Thứ 5, 16/01/2025, 10:05[GMT+7]

Thái Bình phát huy tiềm năng, lợi thế từ biển

Thứ 2, 28/09/2020 | 09:09:50
9,081 lượt xem
Thái Bình có đường bờ biển dài 54km với nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển. Phát huy lợi thế này, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đặc biệt chú trọng phát triển lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản (NTTS).

Ngư dân huyện Thái Thụy chuẩn bị ngư cụ ra khơi.

Đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực nuôi trồng thủy sản

Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành thủy sản tăng 6,8%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất thủy sản chiếm 19,9% so với tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản, trong đó lĩnh vực NTTS chiếm 2/3 sản lượng và giá trị của ngành thủy sản. 

Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Để đạt kết quả trên, một trong những giải pháp luôn được tỉnh chú trọng thực hiện đó là cơ cấu lại lĩnh vực NTTS cả về sản phẩm và hình thức sản xuất. Trong đó tập trung mở rộng quy mô, diện tích nuôi trồng; đổi mới, đa dạng các đối tượng NTTS, xác định đâu là đối tượng nuôi chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao; đồng thời tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, quy trình kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, tạo ra các sản phẩm thủy sản có giá trị kinh tế đáp ứng nhu cầu thị trường.

Những năm qua, huyện Thái Thụy luôn xác định kinh tế biển là ngành mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Toàn huyện hiện có 27km bờ biển, 13.000ha bãi bồi, 4.000ha rừng ngập mặn, 1.247ha đầm nước lợ và 1.184ha vùng nuôi ngao ven biển. Lĩnh vực NTTS đã chú trọng cả khu vực bãi bồi ven sông, ven biển và vùng chuyển đổi úng trũng nội đồng, đa dạng hóa con nuôi, chuyển đổi mạnh mô hình nuôi quảng canh cải tiến sang thâm canh và công nghệ cao. Năm 2020, Thái Thụy tiếp tục duy trì NTTS 4.331ha, trong đó diện tích nuôi tôm công nghệ cao 60ha. Các hộ NTTS đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và thâm canh tăng vụ. Hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện đã áp dụng thành công mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Cách làm mới này không chỉ giúp người dân nuôi 4 - 5 vụ/năm, năng suất đạt từ 8 - 10 tấn/vụ mà còn nuôi tôm qua mùa đông thành công - vụ tôm cho giá trị kinh tế cao nhất trong năm. 

Điển hình như gia đình ông Đỗ Quang Bốn ở xã Thái Thượng đã xây dựng thành công mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà bạt, tăng năng suất nuôi trồng và giá trị kinh tế. 

Ông Bốn chia sẻ: Ưu điểm của mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà bạt là tăng thời vụ và sản lượng, hạn chế thấp nhất rủi ro. Nếu như trước đây tôm thẻ nuôi 2 vụ/năm thì với công nghệ nuôi trong nhà bạt có thể nuôi thả đến 4 vụ/năm, đưa năng suất nuôi trồng từ 1kg/m2 lên hơn 2kg/m2 và đưa trọng lượng tôm thương phẩm từ 70 - 75 con/kg với phương thức nuôi truyền thống lên 30 - 35 con/kg chỉ sau 105 ngày nuôi với phương thức công nghệ cao.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Nam Thịnh (Tiền Hải).

Khai thác thủy sản theo hướng bền bững

Cùng với tích cực cơ cấu lại lĩnh vực NTTS, các địa phương trong tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động khai thác thủy sản góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, các hoạt động khai thác còn tồn tại một số bất cập gây ảnh hưởng tới nguồn lợi thủy sản. Trước tình hình đó, tỉnh đã thực hiện các giải pháp nhằm khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững. Hiện toàn tỉnh có 1.087 tàu thuyền khai thác thủy sản với tổng công suất máy chính là 119.780,58CV. Cơ cấu tàu thuyền chuyển dịch theo hướng tăng dần số tàu cá khai thác xa bờ, giảm dần tàu khai thác gần bờ. 

Ông Vũ Mạnh Thía, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để phát triển nghề khai thác thủy sản có hiệu quả, an toàn và bền vững, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, Luật Thủy sản năm 2017 và kiến thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thường xuyên nắm bắt, theo dõi tình hình hoạt động tàu thuyền trong tỉnh; hướng dẫn, thực hiện nghiêm các quy định về giấy phép khai thác, đăng ký, đăng kiểm tàu cá, bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển; triển khai lắp đặt máy giám sát hành trình cho các tàu cá có chiều dài thân tàu từ 15m trở lên; thực hiện thu, phát sổ nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thủy sản và xác nhận nguồn gốc thủy sản. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Định kỳ thả bổ sung giống thủy sản xuống các vùng nước tự nhiên nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp nên nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cộng đồng ngư dân ven biển về quy định chống khai thác bất hợp pháp, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản có chuyển biến tích cực. Các phương tiện đánh bắt xa bờ không để xảy ra tình trạng vi phạm trong khai thác bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt. Hiện tượng ngư dân sử dụng các công cụ, phương pháp khai thác thủy sản mang tính hủy diệt như xung điện, chất độc, chất nổ đã giảm. Một số chủ phương tiện đánh bắt đã cải hoán, nâng cấp tàu có công suất lớn để chuyển sang khai thác thủy sản xa bờ cho hiệu quả kinh tế cao và thân thiện với môi trường. Nhờ vậy, sản lượng khai thác thủy sản hàng năm đều tăng và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2020, sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 91.520 tấn (tăng 32,6% so với năm 2016); giá trị sản xuất ước đạt 1.394 tỷ đồng (tăng 31,1% so với năm 2016). Kết quả đạt được trong lĩnh vực khai thác thủy sản đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Việc phát huy tiềm năng, lợi thế từ biển đã góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra với mục tiêu xây dựng khu vực ven biển trở thành trọng điểm về kinh tế, qua đó tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Minh Quân