Thứ 7, 23/11/2024, 14:08[GMT+7]

Bước chuyển mới của làng nghề

Thứ 2, 14/09/2020 | 08:34:01
4,798 lượt xem
Vì nhiều lý do, nghề và làng nghề ở Thái Bình không còn phát triển rầm rộ về bề rộng. Có không ít làng nghề bị “xóa sổ”, song những làng nghề còn trụ vững lại hứa hẹn phát triển mạnh mẽ, đó chính là bước chuyển mới trong bức tranh tổng thể của nghề và làng nghề trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Ứng dụng máy móc vào sản xuất giúp làng nghề dệt chiếu xã Tân Lễ (Hưng Hà) không ngừng phát triển.

Vào thời kỳ hoàng kim nhất, huyện Kiến Xương có tới 40 làng nghề, xã nghề nhưng hiện nay chỉ còn 22 làng nghề giữ vững đủ các tiêu chí, còn lại bị suy giảm nghề chính hoặc không còn nghề chính nữa. Một trong những làng nghề bị “khai tử” là làng nghề thôn Tử Tế, xã Thanh Tân. Ông Trần Quang Hưng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước đây, làng nghề thôn Tử Tế có 765 hộ với 1.080 lao động tham gia làm nghề chế biến cói xuất khẩu, giá trị sản xuất đạt hơn 26,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây không phải là nghề truyền thống của địa phương mà do bà con du nhập về làm vệ tinh cho các làng nghề khác. 5 năm trở lại đây do thu nhập từ làm nghề thấp, phần lớn lao động chuyển sang làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp tại cụm công nghiệp Thanh Tân và sản phẩm làm khó tiêu thụ nên làng nghề hoạt động cầm chừng và nhanh chóng suy giảm. 

Làng nghề mây tre đan xã Thượng Hiền (Kiến Xương) giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Làng nghề bị suy giảm ở Kiến Xương cũng là thực trạng chung của các địa phương trong tỉnh. Nếu như năm 2016, toàn tỉnh có 245 làng nghề thì đến tháng 8/2020 qua rà soát, đánh giá của ngành Công Thương, chỉ còn 141 làng nghề duy trì hoạt động và đáp ứng đủ các tiêu chí. Ông Đặng Đình Chương, Trưởng phòng Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết: Số lượng làng nghề giảm mạnh phản ánh thực tế khách quan bởi lĩnh vực công nghiệp của tỉnh 5 năm qua phát triển nhanh chóng. Lực lượng lao động trong các làng nghề chuyển dịch sang làm công nghiệp cho thu nhập cao hơn. Những làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ, sản phẩm chưa có thương hiệu và không đủ sức cạnh tranh trên thị trường dẫn đến thui chột là tất yếu. Mặt khác, những làng nghề còn tồn tại hiện nay đều đang có chiều hướng mở rộng quy mô sản xuất, không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn vươn ra xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao.


Các làng nghề: dệt Phương La (Hưng Hà), thêu Minh Lãng (Vũ Thư), chạm bạc Đồng Xâm (Kiến Xương), đan cói Tây An (Tiền Hải)... hiện đang phát triển mạnh. Điểm chung của các làng nghề này là ngoài sự năng động, nâng cao tinh hoa tay nghề của các hộ làm nghề và có các doanh nghiệp, tổ sản xuất, hợp tác xã giữ vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ước tính tại các làng nghề trong tỉnh hiện nay có khoảng hơn 840 doanh nghiệp, hợp tác xã và hơn 40.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Ngọc Ngoan, Chủ tịch Chi hội Mỹ nghệ kim hoàn chạm bạc Đồng Xâm (Kiến Xương) cho biết: Làng nghề có các doanh nghiệp và tổ chức hội nghề nghiệp là điều kiện thuận lợi cho việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho làng nghề. Chính các doanh nghiệp tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ mới, đưa máy móc vào một số khâu sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nên tạo ra sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường và giải quyết việc làm, bảo đảm thu nhập ổn định của người thợ thủ công.


Trước đây, các hộ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các làng nghề chủ yếu nằm rải rác trong khu dân cư, thực trạng đó dẫn đến việc mở rộng quy mô sản xuất gặp khó khăn vì thiếu mặt bằng và vấn đề môi trường trở nên bức xúc. Hiện nay, một số làng nghề đã được quy hoạch lại, địa phương bố trí thành lập cụm công nghiệp, điểm công nghiệp làng nghề đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các làng nghề. Đồng Tiến vốn là xã có nghề chế biến nông sản nhưng từ khi địa phương thành lập cụm công nghiệp Đập Neo, ngành nghề này mới thực sự phát triển mạnh và mang lại giá trị kinh tế cao. Ông Nguyễn Ngọc Doanh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Doanh Đạt cho biết: Khi vào CCN Đập Neo, Công ty có điều kiện mở rộng diện tích nhà xưởng, đầu tư nhiều máy móc hiện đại, nâng công suất chế biến và phát triển mở rộng thị trường nên doanh thu không ngừng nâng lên. Hiện nay, sản lượng chế biến của Công ty đạt hơn 7.200 tấn gạo/năm, giá trị sản xuất trên 30 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho 20 công nhân với thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng.

Nghề chế biến nông sản ở xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ) phát triển nhờ địa phương quy hoạch cụm công nghiệp Đập Neo giúp các hộ làm nghề mở rộng quy mô sản xuất.


Nhìn chung, những làng nghề còn tồn tại đến nay, các sản phẩm làm ra không đơn thuần chỉ dựa trên đôi bàn tay của người lao động mà còn kết tinh hàm lượng khoa học công nghệ. Có sự chuyển biến về chất đó chính là kết quả của sự quan tâm, hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ đầu tư máy móc của chính quyền các cấp cho làng nghề. Không dừng lại ở đó, Sở Công Thương tích cực triển khai các chương trình xúc tiến thương mại giúp sản phẩm của làng nghề thâm nhập sâu vào thị trường trong nước và xuất khẩu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trên địa bàn tỉnh có hàng trăm làng nghề truyền thống, nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản cấp quốc gia, cấp vùng miền... nếu khai thác, phát huy tốt lợi thế và chuẩn hóa sản phẩm sẽ giúp các làng nghề phát triển lên một tầm cao mới và góp phần quan trọng phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Còn ông Trần Văn Kiểm, Giám đốc HTX SXKD dịch vụ thủy sản Hồng Tiến (xã Hồng Tiến, Kiến Xương) chia sẻ: Vẫn là kinh nghiệm, kỹ thuật chế biến mắm cáy truyền thống nhưng khi được nhà nước hỗ trợ xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm tập thể, bà con có thêm kiến thức sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; sản phẩm làm ra có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng sử dụng. Đây chính là yếu tố giúp làng nghề của địa phương bảo tồn nghề truyền thống, người dân sống  được với nghề.


Làng nghề là nơi hiện hữu tinh hoa nghề thủ công của người dân. Nhận thức điều đó, hiện nay một số làng nghề vừa tập trung tổ chức sản xuất, kinh doanh vừa kết hợp tổ chức hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù số lượng làng nghề của tỉnh giảm mạnh trong thời gian qua, song tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khu vực làng nghề không sụt giảm nhiều, vẫn chiếm khoảng 20% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh - đó chính là bước chuyển mình của lĩnh vực làng nghề để phù hợp với giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.


Khắc Duẩn