Thứ 3, 05/11/2024, 13:25[GMT+7]

Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng quê hương Thái Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh

Thứ 7, 03/10/2020 | 08:19:48
4,491 lượt xem
Trong 5 năm (2015 - 2020), Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân tỉnh Thái Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, không ngừng sáng tạo, đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm, động viên hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đông Hưng. Ảnh: Nguyễn Cường

Để phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa, phát huy hiệu quả thiết thực, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chính sách về thi đua, khen thưởng gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, căn cứ vào điều kiện thực tiễn để phát động, tổ chức các phong trào thi đua gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; từ đó tạo động lực, khí thế mạnh mẽ lôi cuốn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia. Nhiều phong trào thi đua được phát động, có sức lan tỏa mạnh mẽ, mang lại hiệu quả thiết thực như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Dạy tốt, học tốt”, thi đua thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thầy thuốc như mẹ hiền” và thực hiện 12 điều y đức, “Thi đua quyết thắng”, “Vì an ninh Tổ quốc”, “Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh”, “Xây dựng cơ quan văn hóa, kiểu mẫu”, “Dân vận khéo”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Tuổi trẻ Thái Bình xung kích, sáng tạo vì ngày mai lập nghiệp”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”... Qua các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội với nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích, làm lợi cho Nhà nước và xã hội hàng trăm tỷ đồng; nhiều mô hình, giải pháp được phát huy, nhân rộng, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thu hoạch lúa mùa ở xã Bình Định (Kiến Xương). 

Phong trào thi đua được phát động sâu rộng với nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực, hiệu quả, từng bước đưa công tác thi đua, khen thưởng thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Nổi bật là: Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân 5 năm (2016 - 2020) của tỉnh ước tăng 9%/năm, vượt mục tiêu Đại hội XIX đề ra (8,6%/năm), cao hơn mức trung bình cả nước và gấp 1,3 lần mức tăng trưởng của 5 năm trước (6,7%/ năm). Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người có bước tăng mạnh. Năm 2020, GRDP và thu nhập bình quân đầu người ước cao gấp 1,7 - 1,8 lần năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ trong GRDP đạt 75,5%, tăng 9,5% so với năm 2015. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm (2016 - 2020) ước đạt 235,5 nghìn tỷ đồng, gấp gần 2 lần 5 năm 2011 - 2015, tăng bình quân 7,8%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn hàng năm luôn vượt dự toán được giao; năm 2020 ước đạt trên 8.000 tỷ đồng, gấp 1,35 lần so với năm 2015. Đặc biệt từ phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” với sự quyết tâm và đồng thuận cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tinh thần “Mỗi người dân góp một ý tưởng xây dựng nông thôn mới”, đến nay 100% số xã đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; 7 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới, thành phố Thái Bình được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thái Bình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh, vượt trước 3 năm so với mục tiêu Đại hội XIX đề ra. Toàn tỉnh có 100% dân cư nông thôn được cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt, vượt trước 2 năm so với mục tiêu Đại hội đề ra. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều trên địa bàn tỉnh giảm còn trên 2%, bằng gần một nửa mức bình quân cả nước. 

Cùng với phát động, tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng ngày càng đi vào thực chất, bảo đảm đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn. 5 năm qua, nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động các loại, các hạng; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cờ thi đua của Chính phủ; chiến sĩ thi đua toàn quốc và các hình thức khen thưởng khác. UBND tỉnh đã khen thưởng 7.606 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Bên cạnh những tập thể, cá nhân được trao tặng những danh hiệu, những phần thưởng cao quý, trong cuộc sống hàng ngày vẫn còn rất nhiều tập thể, cá nhân đã và đang nỗ lực phấn đấu, cống hiến vì sự phát triển của quê hương, đất nước rất đáng được trân trọng và ghi nhận. 


  • 5 năm (2015 - 2020), Thái Bình đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều hình thức khen thưởng: 
- 2 nhà giáo được tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú; 8 nghệ sĩ được tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú; 24 thầy thuốc được tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú;
- 36 tập thể và 124 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động các loại, các hạng;
- 64 tập thể, 264 cá nhân và 11 hộ gia đình được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;
- 54 tập thể được tặng cờ thi đua của Chính phủ;
- 1 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc;
- 377 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
- 32 cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến và 1 cá nhân được tặng kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày;

  • UBND tỉnh đã khen thưởng cho 7.606 tập thể, cá nhân; trong đó: tặng cờ thi đua cho 466 tập thể; tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc cho 1.169 tập thể; bằng khen cho 2.199 tập thể và 2.739 cá nhân; chiến sĩ thi đua cấp tỉnh cho 882 cá nhân; bằng ghi công cho 6 tổ chức và 145 cá nhân 


Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Thái Bình lần thứ VII là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng được tổ chức đúng vào dịp Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Niềm vui được nhân lên khi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình vinh dự được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Đặc biệt, còn ít ngày nữa Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX sẽ chính thức khai mạc. Để thực hiện mục tiêu “... Phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá; đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng”, nhiệm vụ đặt ra đối với Thái Bình đòi hỏi phải phát huy cao độ tinh thần đoàn kết với quyết tâm cao, nỗ lực rất lớn của toàn Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Hơn lúc nào hết, các phong trào thi đua yêu nước trong thời gian tới cần được phát huy sâu rộng, thực sự trở thành nguồn cổ vũ, động viên, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân để hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Trong thời gian này, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và mỗi người dân trong tỉnh cần ra sức phấn đấu với tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai”, “người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua” để lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; thi đua phát triển kinh tế - xã hội để bù lại những thiếu hụt do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 gây ra, tạo đà để Thái Bình phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn trong những năm tới. Để đạt được mục tiêu đề ra, các cấp, các ngành, các huyện, thành phố cần thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thi đua, khen thưởng như sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua, khen thưởng.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức các phong trào thi đua yêu nước với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. 

Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng về nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện. Quan tâm chỉ đạo sâu sát các phong trào thi đua chuyên đề, thường xuyên và đột xuất, tập trung vào việc thực hiện những công việc khó, những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, những giải pháp đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, như: xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển nông nghiệp mang lại giá trị cao, sớm hình thành và phát triển các khu công nghiệp thuộc phân khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình, phát triển nguồn nhân lực... Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

Bốn là, coi trọng công tác sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, khen thưởng, thực hiện đồng bộ cả 3 khâu: phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Khen thưởng bảo đảm đúng người, đúng việc, dân chủ, công khai, đúng quy định. 

Năm là, phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tổ chức, phát động, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước. 

Sáu là, đẩy mạnh tập huấn, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng. Đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp. Thực hiện chủ đề hành động chính trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020 - 2025 là: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; với tinh thần “Đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm”, các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh khắc phục khó khăn, phát huy những thành quả đã đạt được, quyết tâm xây dựng Thái Bình sớm trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt như Bác Hồ kính yêu hằng mong.

Nguyễn Khắc Thận

 (Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch thường trực, phụ trách điều hành hoạt động UBND tỉnh )

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Liên, xã Tây Sơn, huyện Kiến Xương 
Chứng kiến sự đổi thay của quê hương, tôi thấy ở thời kỳ nào các phong trào thi đua yêu nước đều giữ vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong kháng chiến, thi đua đã giúp Thái Bình đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và hôm nay các phong trào thi đua yêu nước góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đời sống của người dân không ngừng được nâng lên. Tôi rất vui và mong các cấp, các ngành tiếp tục triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước để xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt như Bác Hồ kính yêu hằng mong.

Ông Trần Văn Vực, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng, huyện Hưng Hà 

Phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện phong trào thi đua cựu chiến binh gương mẫu, sản xuất, kinh doanh giỏi, tôi đã duy trì hiệu quả hoạt động của Công ty, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động. Hàng năm, tôi đều phát động phong trào thi đua trong cán bộ, công nhân, người lao động, đồng thời làm tốt công tác khen thưởng để tạo động lực cho họ hăng hái lao động, phát huy sáng kiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong thời gian tới, theo tôi các phong trào thi đua yêu nước cần được phát động sâu rộng hơn nữa, thực sự trở thành nguồn cổ vũ, động viên, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. 

Ông Vũ Văn Tinh, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình 

Tôi rất vinh dự được dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thái Bình lần thứ VII, được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Đây là động lực to lớn để tôi tiếp tục hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, sản xuất, kinh doanh giỏi để phát triển kinh tế cho gia đình và làm giàu cho xã hội. Tôi mong thời gian tới các cấp, các ngành bên cạnh việc việc chú trọng phát động các phong trào thi đua có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tế cuộc sống, nhân rộng các điển hình tiên tiến, mô hình hay thì cần làm tốt hơn nữa công tác khen thưởng; trong đó, quan tâm khen thưởng những người trực tiếp lao động sản xuất để tạo động lực cho họ thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo.

Đại đức Thích Thanh Quang, trụ trì Tổ đình chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư  

Là đại biểu tôn giáo tham dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thái Bình lần thứ VII, tôi rất phấn khởi và tin rằng với sự chuẩn bị chu đáo Đại hội sẽ thành công tốt đẹp, đề ra phương hướng, đổi mới mạnh mẽ cách thức triển khai các phong trào thi đua trong thời gian tới mang lại hiệu quả thiết thực hơn. Về phía nhà chùa, trong thời gian tới sẽ tiếp tục hưởng ứng, thực hiện tốt các phong trào thi đua; trong đó, tập trung thực hiện phong trào thi đua xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu”; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, tuyên truyền, vận động tín đồ, Phật tử tích cực phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng và có các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ để giảm nghèo bền vững.


Ông Bùi Thọ Thính, thôn Đông, xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng 

Tôi rất vinh dự là 1 trong 90 điển hình tiên tiến được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thái Bình lần này. Những năm qua, hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả để nuôi trồng những cây con khác cho giá trị kinh tế cao. Hiện tại, trang trại tổng hợp của tôi tạo việc làm cho 7 lao động, doanh thu mỗi năm trên 3 tỷ đồng. Vừa qua tôi đã thành lập HTX nuôi trồng và xuất nhập khẩu thủy hải sản Tiền Phong nhằm chia sẻ kinh nghiệm, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm của xã viên. Phát huy tinh thần “Thi đua là yêu nước”, thời gian tới tôi tiếp tục thi đua phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập từ trang trại và hiệu quả hoạt động của HTX. Tôi mong muốn thời gian tới các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức tốt phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người nông dân làm giàu chính đáng.

Đào Quyên - Thu Hiền  


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày