Thứ 7, 18/01/2025, 08:52[GMT+7]

Ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy phát triển nông nghiệp

Thứ 4, 30/09/2020 | 09:34:47
9,601 lượt xem
Nông nghiệp công nghệ cao (CNC) là một nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững. Phát triển nông nghiệp CNC là xu thế tất yếu nhằm tạo ra những đột phá mới, bảo đảm nông nghiệp tăng trưởng ổn định với năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao.

Trồng rau, quả trong nhà màng đang được nhiều nông dân áp dụng để nâng cao giá trị sản xuất.

Nhiều tiềm năng, lợi thế

Là 1 trong 3 tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng, Thái Bình được đánh giá là có ưu thế lớn trong phát triển trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn nếu tích tụ được ruộng đất. Bên cạnh đó, tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống giao thông liên kết, hiện đại là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, thương mại, trao đổi hàng hóa với các địa phương trong cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Những năm qua, sản xuất nông nghiệp phát triển tương đối tốt đã giúp bảo đảm an ninh lương thực và góp phần ổn định kinh tế - xã hội với các sản phẩm nông sản ngày càng đa dạng. Nhiều mặt hàng như gạo, ngao, thịt lợn phát triển mạnh và có vị thế trên thị trường, đóng vai trò quan trọng đối với tỉnh, khu vực và cả nước.

Để phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp CNC, những năm qua, quán triệt, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung xây dựng, hoàn thành quy hoạch các vùng sản xuất, chỉnh trang đồng ruộng và dồn điền đổi thửa ở toàn bộ các xã, thị trấn, khắc phục một phần tình trạng nhỏ lẻ, phân tán trên các thửa ruộng của mỗi gia đình. Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được đầu tư nâng cấp; cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh. Phong trào xây dựng cánh đồng lớn được chú trọng, đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay 100% khâu làm đất, trên 80% khâu thu hoạch được cơ giới hóa; xây dựng, phát triển nhiều cánh đồng lớn cùng nhiều trang trại, gia trại quy mô lớn, công nghệ hiện đại; năng suất lúa và năng suất các loại cây trồng đều đạt ở mức cao so với bình quân chung cả nước và các tỉnh trong khu vực, góp phần cải thiện đáng kể đời sống nhân dân.

Ngày 15/8/2020, khu công nghiệp chuyên nông nghiệp Thaco - Thái Bình đã được khởi công. Mục tiêu của dự án là xây dựng, thực hiện chuỗi sản xuất khép kín với sản phẩm đầu ra: cung cấp máy nông nghiệp, nông cụ, vật tư nông nghiệp; ứng dụng cơ giới hóa và kỹ thuật từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch; nghiên cứu, thực nghiệm các loại giống lúa, ngũ cốc; đào tạo nhân sự cho sản xuất nông nghiệp CNC; sản xuất, chế biến gạo, lương thực thực phẩm hữu cơ (Organic) cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu... Đây là dự án lớn, có tính đột phá để cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi trình độ thâm canh, giá trị sản xuất nông nghiệp không chỉ của Thái Bình mà cả khu vực đồng bằng sông Hồng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Vùng nuôi tôm công nghệ cao tại xã Nam Thịnh (Tiền Hải).

Cần những giải pháp đồng bộ

Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh xác định quan điểm: Thu hút và phát triển doanh nghiệp là đột phá cho cơ cấu lại ngành và giải quyết lao động nông thôn, lấy doanh nghiệp là đầu tàu trong phát triển chuỗi giá trị. Để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, tỉnh đã ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ đặc thù, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn đến năm 2020. Trong đó, tập trung hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, cơ sở sản xuất giống ngao sinh sản, đóng mới tàu, mua sắm máy nông nghiệp, xây dựng cơ sở chế biến nông sản, phát triển sản xuất cây vụ đông. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân có dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp khuyến khích đầu tư của tỉnh đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, được hưởng ưu đãi về đất đai: miễn tiền thuê đất từ 11 - 15 năm, được thuê đất với mức giá thấp nhất của loại đất tương ứng.

Với những lợi thế sẵn có cùng chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến nghiên cứu, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà. Tiêu biểu phải kể đến Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân với dự án xây dựng trung tâm CNC sản xuất, kinh doanh cây trồng an toàn theo chuỗi tại xã Vũ Lạc (thành phố Thái Bình); Công ty TNHH Nông nghiệp CNC An Thái Thái Bình với dự án đầu tư xây dựng trung tâm CNC sản xuất, kinh doanh cây trồng an toàn theo chuỗi tại xã Việt Thuận (Vũ Thư); Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trường Thọ Phát với dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi CNC ở xã Thái Hưng (Thái Thụy)... Toàn tỉnh có 43 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản có ứng dụng CNC vào sản xuất.

Có thể thấy, nông nghiệp CNC ở Thái Bình đang trong quá trình hình thành, sản xuất nông nghiệp đã chứa đựng nhiều yếu tố công nghệ nhưng về cơ bản ở trình độ thấp. Vì vậy, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra các mô hình nông nghiệp CNC là nhu cầu tất yếu trong điều kiện hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu, đáp ứng xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại. Việc này đối với nông nghiệp Thái Bình càng cần thiết hơn bởi nông nghiệp tỉnh giàu lợi thế song cũng có những điểm yếu cơ bản như ruộng đất còn manh mún, sản xuất mang tính chất nhỏ lẻ, thiếu nguồn lực, nhất là nhân lực có trình độ cao...

Để giải quyết vấn đề trên, thời gian tới Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vùng/khu, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Thúc đẩy các hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, ứng dụng hiệu quả công nghệ mới tạo động lực về lợi ích để thúc đẩy khoa học công nghệ gắn bó với sản xuất, kinh doanh, hướng vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của từng sản phẩm.

Ngân Huyền