Thứ 6, 22/11/2024, 01:10[GMT+7]

Thái Bình: Mục tiêu trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng

Thứ 6, 25/09/2020 | 09:08:14
9,374 lượt xem

Mô hình sau khi hoàn thành tuyến đường bộ ven biển.

Theo đó, để hiện thực hóa mục tiêu này trong nhiệm kỳ 2020-2025, dự thảo Báo cáo chính trị của tỉnh đã đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, tạo ra bước đột phá, trong đó điểm quan trọng, nổi bật nhất là xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình, đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến đường bộ ven biển. Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông kết nối giữa các phân khu với tuyến đường bộ ven biển. Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm đột phá, tiền đề để làm đòn bẩy cho các mục tiêu khác phát triển.

Trở lại Thái Bình vào những ngày đầu Thu, không khí lao động khẩn trương từ công trường, đến từng đơn vị và trong mỗi người dân. Tất cả dường như đang dồn sức để chào mừng một niềm vui mới, một sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh. Đó chính là Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ được diễn ra vào trung tuần tháng 10.

Người dân kỳ vọng vào một nhiệm kỳ mới với nhiều điều tốt đẹp mang tính đột phá. Dự thảo báo cáo chính trị đã được lấy ý kiến đông đảo các tầng lớp nhân dân nhằm tạo ra một bản báo cáo tập trung trí tuệ nhất, bám sát tình hình thức tế, để hoạch định những chính sách trọng tâm, thay đổi diện mạo, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Tập trung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình

Nhắc tới lợi thế của Thái Bình trong thời điểm này thì không thể không nhắc tới Khu kinh tế Thái Bình. Khu kinh tế Thái Bình có diện tích đất tự nhiên 30.583ha, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Khu kinh tế có nhiều lợi thế về vị trí trải dài trên khoảng 52km bờ biển, gần đầu mối giao thông quan trọng, nằm trong vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; có nguồn năng lượng tại chỗ dồi dào trữ lượng lớn khí mỏ, than nâu… Đây là những điểm nhấn rất thuận lợi để Thái Bình mở rộng cửa chào đón làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các Tập đoàn lớn trong và ngoài nước, tạo bước ngoặt đưa kinh tế của tỉnh tăng tốc trong thời gian tới. Một Thái Bình phát triển toàn diện cả về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị và kinh tế biển đang hiện hữu rất gần.

Sơ đồ định hướng phát triển không gian Khu kinh tế Thái Bình. 

Biến thế mạnh trở thành cơ hội, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã thực hiện nhiều giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, tạo cơ chế chính sách thông thoáng, dành ưu đãi đặc biệt thu hút đầu tư. Ông Ngô Đông Hải - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cho biết: “Hàng loạt những cuộc xúc tiến đầu tư được Thái Bình tổ chức tại nước ngoài và trong nước. Quan điểm chung của lãnh đạo tỉnh là chào gọi đầu tư nhưng không vội vã, lựa chọn những nhà đầu tư có quy mô lớn, uy tín, năng lực ưu tiên thu hút các ngành có công nghệ tiên tiến, hiện đại, giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và thân thiện với môi trường, không thâm dụng đất đai. Dự báo trong năm 2021, Thái Bình sẽ đón bắt làn sóng chuyển dịch đầu tư, tiếp nhận các dự án đầu tư thứ cấp của các Tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước”.

Từ khi Khu kinh tế Thái Bình được thành lập đến nay, đã có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu lập quy hoạch phân khu, đề xuất thực hiện dự án. Đến nay, Khu kinh tế nằm trên 32 xã, thị trấn thuộc hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy đã được khoanh vùng, từng bước nghiên cứu triển khai lập các quy hoạch phân khu chức năng tỷ lệ 1/2.000 làm cơ sở thu hút các dự án đầu tư vào Khu kinh tế.

Đặc biệt, tỉnh đã thí điểm chọn được hai nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm, sẵn sàng thực hiện dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Cụ thể là: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái (Green IP – 1) phân khu bắc, hạng mục: Khu công nghiệp của Công ty Cổ phần Green I – Park, quy mô 588,84ha tại huyện Thái Thụy. Và dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hải Long tại huyện Tiền Hải của Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Bảo Minh với 296,97ha. Cả hai dự án này đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định sau đó trình Chính phủ phê duyệt. Mọi thủ tục đang cố gắng hoàn tất để tháng 10 có thể khởi công.

Sau khi hoàn thành, sẽ cung cấp mặt bằng đất sạch để phục vụ cho dự án đầu tư Kinh doanh hạ tầng của Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ. Đây sẽ là Khu công nghiệp tổng hợp đa ngành, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ít gây ô nhiễm, thu hút đầu tư phát triển các ngành Công nghiệp chủ lực của tỉnh. Đây cũng là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Phối cảnh quy hoạch tổng thể và cổng chính của Khu công nghiệp Green I – Park tại huyện Thái Thụy. 

Theo ông Phan Đình Dực - Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh: “Đạt được kết quả trên là do có sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt là 2 dự án nêu trên nhằm hiện thực hóa sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và nghị quyết Đảng bộ lần thứ XX. Trong thời gian tới, tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự tạo điều kiện của Trung ương, sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị, và sự ủng hộ của người dân thuộc Khu kinh tế sẵn sàng đồng thuận bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư”.

Quy hoạch mô hình không gian kiến trúc cảnh quan Khu công nghiệp đô thị dịch vụ Hải Long tại huyện Tiền Hải. 

Cùng với đó, Thái Bình đã và đang xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông đối ngoại và giao thông đối nội. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng tập trung mọi nguồn lực để xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình.

Đẩy nhanh tiến độ đường ven biển

“Trên công trường rộn tiếng ca”, lời bài hát như đang diễn tả đúng khung cảnh tại nơi thi công tuyến đường bộ ven biển. Một khí thế thi công tích cực, các phương tiện xe máy, thiết bị vào ra tấp nập. Kỹ sư, công nhân hăng say thực hiện phần công việc của mình với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ xây dựng để hoàn thành toàn tuyến vào năm 2021.

Cờ tổ quốc rực đỏ trên công trường, công nhân đang tích cực làm việc. 

Tuyến đường bộ ven biển, có chiều dài hơn 34km, đi qua 19 xã thuộc hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải là tuyến đường trục chính, trung tâm của Khu kinh tế Thái Bình, được thiết kế theo quy mô là đường cấp 3 đồng bằng được khởi công từ năm 2019. Để có thể hoàn thành theo kế hoạch, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh đã huy động toàn bộ nhân lực, phương tiện, máy móc, thiết bị và áp dụng các giải pháp thi công hiệu quả nhằm thực hiện tuyến đường đảm bảo chất lượng, mỹ thuật, tiến độ.

Anh Vũ Văn Toản - Phụ trách thi công công trường chia sẻ: “Cầu Trà Lý 2, thi công từ tháng 4, dự kiến cuối tháng 12 hợp long. Chúng tôi đã tập trung nhân lực làm việc 3 ca, 4 kíp, thi công hai mũi cầu song song với nhau. Trên toàn tuyến đơn vị đã đắp cát nền đường được khoảng 12km và thi công các cầu. Giá trị khối lượng thực hiện ước tính khoảng 450 tỷ đồng. Để đảm bảo chất lượng tuyến đường và an toàn trong lao động, đơn vị đã lựa chọn hợp tác với các nhà thầu có kinh nghiệm đúng chuyên ngành, tập huấn an toàn cho công nhân. Bên cạnh đó, để đảm bảo tốt công tác phòng dịch, chúng tôi hạn chế ra ngoài, mua thuốc sát khuẩn tại công trường; các tổ thi công trang bị đầy đủ máy đo thân nhiệt, khẩu trang sát khẩu, nước rửa tay”.

Cầu Trà Lý đã thi công xong 168/168 cọc khoan nhồi các mố trụ cầu, đang thi công khối trụ. 

Tuyến đường bộ sau khi hoàn thành sẽ thuận lợi hơn trong việc kết nối giao thông Thái Bình với các tỉnh lân cận, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế, du lịch, an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai.

Đồng thời, khi tuyến đường đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn cung đường từ Tiền Hải, Thái Bình đi các huyện, tỉnh kế cận cụ thể: Giảm một nửa thời gian đi Hải Phòng chỉ còn khoảng 50km thay vì 100km như hiện tại, đi Nam Định còn khoảng 20km, đi Thanh Hóa, Ninh Bình cũng rút ngắn một nửa thời gian; giảm lưu lượng các phương tiện lưu thông hàng hóa quá tải cho Quốc lộ 10.

Ngoài ra, tỉnh đã quy hoạch, xây dựng tuyến cao tốc nối Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh; Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, mang tính động lực liên vùng, có tác động quan trọng đến sự phát triển của tỉnh và một số tuyến đường giao thông liên vùng, liên huyện trọng điểm, tạo động lực thu hút đầu tư vào tỉnh. Chú trọng phát triển và khai thác tiềm năng giao thông thủy nội địa; Tận dụng lợi thế các cửa sông lớn để phát triển kinh tế - xã hội.

Những ngày này, Đảng bộ Thái Bình đang gấp rút hoàn thiện các khâu cuối cùng cho việc tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025. Không khí chào mừng sự kiện chính trị trọng đại này đang háo hức khắp nơi. Cờ Đảng, cờ Tổ quốc nhuộm đỏ khắp đường làng, tuyến phố truyền lửa cho một tinh thần Đại hội “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo”. Người dân kỳ vọng những quyết sách mới từ Ban chấp hành khóa mới, trên nền tảng kế thừa và phát huy; nắm bắt thời cơ đề ra chiến lược đột phá đến năm 2025 Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng; năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu trong khu vực Bắc Bộ; đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong cả nước là những hoạch định đầy cơ sở.

Kim Oanh

(Báo Xây dựng)