ánh tới điện thoại thông minh để phân tích, xử lý số liệu, tự động điều chỉnh lượng nước tưới. Trong quá trình tưới nước còn có thể hòa dinh dưỡng trực tiếp vào bồn tưới thay vì thao tác thủ công bỏ phân vào từng chậu như trước đây. Việc áp dụng công nghệ trong trồng hoa thông qua quá trình tự động hóa đã tiết kiệm 3 - 5 lần lượng nước tưới so với phương pháp truyền thống. Bên cạnh đó còn tiết kiệm công lao động ở khâu tưới nước và bón phân. Hiệu quả mô hình được khẳng định, chủ hộ đã tăng quy mô sản xuất lên 12.000 chậu hoa cúc mâm xôi và dạ yến thảo.

Không chỉ có mô hình trồng hoa ứng dụng gói giải pháp nông nghiệp thông minh, nhiều mô hình mới cũng được triển khai xây dựng. Đến nay, một số mô hình đã được nhân rộng và phát huy hiệu quả trong sản xuất như mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng trong nhà có che phủ nilon theo hướng VietGAP đã nhân rộng được hàng chục héc-ta nuôi tại hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải. Mô hình sinh sản nhân tạo, sản xuất giống cá nheo Mỹ Ictalurus punctatus tiếp tục duy trì và cơ bản đáp ứng nhu cầu giống cho người nuôi trong và ngoài tỉnh. Mô hình ứng dụng công nghệ mạ khay, máy cấy từ 16 máy ban đầu, đến nay toàn tỉnh đã có hàng trăm máy cấy, góp phần giải quyết bài toán thiếu lao động ở nông thôn. Mô hình nuôi gà trên cát đã được nhân rộng ở Quỳnh Phụ và một số địa phương khác. Hiện nay, một số mô hình đang tiếp tục được triển khai thực hiện như: nghiên cứu ứng dụng nguồn gen mới để tạo đàn bê lai cao sản; sản xuất măng tây tại huyện Vũ Thư; sản xuất lúa lai hai dòng TH6-6; áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất đậu tương tại huyện Hưng Hà...

Từ việc đưa KHCN vào sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương đã tạo chuyển biến rõ nét trong lựa chọn cây, con chủ lực để tập trung đầu tư phát triển; tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ với quy mô lớn; chú trọng quy hoạch và phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tỷ lệ và tốc độ cơ giới hóa sản xuất tăng nhanh, giảm được nhiều chi phí. Hoạt động KHCN đã có những đóng góp tích cực, khẳng định vai trò là chìa khóa, công cụ để giải quyết những vấn đề của thực tiễn như: biến đổi khí hậu, khan hiếm nguồn lực lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn, vấn đề năng suất, hiệu quả kinh tế của sản xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp sạch.

Kết quả ứng dụng KHCN đã được khẳng định. Song để có thể đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đòi hỏi sự tập trung, vào cuộc tích cực của tất cả các cấp, các ngành và đó là một quá trình lâu dài. Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để phát triển nông nghiệp trong thời gian tới cần tạo sự đột phá về khâu giống để chủ động số lượng, chất lượng và nguồn gốc giống; kiểm soát hiệu quả các loại giống được tỉnh lựa chọn, phục vụ đắc lực việc xây dựng thương hiệu nông thủy sản của tỉnh. Bố trí cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, khuyến khích ứng dụng công nghệ tiên tiến trong canh tác và các khâu sấy, bảo quản, chế biến nông sản; tăng cường tập huấn, phổ biến tiến bộ khoa học, kỹ thuật và xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật. Bên cạnh đó, cần xây dựng các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản.

Kết quả thực hiện các nhiệm vụ KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua đã góp phần quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đóng góp thiết thực phục vụ cho tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới.  

(Bà Trần Thị Bích Hằng,
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ)

Hoàng Lanh