Thứ 7, 23/11/2024, 04:28[GMT+7]

Chương trình OCOP: Đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế khu vực nông thôn

Thứ 4, 16/09/2020 | 08:36:17
7,385 lượt xem
Thái Bình là tỉnh có lịch sử văn hóa lâu đời, có nhiều làng nghề truyền thống với các đặc sản nổi tiếng mang thương hiệu riêng. Tuy nhiên tầm “phủ sóng” của những sản phẩm này vẫn còn hạn chế cả về năng suất và thị trường tiêu thụ. Việc thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) sẽ đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế khu vực nông thôn, tạo sức bật phát triển kinh tế trên phạm vi toàn tỉnh.

Sản phẩm thêu Minh Lãng (Vũ Thư) được đánh giá sẽ đạt thứ hạng cao sau khi phân hạng và chấm điểm sản phẩm OCOP.

Phát huy lợi thế sẵn có

Xã Hồng Tiến (Kiến Xương) có nghề làm mắm cáy truyền thống. Sản phẩm mắm cáy đã trở thành đặc sản và mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây. Năm 2018, HTX SXKD Dịch vụ thủy sản xã Hồng Tiến đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể mắm cáy Hồng Tiến, từ đó đã tạo điều kiện cho các hộ thành viên của HTX đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng thu nhập. Sản lượng chế biến mắm cáy của HTX đạt trung bình hơn 10.000 lít/năm. Đặc biệt, mắm cáy Hồng Tiến đã được tỉnh chọn là một trong những sản phẩm OCOP chủ lực - đây chính là cơ hội để mắm cáy Hồng Tiến trở thành sản phẩm hàng hóa có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. 

Ông Trần Văn Kiểm, Giám đốc HTX SXKD Dịch vụ thủy sản xã Hồng Tiến cho biết: Khi nhãn hiệu tập thể mắm cáy Hồng Tiến được công nhận, mức tiêu thụ đã tăng từ 30 - 40% so với trước. Nếu mắm cáy Hồng Tiến trở thành sản phẩm OCOP sẽ là tín hiệu vui cho địa phương. Chúng tôi rất mong được sự quan tâm của các sở, ban, ngành, đơn vị tư vấn, tạo điều kiện hướng dẫn, hỗ trợ để địa phương sớm hoàn thiện hồ sơ, quy trình đưa mắm cáy trở thành sản phẩm OCOP.

Cũng là một trong những sản phẩm tiềm năng, các mặt hàng được làm từ cói của Công ty TNHH Sản xuất và xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tây An (thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải) đáp ứng cơ bản các tiêu chí sản phẩm OCOP. Công ty đã xây dựng được mạng lưới liên kết sản xuất, đại lý phân phối trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm Công ty sản xuất từ 400.000 - 500.000 sản phẩm, xuất khẩu ra nước ngoài cho doanh thu trên 50 tỷ đồng. 

Bà Phạm Thị Ngắn, Giám đốc Công ty cho biết: Qua trao đổi, tư vấn của các đơn vị tư vấn thực hiện sản phẩm OCOP, tôi thấy việc tham gia chương trình là rất cần thiết. Bởi các mặt hàng của Công ty làm ra nếu được công nhận là sản phẩm OCOP sẽ có thương hiệu, được tham gia hệ thống xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm, không chỉ có chỗ đứng trên thị trường trong nước, khu vực mà còn có cơ hội mở rộng thị trường sang châu Âu, châu Mỹ.

Có thể thấy tiềm năng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh rất lớn, đa dạng và phong phú; khâu tổ chức sản xuất bài bản, chất lượng các sản phẩm cơ bản đáp ứng được tiêu chí sản phẩm OCOP đặt ra; đặc biệt, các chủ thể sau khi tìm hiểu và được tư vấn rất hào hứng và sẵn sàng tham gia chương trình OCOP. Nếu khai thác, phát huy tốt tiềm năng sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Đánh thức tiềm năng

Ngày 16/10/2019, UBND tỉnh có Quyết định số 2904 về việc ban hành đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đồng thời, ban hành Kế hoạch số 34 về thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh nhằm thay đổi tập quán sản xuất, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần cơ cấu lại kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Giai đoạn 2019 - 2020, tỉnh tập trung hoàn thiện cơ cấu tổ chức của ban điều hành từ tỉnh, huyện đến xã; đẩy mạnh tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức, thông suốt tư tưởng phát triển các sản phẩm OCOP là nhiệm vụ chiến lược trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời, tiến hành xây dựng các sản phẩm điểm OCOP. Cùng với việc triển khai hoàn thiện công tác tổ chức, tỉnh đã tiến hành rà soát, khảo sát các nhóm sản phẩm có thế mạnh, trong đó rất nhiều sản phẩm cơ bản đáp ứng tiêu chí sản phẩm OCOP. Các nhóm sản phẩm gồm thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ trang trí, dịch vụ tâm linh, nhóm vải may mặc với các sản phẩm hiện đang có lợi thế lớn như nấm, tỏi, trà túi lọc, bánh đa, bánh cáy, rượu đinh lăng, nước thiên nhiên, cói, cây phát lộc, sản phẩm thêu...

Cây phát lộc của HTX DVNN xã Minh Tân (Đông Hưng) được chọn là một trong những sản phẩm OCOP tiềm năng.

Sau khi rà soát, tỉnh đã lựa chọn và tiến hành khảo sát đối với 30 sản phẩm của 21 đơn vị và chia ra 6 nhóm sản phẩm OCOP trên địa bàn 8 huyện, thành phố. Kết quả cho thấy, nhiều sản phẩm đã được chủ thể chú trọng nâng cao chất lượng, phát triển đa dạng sản phẩm; hoàn thiện các thủ tục pháp lý như chứng nhận đủ điều kiện an toàn sản phẩm, hồ sơ công bố chất lượng, phiếu phân tích chỉ tiêu chất lượng; xây dựng và bảo hộ logo, bộ nhận diện thương hiệu bao gồm website, hệ thống bao bì, tem nhãn sản phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm có ưu điểm, thế mạnh nêu trên thì nhiều sản phẩm vẫn chưa có đầy đủ hồ sơ chất lượng sản phẩm; chưa xây dựng và bảo hộ được thương hiệu cũng như hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hệ thống bao bì, tem nhãn sản phẩm đã cũ hoặc chưa có; đặc biệt hệ thống xúc tiến thương mại còn hạn chế.

Để khắc phục những tồn tại và đánh thức tiềm năng sẵn có tại địa phương, tỉnh đang tích cực thực hiện các giải pháp nhằm đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hướng dẫn, hỗ trợ của các sở, ban, ngành, cơ quan chuyên môn, tổ tư vấn cùng sự hưởng ứng tham gia của các chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình OCOP, tỉnh Thái Bình đã đạt được những kết quả bước đầu trong thực hiện chương trình OCOP. Để đạt mục tiêu đề ra, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tham gia OCOP; giới thiệu các đơn vị tư vấn có năng lực để hỗ trợ các địa phương cũng như các chủ thể tham gia chương trình. Phối hợp với ngành Tài chính hướng dẫn công tác giải ngân chi phí hỗ trợ cho chủ thể tham gia. Tổ chức tập huấn cho các đối tượng là người quản lý, cán bộ chuyên môn tham gia trực tiếp hướng dẫn, tập huấn cho các chủ thể có sản phẩm tham gia OCOP.

Với tinh thần làm đến đâu chắc đến đó, chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đang từng bước được triển khai thực hiện với kỳ vọng các sản phẩm tiềm năng sẽ hình thành chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất và giá trị sản phẩm, thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, từng bước cải thiện thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Minh Quân