Thứ 3, 03/12/2024, 00:51[GMT+7]

Lịch sử ra đời của Đảng bộ tỉnh Thái Bình

Thứ 2, 14/09/2020 | 08:44:30
9,687 lượt xem
Từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã trải qua 19 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội là một dấu mốc quan trọng ghi lại chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng bộ tỉnh trong dòng chảy lịch sử vinh quang và đầy tự hào của dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Sau khi thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã phân công cán bộ về các tỉnh, thành trong cả nước thành lập cơ sở đảng. Cuối tháng 6/1929, một đồng chí Xứ ủy viên về Thái Bình, đồng chí đã triệu tập hội nghị gồm các đồng chí Ủy viên Ban Tỉnh bộ Thanh niên. Hội nghị đã quyết nghị thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng tỉnh Thái Bình. Ban Tỉnh bộ trước đây đã được cấp trên coi là một tổ cộng sản, được đổi thành Ban Tỉnh ủy của Đảng bộ. Đồng chí Tống Văn Phổ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên. Lúc đầu, Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 7 đồng chí, sau đó Xứ ủy chỉ định bổ sung cho Thái Bình 3 đồng chí. Tháng 7/1929, đã thành lập được 6 chi bộ đảng: Chi bộ Thư Vũ (Thư Trì - Vũ Tiên), Chi bộ Thần Duyên (Tiên Hưng - Duyên Hà), Chi bộ thị xã Thái Bình, Chi bộ Trình Phố (Kiến Xương), Chi bộ vùng Đa Cao (Đa Cốc - Cao Mại, Kiến Xương) và Chi bộ Tiền Hải. Cho đến cuối năm 1929, đầu năm 1930, các chi bộ đảng trên địa bàn các huyện trong tỉnh tiếp tục được thành lập.

Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 3/2/1930) cùng với Lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc như một luồng gió mới thổi bùng ngọn lửa đấu tranh cách mạng trong cả nước. Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã kêu gọi quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh với chính quyền tay sai phong kiến ở các huyện trong tỉnh, tiêu biểu là hai cuộc biểu tình của nông dân Duyên Hà - Tiên Hưng ngày 1/5/1930 và nông dân Tiền Hải ngày 14/10/1930.

Sau khủng bố trắng của địch thời kỳ 1930 - 1931, nhiều cơ sở cách mạng của Đảng bị phá vỡ, phong trào cách mạng Thái Bình gặp nhiều khó khăn. Từ năm 1931 đến năm 1933 có ba Ban Tỉnh ủy kế tiếp nhau hình thành nhưng đều bị địch bắt. Mặc dù không còn cơ quan lãnh đạo của tỉnh nhưng một số chi bộ ở địa phương vẫn tiếp tục hoạt động để duy trì cơ sở dưới nhiều hình thức.

Mùa thu năm 1936, khá đông tù chính trị là những cán bộ, đảng viên cộng sản bị địch bắt được “ân xá” trở về địa phương tiếp tục hoạt động cách mạng. Các đồng chí đã chắp mối lại cơ sở, đường dây liên lạc với cấp trên để nhận sự chỉ đạo và nắm được chủ trương mới. Cuối năm 1936, ở Thái Bình đã hình thành ba nhóm lãnh đạo hoạt động ba vùng: vùng Tiền Hải - Kiến Xương, vùng Vũ Tiên - Thư Trì, vùng Quỳnh Côi - Phụ Dực. Tháng 6/1937, cuộc họp liên tịch gồm ba nhóm lãnh đạo ở ba vùng đã thống nhất lãnh đạo về một mối và bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 9 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Vực làm Bí thư Tỉnh ủy. Đây được coi như một đại hội đại biểu toàn tỉnh, một đại hội thống nhất lực lượng, thống nhất hành động và mở đầu cho một cao trào cách mạng mới, cao trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Tháng 6/1940, đồng chí Nguyễn Văn Vực - Bí thư Tỉnh ủy bị địch bắt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nhất trí cử đồng chí Chu Thiện làm Bí thư.

(còn nữa)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày