Thứ 7, 18/01/2025, 03:30[GMT+7]

Hội nông dân huyện Kiến Xương: Nâng cao hiệu quả hoạt động

Thứ 3, 08/09/2020 | 08:57:50
3,074 lượt xem
Với cách làm sáng tạo, những năm qua, các cấp hội nông dân ở Kiến Xương không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua của hội cũng như nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Mô hình nuôi chạch của anh Nguyễn Sông Đà, thôn Thái Cao, xã Nam Bình (Kiến Xương).

Ông Nguyễn Văn Chuyên, Chủ tịch Hội cho biết: Những năm qua, Hội Nông dân huyện Kiến Xương đã có nhiều giải pháp củng cố, xây dựng tổ chức hội vững mạnh và nâng cao chất lượng hội viên. Toàn huyện hiện có trên 36.000 hội viên, chiếm khoảng 76% tổng số hộ nông nghiệp; trong đó, đã tập hợp nhiều hội viên là cán bộ, đảng viên, cán bộ hưu trí, người lao động trực tiếp trong sản xuất tham gia vào tổ chức hội. Trong quá trình hoạt động, Hội bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, tuyên truyền, vận động hội viên mạnh dạn phát triển kinh tế, tích cực xây dựng nông thôn mới. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững luôn được các cấp hội coi trọng, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Nhờ duy trì tốt việc phát động, tổng kết phong trào thi đua, kịp thời tuyên dương, khen thưởng nên đã khích lệ ngày càng nhiều hội viên tham gia, xuất hiện nhiều mô hình điển hình trong sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Nguyễn Văn Chiến, thôn Thái Cao, xã Nam Bình cho biết: Qua công tác tuyên truyền, vận động của các cấp hội nông dân, tôi đã học hỏi mô hình nuôi chạch bên Nam Định về áp dụng từ năm 2018. Với số vốn đầu tư hơn 100 triệu đồng tôi đã chuyển đổi từ ruộng lúa kém hiệu quả sang nuôi chạch và cá truyền thống. Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm thu hoạch được 1 tấn chạch và 1 tấn cá các loại, thu lãi trên 100 triệu đồng. 

Khi thấy mô hình hiệu quả, một số người đã đến học tập, về cải tạo ao nuôi, bước đầu cho hiệu quả. Điển hình như anh Nguyễn Sông Đà cùng thôn vừa nuôi cá truyền thống vừa nuôi chạch. 

Anh Đà cho biết: Trước đây do chỉ nuôi cá truyền thống nên mỗi năm chỉ thu lãi vài chục triệu đồng. Sau khi thấy anh Chiến nuôi chạch hiệu quả, tôi đã nhờ anh tư vấn, giúp đỡ kỹ thuật nuôi, đầu tư 200 triệu đồng cải tạo lại 2 ao nuôi. Sau gần 1 năm thả 3 vạn chạch giống đến nay tôi đã có khoảng 1 tấn chạch thương phẩm với giá bán từ 60.000 - 80.000 đồng/kg. Đây là loại chạch sụn ngon, ngậy, giá trị dinh dưỡng cao hơn chạch đồng nên đầu ra không khó, các công ty đều đến ký hợp đồng đặt hàng.

Để khích lệ các phong trào thi đua, các cấp hội nông dân ở Kiến Xương còn có các hình thức hỗ trợ vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm, hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua các tổ, hợp tác xã. Từ năm 2015 đến nay các cấp hội đã phối hợp với các trường trung cấp nghề mở 75 lớp, đào tạo nghề cho 2.350 hội viên; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp mở 557 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 60.000 lượt cán bộ, hội viên. Bên cạnh đó còn làm tốt vai trò cầu nối với các ngân hàng nhằm tạo điều kiện để hội viên tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất, chăn nuôi. Hội đã nhận ủy thác quản lý Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại 24 dự án với số vốn 9,4 tỷ đồng; thực hiện ủy thác cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ 135 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho gần 5.000 hộ vay vốn, dư nợ đến nay trên 110 tỷ đồng.

Thời gian tới, Hội Nông dân  huyện Kiến Xương tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua từ khâu phát động đến tuyên truyền, vận động và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, trở thành người bạn đồng hành tin cậy của hội viên, nông dân.

Thu Thủy

Trần nghia - 4 năm trước

Vui lòng cho biết địa chỉ thu mua gấc quả ở huyện Kiến xương. Cảm ơn nhiều.

Tải thêm