Thứ 7, 18/01/2025, 06:19[GMT+7]

Vũ Thư: Nỗ lực khắc phục lúa bị đổ

Thứ 6, 25/09/2020 | 08:58:20
4,806 lượt xem
Gió to, mưa lớn, cộng với gieo cấy lúa dày, chăm bón nhiều đạm khiến nhiều diện tích lúa mùa cuối vụ trên địa bàn huyện Vũ Thư bị đổ rạp, có khả năng gây thất thu hoặc giảm năng suất. Khắc phục tình trạng này, nông dân Vũ Thư đang khẩn trương buộc dựng và chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho những diện tích lúa đổ nhằm bảo đảm năng suất lúa.

Nông dân xã Song An (Vũ Thư) buộc dựng lúa đổ nhằm hạn chế sâu bệnh cuối vụ.

Thửa ruộng 4 sào trên cánh đồng chùa Nẽ của gia đình bà Thuận ở thôn Từ Châu, xã Hòa Bình (Vũ Thư) đang trong giai đoạn chắc hạt, lúa xanh tốt, đều đẹp. Chỉ sau đợt mưa ngày 19 - 20/9, khoảng 70% diện tích lúa trên thửa ruộng bị đổ nằm trên nước. Bà Thuận cho biết: Tôi cấy lúa BC15, mật độ thưa nhưng do đây là chân ruộng trũng hẩu, cộng với chăm bón “quá tay”, lúa có hiện tượng thừa đạm, cây lúa yếu, lá lúa nhiều, mưa, gió lớn làm lúa bị đổ. Mấy ngày hôm nay, tôi đều có mặt ở đồng để buộc dựng lúa. Nếu không buộc dựng lúa lên thì lúa nằm trên nước, bông sẽ thối, mọc mầm, có thể phát sinh rầy gây hại và chắc chắn sẽ thất thu toàn bộ phần diện tích lúa đổ. Sau khi buộc dựng lúa, nếu cần thiết, tôi vẫn có thể phun thuốc phòng sâu bệnh cuối vụ, giảm thiểu tối đa thiệt hại năng suất.


Sau đợt mưa lớn ngày 19 - 20/9, trên các xứ đồng của xã Song An nhiều diện tích lúa nằm đổ rạp trên mặt ruộng. Nhiều thửa đổ rạp 100% diện tích. Hầu hết các thửa có lúa đổ, nông dân đang tiến hành buộc dựng lúa. Ông Đinh Văn Lý, thôn Tân An, xã Song An cho biết: Lúa Bắc thơm của gia đình tôi đang bắt đầu chín, chỉ khoảng 1 tuần nữa có thể thu hoạch. Có lẽ do gia đình gieo cấy dày nên gặp mưa to, gió lớn, lúa bị đổ khoảng 40% diện tích, thửa ruộng của hàng xóm liền kề lại không bị đổ. Khi vạch phần lúa đổ kiểm tra, tôi phát hiện có khá nhiều rầy. Dù rất tốn công sức, nhưng tôi vẫn kiên trì buộc dựng toàn bộ phần lúa đổ lên, hy vọng sẽ hạn chế rầy phá hại lúa và bớt thiệt hại về năng suất.


Hiện nay, lúa mùa đại trà của huyện Vũ Thư đang trong giai đoạn vào mẩy, chắc xanh, lúa trà sớm ở giai đoạn bắt đầu chín, trà lúa cực sớm bắt đầu cho thu hoạch. Đợt mưa lớn kèm theo gió ngày 19 - 20/9, một số diện tích lúa mùa ở các địa phương bị đổ ngả, đổ rạp mặt ruộng, rải rác ở hầu khắp các địa phương, trong đó nhiều xã có diện tích lúa đổ nhiều như Song An, Hòa Bình, Tự Tân... Bà Lê Thị Thu Hồi, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vũ Thư cho biết: Ngoài nguyên nhân mưa lớn và gió mạnh thì lúa đổ còn do một số hạn chế của nông dân trong gieo cấy, chăm sóc cây lúa như gieo cấy với mật độ quá dày, bón phân tỷ lệ không cân đối, lúa có hiện tượng thừa đạm, cây phát triển bộ lá tốt nhưng thân không cứng, rễ không chắc hoặc chân ruộng quá trũng... Đối với lúa đại trà đang trong giai đoạn vào mẩy, chắc xanh, khi cây lúa bị đổ rạp thời điểm này nghĩa là phần thân sát gốc cây lúa đã gãy khiến cây lúa sinh trưởng, phát triển kém hơn, bông lúa không nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết dẫn đến giảm đáng kể năng suất. Đối với trà sớm và cực sớm, lúa sắp cho thu hoạch, khi cây lúa bị đổ rạp xuống mặt ruộng sẽ có nguy cơ thối hỏng cây lúa, bông lúa hoặc hạt lúa bị mọc mầm do hầu hết mặt ruộng hiện nay đều có nước. Ngoài ra, khi lúa bị đổ rạp đè lên nhau kín mặt ruộng tạo chỗ trú ngụ cho sâu bệnh, nông dân khó kiểm tra, phát hiện sâu bệnh, nguy cơ nhiễm các loại sâu bệnh, nhất là rầy nâu cao. Chúng tôi phối hợp với các hợp tác xã nông nghiệp và các địa phương tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân tập trung nhân lực tiến hành buộc dựng những diện tích lúa bị đổ rạp vừa giúp cây lúa có khả năng phát triển tiếp vừa thuận lợi trong việc theo dõi, phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh khi cần thiết, góp phần giảm thiểu thiệt hại về năng suất do lúa đổ gây ra.


Quỳnh Lưu