Thứ 2, 25/11/2024, 03:29[GMT+7]

Việt Nam tiềm ẩn 4 nguồn có nguy cơ lây nhiễm COVID-19

Thứ 6, 25/09/2020 | 06:48:34
829 lượt xem
Các chuyên gia nhận định, Việt Nam tiềm ẩn 4 nguồn có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19, trong đó nguy cơ lây nhiễm lớn nhất từ đối tượng nhập cảnh hợp pháp, không thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, giám sát y tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19. Ảnh: VGP/Đình Nam

Ngày 24/9, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca bệnh ghi nhận trên toàn thế giới đã vượt mốc 32 triệu người. Trong tuần qua, do dịch bệnh tăng nhanh, một số nước đã phải tái áp dụng lệnh phong toả để phòng, chống dịch.

Ở trong nước, cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát, tuy nhiên, tại các đô thị lớn, mật độ dân cư cao, nguy cơ lây nhiễm còn hiện hữu nếu như vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như không đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, tụ tập ăn uống, vui chơi đông người.

TS. Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong thời gian tới Việt Nam có thể ghi nhận các trường hợp mắc mới từ các ổ dịch cũ hoặc lây nhiễm từ trường hợp nhập cảnh, đặc biệt khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế.

Ban Chỉ đạo nhận định tình hình trên thế giới cho thấy dịch bệnh ở nhiều nước đã bùng phát trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp kiểm soát, cách ly xã hội. Công tác phòng, chống dịch sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi mùa đông sắp đến, điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus phát triển, lây lan.

Tâm lý trong xã hội lại bắt đầu xuất hiện có sự chủ quan, lơ là sau khoảng 3 tuần chúng ta không ghi nhận ca nhiễm mới.

Theo một số chuyên gia, hiện nay Việt Nam tiềm ẩn 4 nguồn có nguy cơ lây nhiễm lớn nhất: Đối tượng nhập cảnh trái phép; đối tượng nhập cảnh hợp pháp nhưng không thực hiện nghiêm túc quy định cách ly, giám sát y tế; nguồn bệnh lưu hành trong cộng đồng; một số mặt hàng nhập khẩu được sản xuất hoặc vận chuyển qua các nước có dịch bệnh.

Trong đó, Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định nguy cơ lây nhiễm lớn nhất từ đối tượng nhập cảnh hợp pháp, không thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, giám sát y tế.

Các thành viên Ban Chỉ đạo, chuyên gia cũng đã phân tích, rút ra bài học một số bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch thời gian qua, đặc biệt là bài học tại Đà Nẵng.

Các chuyên gia đưa ra một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới: Ngăn chặn người nhập cảnh bất hợp pháp, chủ yếu trên đường bộ; quản lý chặt chẽ người nhập cảnh hợp pháp. Đặc biệt, các ý kiến thống nhất, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các địa phương trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó lưu ý thực hiện nghiêm khai báo y tế bắt buộc, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày trong thời gian cách ly, giám sát y tế đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Bên cạnh biện pháp mang tính khuyến nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh cần có quy định mang tính bắt buộc trong phòng, chống dịch, có biện pháp xử phạt người vi phạm.

Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế rà soát các hướng dẫn, quy trình phòng, chống dịch bệnh; chuyển thành danh sách đầu việc chi tiết (check-list) để hướng dẫn trên tinh thần “chi tiết đến tận từng cơ sở”. Để thực hiện việc này, người đứng đầu bệnh viện kiểm tra định kỳ việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; báo cáo trực tuyến, cập nhật lên “bản đồ chống dịch”. Đồng thời, Bộ Y tế khuyến nghị người dân chỉ nên khám, chữa bệnh tại những bệnh viện, phòng khám an toàn, thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch.

Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động trong các trường học thực hiện “check-list” phòng, chống dịch nhằm đảm bảo an toàn trong trường học; từ đó lan tỏa ra cộng đồng, đặc biệt trong các công sở, khách sạn, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh…; góp phần nâng cao ý thức phòng, chống dịch của từng người dân.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện đẩy mạnh hoạt động đăng ký khám bệnh qua mạng để các cơ sở y tế có sự chuẩn bị, trừ những trường hợp cấp cứu; rà soát, siết chặt việc thực hiện phân luồng trong bệnh viện; hướng dẫn cụ thể trường hợp xét nghiệm khi nghi mắc COVID-19.

Bộ Y tế tăng cường, đổi mới các phương án xét nghiệm; tăng cường năng lực cung ứng sinh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán nhanh; khẩn trương nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm xét nghiệm giá thành thấp nhất với độ chính xác cao để có thể sớm sử dụng tại cửa khẩu và tại cộng đồng./.

Theo: dangcongsan.vn