Thứ 6, 22/11/2024, 21:59[GMT+7]

Ngành du lịch khó khăn khi khởi động lại

Thứ 4, 23/09/2020 | 08:20:40
2,635 lượt xem
Đến thời điểm hiện nay, dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát trên địa bàn cả nước. Ngành du lịch đã nhanh chóng xây dựng kịch bản tái khởi động nhằm thu hút khách, từng bước lấy lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp lữ hành cũng như những lao động trong ngành du lịch vẫn còn đó bộn bề nỗi lo bởi thời điểm này đã bước qua “giai đoạn vàng” của du lịch năm nay.

Ảnh minh họa.

Thông thường mọi năm, khi mùa du lịch hè qua đi ngành du lịch lại tất bật mọi hoạt động chuẩn bị cho những tháng cuối năm, với trọng tâm là các điểm vòng cung Đông - Tây Bắc đang vào mùa lúa chín trên ruộng bậc thang hay những điểm đến ở miền Tây Nam Bộ đang bước vào mùa nước nổi. Tuy nhiên, nếu như mọi năm, lượng khách chính của những tháng du lịch này thường là khách nước ngoài thì năm nay, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, các hãng lữ hành đều có chung nhận định sẽ có lượng sụt giảm mạnh về khách nước ngoài so với cùng kỳ mọi năm dù đã có những đường bay quốc tế được mở cửa trở lại. Về việc kích cầu du lịch trong giai đoạn hiện nay, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhận định: Trước đây chúng ta hướng đến khách du lịch nội địa, “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, bây giờ có thêm người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Như các chuyên gia nước ngoài sắp đến Việt Nam, họ sẽ trở thành “khách du lịch nội địa” của mình. Còn theo ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch, chương trình kích cầu lần 2 sẽ khó tạo được hiệu ứng mạnh, bùng nổ như hồi tháng 6 vừa qua. Bởi hiện tại đã qua mùa hè, mùa cao điểm du lịch.

Cùng chung nhận định về vấn đề này, ông Vũ Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Bình cho biết, có lẽ phải sang năm 2021 hoạt động du lịch mới có thể dần ổn định trở lại. Thời điểm này, các doanh nghiệp lữ hành dù nỗ lực tìm hướng hoạt động nhưng đều xác định sẽ còn rất nhiều khó khăn. Trong đó, bên cạnh việc chúng ta đã bỏ lỡ “giai đoạn vàng” của du lịch trong năm nay do dịch Covid-19 bùng phát cuối tháng 7 và tháng 8 thì khó khăn lớn nhất là chưa có sự đồng bộ, nhất quán trong việc khởi động lại hoạt động du lịch ở nhiều tỉnh, thành phố. Nhìn chung, mới chỉ có một vài địa phương trọng điểm về du lịch như Quảng Ninh, Bình Định, Quảng Nam, Phú Yên... bắt đầu “mở cửa” chào đón du khách trong “tình hình mới”. Trong khi đó, khi một tour du lịch diễn ra cần có sự kết nối, phối hợp giữa nhiều điểm đến ở nhiều địa phương khác nhau vì nếu hoạt động du lịch chỉ diễn ra ở một điểm đến thì du khách sẽ không cần tới sự trợ giúp của doanh nghiệp lữ hành. Chính bởi vậy, trong thời điểm này, dù có đoàn khách đặt tour thì chính doanh nghiệp lữ hành cũng phải cân nhắc vì biết đâu một trong những điểm đến chưa sẵn sàng cho hoạt động du lịch.

Khó khăn lớn tiếp theo mà các doanh nghiệp lữ hành gặp phải là khó khăn về vốn. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, doanh nghiệp ngành du lịch đang rất khó khăn. 95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động, 10% xin thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, chấm dứt hoạt động. Trước tình hình này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất hàng loạt giải pháp, trong đó có nhóm giải pháp về tài khóa, tiền tệ. Cụ thể, kiến nghị Chính phủ xem xét và có chính sách lùi thời gian trả lãi vay ngân hàng áp dụng đến tháng 12/2021. Tại Thái Bình, theo chia sẻ từ ông Vũ Mạnh Thắng, hầu hết doanh nghiệp lữ hành hiện nay đều chưa nhận được những khoản hoàn “tiền cọc” từ các đối tác trong thời điểm khách hủy tour vào cuối tháng 7, tháng 8 vừa qua, dù biết rằng sẽ chỉ được thanh toán một phần từ những khoản “tiền cọc” đó. Tuy nhiên, đó đã là may mắn vì nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch không đồng ý với việc hoàn “tiền cọc” mà chỉ đồng ý việc lùi thời gian sử dụng dịch vụ du lịch của khách hàng cho tới tháng 11, 12 năm nay. Trong thời điểm khó khăn chung do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đây quả thực là bài toán khó cho doanh nghiệp lữ hành. Cũng theo ông Thắng, hầu hết doanh nghiệp và người lao động trong ngành chưa tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, đồng thời việc vay tín chấp còn nhiều khó khăn. Do không có tài sản thế chấp nên nhiều doanh nghiệp rất khó tiếp cận gói vay ưu đãi của ngân hàng. Ngoài ra, du lịch cũng được đánh giá là nhóm ngành rủi ro cao, không có khả năng trả nợ do khách đi du lịch chưa nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn phải chi trả các chi phí duy trì hoạt động...

Chị Phan Thị Thương, hiện đang làm việc tại một khu nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện Tiền Hải chia sẻ, nếu như khoảng thời gian tháng 6, tháng 7, trước khi đợt dịch Covid-19 thứ 2 bùng phát, khi muốn đặt phòng vào dịp cuối tuần, nhiều thời điểm khách phải liên hệ từ trước đó tới cả tháng trời. Nhưng hiện nay, phải đợi tới thứ năm, thứ sáu mới biết có khách đặt phòng vào cuối tuần hay không. Lượng khách ít, doanh thu sụt giảm, những lao động trong ngành dịch vụ du lịch như chị Thương dù mới trở lại công việc sau thời gian tạm nghỉ bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng đã sẵn sàng cho nghỉ việc luân phiên để có thể duy trì được mức lương tối thiểu.

Tú Anh