Thứ 7, 06/07/2024, 11:20[GMT+7]

Hồi chuông cảnh tỉnh về bạo lực gia đình

Thứ 4, 09/09/2020 | 08:31:40
7,744 lượt xem
Sau nhiều ngày được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng do thương tích từ những vết bỏng quá nặng, chị Nguyễn Thị Hương (37 tuổi, người bị chồng tẩm xăng đốt) ở xã Bình Nguyên (Kiến Xương) đã không qua khỏi, để lại 3 con thơ (cháu lớn học lớp 1, cháu bé nhất mới 2 tuổi). Vụ việc đau lòng này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về bạo lực gia đình.

Ảnh minh họa.

Thông tin với phóng viên Báo Thái Bình về vụ việc, ông Phạm Văn Nhự, Chủ tịch UBND xã Bình Nguyên cho biết, nạn nhân Nguyễn Thị Hương đã tử vong sau khi được đưa về nhà vào tối ngày 6/9. Thời gian qua, chính quyền địa phương cũng như các tổ chức, đoàn thể và một số nhà hảo tâm đã quyên góp hỗ trợ kinh phí cho 3 cháu nhỏ trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Từ khi vụ việc đau lòng xảy ra, các cháu vẫn ở cùng ông bà nội trong khi ông bà tuổi cao, sức yếu, kinh tế chủ yếu làm nông nghiệp. 

Chị Trần Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Nguyên cho biết: Vụ việc xảy ra bất ngờ khiến bà con làng xóm hết sức bàng hoàng bởi hai vợ chồng vốn chăm chỉ làm ăn, sống hòa thuận với mọi người, trước nay chưa hề xảy ra điều tiếng gì, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cũng chưa khi nào phải đến gia đình để hòa giải mâu thuẫn của hai vợ chồng.

Còn theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Lan (mẹ của nạn nhân), nguyên nhân xảy ra vụ việc chưa thể xác định. Tuy nhiên, qua những điều con gái trước đây tâm sự với mẹ thì không có gì to tát, mà có thể do cuộc sống khó khăn, vay nợ nên người chồng chán nản sinh ra rượu chè, dẫn tới vụ việc đau lòng.

Theo điều tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy: Nguyên nhân trực tiếp chủ yếu làm nảy sinh hành vi bạo lực giữa vợ và chồng là do người chồng nghiện rượu, say rượu chiếm khoảng 60%. Còn báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 được công bố vào tháng 7 vừa qua đã chỉ ra rằng cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người (tức là khoảng gần 63%) bị bạo lực do chồng gây ra trong cuộc đời. Trong vòng 1 năm qua, tỷ lệ phụ nữ bị bạo hành là gần 32%. Các loại bạo lực gồm bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần, bạo lực kinh tế và kiểm soát hành vi. 

Những con số đáng lo ngại này cho thấy, dù cuộc sống ngày càng phát triển nhưng bạo lực gia đình vẫn đang là vấn nạn đau lòng và là hồi chuông báo động cho toàn xã hội. Tình trạng bạo lực với phụ nữ vẫn được che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội. Sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và “văn hóa đổ lỗi” là những rào cản khiến người bị bạo lực không dám lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ. Trẻ em cũng là nạn nhân, dễ gặp rủi ro hơn trong cuộc sống khi trẻ phải sống trong gia đình mà mẹ của mình bị bạo lực.

Bà Trần Thị Hoa, Thạc sĩ Công tác xã hội, Bộ môn Tâm lý giáo dục và công tác xã hội, Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình chia sẻ: Thực tế cho thấy, để phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ phụ nữ, điều tiên quyết là phải nâng cao dân trí, tích cực tuyên truyền đi đôi với việc thực hiện bình đẳng giới, thi hành luật và các chế tài nghiêm minh. Việc nâng cao nhận thức sẽ tiến tới chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về bạo lực gia đình. Trong khi đó, đối với các nạn nhân bị bạo hành thì cần trang bị một số kỹ năng để phòng tránh như: nhận biết các dấu hiệu mình sắp bị bạo hành để có thể trốn chạy hoặc từ đó đưa ra những cách xử lý phù hợp, tránh bị ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của bản thân; hãy im lặng, tránh xung đột khi chồng say xỉn bởi đây là lúc người chồng không thể làm chủ cảm xúc, hành động của mình, sẽ dễ dẫn tới những lời nói, hành vi gây hậu quả nghiêm trọng; hãy kêu gọi sự giúp đỡ của người thân, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khi bản thân không thể ngăn chặn những vụ việc bạo lực trong gia đình, đừng vì tâm lý e ngại hay tư tưởng “xấu chàng hổ ai” mà không dám thừa nhận đối tác của mình là người gây ra bạo lực.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền về bình đẳng giới đã được các cơ quan chức năng triển khai dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, bạo lực gia đình vẫn diễn ra và tới khi bị phát hiện thì mức độ đã nghiêm trọng. Nên xóa bỏ quan niệm bạo lực gia đình là chuyện “đóng cửa bảo nhau”, cộng đồng e ngại khi can thiệp. Đã đến lúc phải cấp bách nâng cao nhận thức cho mọi người dân không thể chấp nhận bạo lực gia đình dưới bất kỳ hình thức nào.

Tú Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày