Thứ 4, 27/11/2024, 17:44[GMT+7]

Xây vững nền móng cho thương mại, dịch vụ phát triển

Thứ 3, 08/09/2020 | 09:08:25
1,651 lượt xem
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ của tỉnh những năm qua có tốc độ tăng trưởng mạnh đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển. Có được điều đó phải kể đến những cơ chế, chính sách, sự đầu tư trọng điểm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn và lành mạnh của các cấp, các ngành.

Dịch vụ tài chính đa dạng góp phần hỗ trợ hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển.

Sau nhiều năm hoạt động kinh doanh ở các tỉnh phía Nam và khu vực Tây Bắc, giữa năm 2019, ông Phan Minh Điệp quyết định đầu tư dịch vụ chế biến nông sản và kinh doanh thực phẩm về Thái Bình. Ông Điệp chia sẻ: Vài năm trở lại đây, hạ tầng thương mại của tỉnh như hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, viễn thông, internet... ngày càng đổi mới, thu nhập của người dân không ngừng được nâng lên là điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh dịch vụ phát triển. Chính vì vậy, chúng tôi mạnh dạn đầu tư về quê. Khởi đầu với 1 cơ sở kinh doanh Lộc Vượng tại thành phố Thái Bình, đến nay chúng tôi đã phát triển được chuỗi 4 cơ sở kinh doanh tại thành phố Thái Bình, huyện Vũ Thư và 70 đại lý tại các huyện trên địa bàn tỉnh.

Nhận định về môi trường kinh doanh của ông Điệp cũng là cảm nhận của nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh, bởi toàn tỉnh hiện có 218 chợ dân sinh gồm 4 chợ hạng I, 38 chợ hạng II, 176 chợ hạng III. Từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa nguồn lực đầu tư, các chợ đều được quy hoạch, cải tạo, nâng cấp và xây mới. Đây chính là mạng lưới phân phối, lưu thông hàng hóa chủ lực thu hút hàng nghìn tiểu thương vào kinh doanh và phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Những năm qua, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành chức năng, các huyện, thành phố xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, tiêu dùng thông minh. Đến nay đã có 12 siêu thị và 1 trung tâm thương mại đạt chuẩn theo quy định được đầu tư xây dựng đưa vào hoạt động góp phần làm đẹp diện mạo cảnh quan đô thị, thay đổi thói quen mua sắm của người dân.

Ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển, ngành Công Thương đã đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính thu hút đầu tư trong lĩnh vực thương mại và phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác quản lý thị trường, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân kinh doanh hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, Sở Công Thương đã tổ chức thành công 7 kỳ hội chợ triển lãm; hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp của tỉnh tham gia hội chợ ở các tỉnh, thành phố trong cả nước và nước ngoài góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, một số sản phẩm tiêu biểu của tỉnh. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ. Hàng năm, Sở Công Thương tổ chức nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tổ chức nhiều chương trình liên kết tiêu thụ nông sản, thực phẩm, thủy sản vào thị trường các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh... giúp nhiều doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh có thêm đầu ra tiêu thụ sản phẩm.

Trong 5 năm qua, Cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 14.486 lượt, xử lý 5.528 vụ liên quan đến buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, phạt tiền nộp ngân sách nhà nước gần 14,2 tỷ đồng. Sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của Cục Quản lý thị trường đã góp phần giữ ổn định thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bắt nhịp với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là môi trường số hóa (internet), Sở Công Thương đã chỉ đạo Phòng Thương mại, Phòng Xuất nhập khẩu, Trung tâm Xúc tiến thương mại triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thị trường thương mại điện tử. Ngoài tuyên truyền, vận động, tập huấn kiến thức về thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, Sở Công Thương cũng hỗ trợ cho hàng trăm doanh nghiệp đăng ký, xây dựng và quản trị website phục vụ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu và bán hàng trực tuyến. Hỗ trợ kinh phí giúp doanh nghiệp tham gia đăng bài trên website của ngành và sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Lợi, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình) cho biết: Nhờ kênh thương mại điện tử, doanh nghiệp đã tiếp cận được một số đối tác nước ngoài và ký kết nhiều đơn hàng xuất khẩu. Tình hình sản xuất, thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp được quảng bá rộng rãi một cách nhanh chóng cho khách hàng và các cổ đông trên sàn chứng khoán theo dõi kịp thời. Nhờ đó, doanh nghiệp duy trì được dòng vốn đầu tư, đơn hàng sản xuất, xuất khẩu phong phú.

Có thể khẳng định, những năm qua, không gian phát triển thương mại, dịch vụ của tỉnh không ngừng được mở rộng, môi trường đầu tư cải thiện rõ rệt và giá trị lĩnh vực thương mại, dịch vụ tăng trưởng nhanh. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ trong 5 năm (2016 - 2020) ước đạt 201.972 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 10,9%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7.955 triệu USD, tăng bình quân 9,43%/năm; tổng kim ngạch nhập khẩu 5 năm ước đạt 7.170,6 triệu USD, tăng bình quân 8,27%/năm. Mặc dù chịu sức ép do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng năm 2020, ngành Công Thương phấn đấu tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 48.744 tỷ đồng.

Thương mại, dịch vụ của tỉnh đi lên trên nền móng vững chắc trong 5 năm qua chính là cơ sở cho kỳ vọng lĩnh vực này sẽ phát triển hơn trong giai đoạn 2020 - 2025. Và mục tiêu của ngành Công Thương đề ra đến năm 2025: tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 91.281 tỷ đồng, tăng bình quân 13,4%/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt 3.224 triệu USD, tăng bình quân 10%/năm; kim ngạch nhập khẩu đạt 2.857,7 triệu USD, tăng bình quân 9,9%/năm không phải là đích xa vời.

Khắc Duẩn