Thứ 6, 29/11/2024, 20:45[GMT+7]

Đầu tư nguồn lực cho thể thao

Thứ 2, 21/09/2020 | 09:23:07
4,824 lượt xem
Trong những năm qua, phong trào thể dục thể thao (TDTT) quần chúng trên địa bàn tỉnh phát triển sâu rộng, thu hút sự tham gia tập luyện, thi đấu giao hữu của đông đảo các tầng lớp nhân dân từ thành thị tới nông thôn. Thể thao thành tích cao cũng đã đạt được nhiều huy chương trên các đấu trường trong nước và quốc tế. Góp phần vào những kết quả đó là sự đầu tư về nguồn lực cho thể thao của các cơ quan chức năng cũng như sự chung tay của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Trong những năm qua, thể thao thành tích cao của tỉnh, đặc biệt là đội tuyển bóng chuyền nữ đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp.

Xã Bình Thanh (Kiến Xương) là một trong những địa phương có phong trào TDTT phát triển sôi nổi. Hiện nay, mỗi thôn của xã đều có câu lạc bộ bóng chuyền hơi. Đây cũng là môn thể thao phổ biến ở Bình Thanh. Đam mê với bộ môn này, người dân tự giác góp công, góp của để tu sửa sân tập, sắm sửa dụng cụ tập luyện và cả đồng phục của từng đội bóng. Cùng với bóng chuyền hơi, phong trào tập luyện dân vũ cũng phát triển mạnh ở địa phương. Ông Trần Văn Nhu, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Để phong trào tập luyện TDTT phát triển sâu rộng như hiện nay là nhờ sự nỗ lực không nhỏ của các “mạnh thường quân”. Được chính quyền địa phương ủng hộ, họ góp công, góp của, trực tiếp bền bỉ gây dựng phong trào trong nhiều năm qua, từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, nâng cao tình đoàn kết trong xóm ngoài làng, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Trong khi ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động TDTT còn hạn chế, việc đẩy mạnh xã hội hóa là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần thúc đẩy phong trào TDTT địa phương ngày càng phát triển. Qua thống kê, hàng năm từ tỉnh đến cơ sở có hàng trăm giải thi đấu thể thao được tổ chức bằng nguồn xã hội hóa với kinh phí hàng tỷ đồng từ các nhà tài trợ. Nhờ thực hiện các chính sách xã hội hóa mà phong trào TDTT quần chúng tỉnh Thái Bình có những bước chuyển mình đáng kể. Tính đến năm 2019, số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên của tỉnh đạt 34%, tăng 0,6% so với năm 2018. Số hộ gia đình thể thao đạt 23%, tăng 0,7% so với năm 2018. Số câu lạc bộ TDTT cơ sở không ngừng tăng lên. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.200 câu lạc bộ TDTT thu hút đông đảo người dân ở mọi lứa tuổi, ngành nghề tham gia tập luyện.

Cùng với TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao những năm qua cũng nhận được sự ủng hộ tích cực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Đặc biệt là đội tuyển bóng chuyền nữ của tỉnh từ năm 2008 đến năm 2019 luôn được các doanh nghiệp như: Công ty nước khoáng Vital Thái Bình, Công ty Cổ phần Dầu khí PV Oil, Công ty MIKADO tài trợ kinh phí hoạt động, ước tính mỗi năm khoảng 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều môn thể thao thành tích cao khác như: bóng đá, bơi, lặn, cầu lông, đua thuyền... cũng nhận được sự chung tay của các tổ chức, cá nhân tài trợ các trang thiết bị tập luyện và thi đấu. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Muốn phát triển TDTT thì phải huy động nguồn lực từ xã hội hóa. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ từng bước tham mưu việc quản lý cơ sở vật chất, nguồn kinh phí xã hội hóa sao cho minh bạch, công khai, tạo niềm tin cho nhân dân; xây dựng đa dạng hóa các hình thức xã hội hóa TDTT, đồng thời phối hợp với các địa phương biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xã hội hóa TDTT.

Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh với nhiều lứa vận động viên tài năng đã đạt thành tích cao tại các giải đấu trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đầu tư về kinh phí, việc đầu tư nguồn lực con người  đóng vai trò quyết định để đạt được những kết quả cao trong những kỳ thi đấu trong nước, quốc tế của thể thao Thái Bình. Là đơn vị chuyên môn trong đào tạo, huấn luyện vận động viên thành tích cao của tỉnh, năm 2019 dù là năm có nhiều thay đổi trong tổ chức bộ máy của đơn vị nhưng Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao sớm xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu thành tích huy chương đến từng cá nhân vận động viên. Do đó, sau quá trình tham gia 36 giải quốc gia, 10 giải quốc tế trong năm 2019, thể thao Thái Bình mang về 136 huy chương các loại.

Góp phần không nhỏ vào việc đầu tư nguồn lực về con người cho thể thao, các trường học trên địa bàn tỉnh đã duy trì bền vững và ổn định nhiều hoạt động TDTT ngoại khóa, 100% trường học bảo đảm chương trình giáo dục thể chất nội khóa có chất lượng. Nhờ vậy đã từng bước đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh cho học sinh cũng như đào tạo học sinh có năng khiếu tham gia những phong trào, hội thao cấp thành phố, cấp tỉnh, từ đó tìm ra những hạt nhân cho thể thao thành tích cao của tỉnh.

Ông Đoàn Hồng Tiến, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao nhìn nhận: Trong những năm qua, các chế độ chính sách đối với huấn luyện viên, vận động viên luôn được cải thiện. Bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ cho tập luyện, thi đấu được quan tâm đầu tư; công tác khen thưởng được thực hiện thường xuyên, kịp thời. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác tuyển chọn vận động viên chưa bảo đảm về số lượng và chất lượng; lực lượng vận động viên có thành tích cao còn mỏng; việc đào tạo vận động viên cũng gặp nhiều khó khăn. Để thể thao thành tích cao của tỉnh phát triển tốt hơn, bên cạnh nâng cao chất lượng công tác huấn luyện thì việc cải thiện và tăng cường cơ sở vật chất cần được cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa bởi đây là một trong những yếu tố quyết định đem đến những thành công. Đồng thời, cần có sự chung tay của cộng đồng nhằm đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa TDTT. Từ đó, các vận động viên thêm vững vàng bản lĩnh, phong độ cho chặng đường dài phía trước.

Tú Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày