Thứ 6, 29/11/2024, 23:32[GMT+7]

Tích tụ ruộng đất - yêu cầu tất yếu

Thứ 3, 15/09/2020 | 09:00:11
8,042 lượt xem
Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, dịch bệnh và không ít thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế. Để nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả gắn với nâng cao thu nhập cho người dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu thì tích tụ, tập trung ruộng đất đang trở thành yêu cầu tất yếu.

Thái Bình phấn đấu đến năm 2025, 100% diện tích được cấy bằng máy.

Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định tăng quy mô đồng ruộng thông qua việc thúc đẩy quá trình thuê, góp đất trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích các hộ không sử dụng hoặc không muốn sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ khác thuê là điều kiện cho những đột phá trong sản xuất nông nghiệp. 

Là địa phương đã thực hiện thí điểm tích tụ, tập trung đất đai ngay từ khi thực hiện cơ cấu ngành Nông nghiệp, hết năm 2017, Thái Bình đã có 14.929,28ha đất nông nghiệp được tích tụ. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 17.409,28ha đất tích tụ, tập trung thông qua các hình thức: thuê đất, góp đất; chuyển nhượng quyền sử dụng và liên kết sản xuất. Huyện Kiến Xương, địa phương hiện có nhiều hộ nông dân đang sử dụng hàng héc-ta ruộng để gieo cấy “cùng trà, cùng giống, cùng kỹ thuật thâm canh”, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. 

Chủ động nắm bắt chủ trương khuyến khích tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung, ông Đỗ Văn Dân, thôn 4, xã Vũ Quý (Kiến Xương) được sự hỗ trợ của Chi ủy Chi bộ thôn, HTX DVNN xã Vũ Quý vận động bà con cho ông thuê ruộng để tích tụ thành vùng sản xuất quy mô lớn. Hàng trăm hộ dân đã đồng ý giao ruộng cho ông sản xuất với quy mô 50 mẫu chuyên sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm. 

Ông Dân cho biết: Vụ mùa năm 2020 là vụ thứ 4 tôi liên tiếp gieo cấy trên vùng đất tập trung này. Toàn bộ diện tích gieo cấy các giống lúa có giá trị hàng hóa cao, được thị trường ưa chuộng. Nhờ gieo cấy tập trung trong khung thời vụ và chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất lúa luôn ổn định; toàn bộ lúa thu hoạch được Công ty Cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam, Công ty Giống cây trồng Kiến Xương, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Apolo (Hà Nội) thu mua với giá thỏa thuận theo hợp đồng từ đầu vụ. Sản xuất tập trung quy mô lớn sau khi trừ chi phí có lãi hơn 500.000 đồng/sào, cao gấp hơn 2 lần so với sản xuất đơn lẻ...

Về xã Bình Định (Kiến Xương), nơi quy hoạch 6 vùng sản xuất lúa giống tập trung với diện tích 329ha, bằng 58% diện tích gieo cấy lúa toàn xã. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Tuấn Sỹ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho biết: Quan điểm chỉ đạo của Đảng ủy là nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuyển đổi, quy hoạch đất nông nghiệp, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cả trước mắt và lâu dài nhằm đưa công tác tích tụ đất đai phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp trở thành “chìa khóa” tháo mở các trở ngại để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Cùng với các cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện, Đảng ủy, chính quyền xã đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt chủ trương khuyến khích tập trung, tích tụ ruộng đất qua việc tích cực tham gia lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất từ quy mô hộ sang hình thức tổ hợp tác, HTX liên kết sản xuất cùng doanh nghiệp, lấy hiệu quả làm mục tiêu, sản xuất theo quy hoạch và yêu cầu của thị trường. Đến nay, toàn xã có 6 cá nhân thực hiện tích tụ ruộng đất với tổng diện tích 36ha. Vụ xuân vừa qua, HTX liên kết với các công ty thu mua gần 950 tấn thóc cho nông dân, đem lại giá trị kinh tế cao gấp 1,5 lần so với sản xuất tự do.

Tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch đạt trên 80% diện tích

Không chỉ giúp nông dân, HTX, doanh nghiệp phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập, làm giàu ngay tại quê hương, tập trung, tích tụ ruộng đất đang là bàn đạp thúc đẩy việc hiện đại hóa ngành Nông nghiệp của tỉnh. Triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, các huyện, thành phố đã quy hoạch được vùng “cánh đồng lớn” kết hợp với chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp hạ tầng đồng ruộng, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Không chỉ tạo diện mạo mới trên đồng ruộng, tích tụ ruộng đất cũng thúc đẩy việc tổ chức sản xuất nông nghiệp khoa học hơn, thuận lợi cho ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nông nghiệp được nâng cao; thực hiện hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại, dịch vụ. 

Vụ xuân năm 2020, toàn tỉnh có 175 cánh đồng lớn, trong đó 3.894ha được bao tiêu sản phẩm, tăng đáng kể thu nhập cho người dân so với sản xuất tự do. Riêng trong sản xuất lúa gạo, theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông dân đã đầu tư 145 máy cấy do liên doanh với nước ngoài sản xuất, 300 máy của Công ty TNHH Trần Đại Nghĩa (Tiền Hải), trên 10.000 máy khác phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất và tưới, tiêu đạt 100%; khâu thu hoạch đạt trên 80%; đang phấn đấu đến năm 2025, 100% diện tích lúa được cấy bằng máy.

Việc thúc đẩy tích tụ ruộng đất sản xuất cánh đồng lớn theo chủ trương của tỉnh trong nông nghiệp đang ngày càng khẳng định sự đúng đắn và phù hợp với thực tiễn phát triển sản xuất nông sản hàng hóa trong thị trường hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay. Qua đó, góp phần tăng năng suất lao động, hiệu quả sử dụng đất, nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông sản trên thị trường.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày