Thứ 4, 25/12/2024, 13:02[GMT+7]

Đường trơn chân bước

Thứ 2, 05/10/2020 | 15:30:19
27,579 lượt xem

Di tích lịch sử cách mạng Trường Vị Sĩ, xã Chí Hòa (Hưng Hà), nơi bậc tiền bối cách mạng, nhà giáo Bùi Hữu Diên truyền bá tư tưởng cách mạng cho nhiều lớp thanh niên.

Theo các tài liệu khảo cứu, từ một trí thức (Tổng sư Trường Vị Sĩ) sớm giác ngộ cách mạng và trở thành nhà cách mạng vô sản tiền bối, nhà giáo Bùi Hữu Diên (1903 - 1935) người làng Chỉ Bồ, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy là một trong những hội viên đầu tiên của tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Thái Bình, trở thành đảng viên Đông Dương Cộng sản Đảng cuối tháng 6/1929. Trong vụ án “Cộng sản ở Thái Bình” tháng 6/1930, ông bị tòa án thực dân Pháp kết án 10 năm tù và đày biệt xứ tại Guyane (Nam Mỹ) và hy sinh ở đó.

Cuộc biểu tình của nông dân Duyên Hà - Tiên Hưng (nay là huyện Hưng Hà và Đông Hưng) ngày 1/5/1930 là một sự kiện nổi bật của phong trào nông dân Việt Nam năm 1930 và cao trào cách mạng 1930 - 1931. Đó là một trong những cuộc đấu tranh đầu tiên của nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, là một mốc son trong lịch sử đấu tranh của giai cấp nông dân Việt Nam. Đã hơn 90 năm trôi qua sau khi những sự kiện lịch sử gắn liền với tên tuổi của những người cộng sản tiền bối của tỉnh ta, đặc biệt là nhà giáo Bùi Hữu Diên, người có công lao to lớn trong việc xây dựng tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội tại Thái Bình và “các cụ” sau đó đã cùng với các bậc cách mạng tiền bối chuyển tổ chức này thành Đảng bộ, trở thành một trong những đảng bộ ra đời sớm nhất trong cả nước.

Để góp phần làm sáng tỏ vai trò góp sức gây dựng phong trào cách mạng trong thời kỳ “trứng nước” ở địa danh Tiên - Duyên, nhóm nghiên cứu chúng tôi đã tìm về làng Và, xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà nơi đặt Trường Vị Sĩ (trường đào tạo nhân lực tri thức của thực dân Pháp) thời kỳ 1926 - 1930. Với người dân làng Và, nhà giáo, nhà cách mạng tiền bối Bùi Hữu Diên mãi mãi là hình ảnh người thầy mẫu mực, trung tín, gắn bó với nhân dân và phong trào cách mạng tại địa phương. Lúc bình sinh, ông thường xuyên “qua lại” đàm đạo với một số nhà nho yêu nước trên địa bàn, ông gặp gỡ và tích cực vận động lớp thanh niên nông thôn tham gia tập thể dục, thể thao nhằm nâng cao sức khỏe và làm thơ phú dạy học trò. Cuốn “Lịch sử Đảng bộ Thái Bình” có đoạn ghi chép về ông như sau: “Sau khi trở thành 1 trong 10 ủy viên Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, tháng 3/1928 Bùi Hữu Diên được phân công trực tiếp xây dựng và chỉ đạo phong trào cách mạng tại hai huyện Diên Hà, Tiên Hưng; với chức trách là Tổng sư trường Vị Sĩ, tổng Vị Sĩ huyện Duyên Hà là địa bàn các xã Bạch Đằng, Hồng Châu, Hồng Việt, huyện Đông Hưng và xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà ngày nay. Trước khi về làm Tổng sư Vị Sĩ, Bùi Hữu Diên là thành viên của Chi bộ Thanh niên được thành lập tại thị xã Thái Bình (nay là thành phố Thái Bình) cuối năm 1926 và dạy học tại Trường Minh Thành. Đây là một trường tư thục do nhà cách mạng tiền bối Nguyễn Văn Năng, người đầu tiên tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ngay trên đất Thái Bình mở để dạy chữ quốc ngữ đồng thời cũng là nơi tập hợp quần chúng để tuyên truyền. Tại Trường Minh Thành, những học sinh của Trường Vị Sĩ theo học khá đông…”. Bối cảnh trong nước có nhiều thuận lợi cho phong trào cách mạng của tỉnh ta, bắt đầu bằng cuộc bãi công lớn của công nhân nhà máy dệt Nam Định gây tiếng vang mạnh mẽ, tiếp đến là các cuộc đấu tranh của nhân dân vùng Kiến Xương, Vũ Tiên, Thư Trì, Thái Ninh… (nay là các huyện Kiến Xương, Vũ Thư, Thái Thụy) có tác động mạnh mẽ đến phong trào nông dân Duyên Hà - Tiên Hưng “nung nấu” nổ ra một cuộc đấu tranh lớn. Nhân ngày Quốc tế lao động 1/5, Trung ương Đảng quyết định phát động một đợt đấu tranh lớn nhằm thúc đẩy phong trào cách mạng cả nước. Căn cứ vào chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc kỳ giao nhiệm vụ cho Đảng bộ Thái Bình lãnh đạo quần chúng đấu tranh mạnh mẽ để phối hợp với phong trào cả nước. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã giao cho liên chi Thần - Duyên tổ chức quần chúng biểu tình lên tỉnh lỵ đấu tranh trực diện với chính quyền thực dân đồng thời giao cho Đảng bộ huyện Thư Trì, Vũ Tiên là những nơi nào gần thị xã huy động quần chúng bí mật sẵn sàng phối hợp đấu tranh với nông dân Duyên Hà - Tiên Hưng. Tối ngày 28/4/1930, Ban liên chi ủy Thần - Duyên họp tại làng Nhuệ để thống nhất nội dung đấu tranh, nội dung tuyên truyền cho quần chúng, bàn kế hoạch tổ chức biểu tình, thành lập ủy ban lãnh đạo đấu tranh, đưa ra những việc cần phải hành động khẩn trương. Sáng sớm ngày 1/5, các hiệu trống nổi liên hồi ở làng Nhuệ, Vân Đài, làng Chùa, Vị Sĩ, quần chúng nhanh chóng tập hợp thành từng nhóm. Các làng Thanh Cách, Đồng Lạc, An Bình, Phan Thôn qua gò cô Tiên đến Cổ Quán... cùng hội với An Lại, Hậu Trung, Hậu Thượng, Vi, Sàng, Nhuệ, Phú Mỹ, Chua, Vân Đài… đoàn biểu tình gần 1.000 người hô vang những khẩu hiệu đòi thực dân Pháp phải giảm thuế, miễn sưu, thả những người bị bắt bớ, tra tấn ra, đền tiền các làng bị đốt phá, để người dân tự do đi lại, hội họp, chu cấp thóc gạo cho dân…

Cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà ngày 1/5/1930 dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và trực tiếp của liên chi ủy, đặc biệt tầm ảnh hưởng của nhà giáo Bùi Hữu Diên, bởi từ khi còn làm Tổng sư Trường Vị Sĩ, nhà giáo, bậc tiền bối cách mạng đã truyền giảng tinh thần yêu nước, thương nòi cho những học trò Trường Vị Sĩ. Những hạt giống đỏ nảy mầm cách mạng dẫn tới cuộc biểu tình Tiên Hưng - Duyên Hà ngày 1/5/1930 cũng là cuộc “tập dượt” phong trào cách mạng ở tỉnh ta. Tuy cuộc biểu tình bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu và buộc phải giải tán vài giờ sau khi nổ ra cuộc biểu tình đã ghi mốc son đầu tiên về phong trào đấu tranh cách mạng ở tỉnh ta. Chiều ngày 1/5/1930, Tổng đốc Vi Văn Định ra lệnh cho huyện Tiên Hưng - Duyên Hà đón lõng trên các con đường về làng để bắt những người tham gia biểu tình. Trước đó, ngày 17/6/1929, thầy giáo Bùi Hữu Diên bị thực dân Pháp bắt đưa đi “giam lỏng” tại Nam Định vì tình nghi đến tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội và sau khi thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng mà “bằng chứng” thu được là những “bức thư liên lạc” với các chi bộ cộng sản Thần - Duyên. Mãn hạn “giam lỏng”, ông được chuyển đổi lên Bắc Kạn dạy học nhưng sau đó bị thực dân Pháp bắt lại. Phiên tòa do thực dân Pháp dựng lên cái gọi là “Vụ cộng sản ở Thái Bình”, nhà giáo Bùi Hữu Diên bị kết án “âm mưu khuynh đảo chính phủ bảo hộ” với tội danh và hình phạt nặng nhất: 10 năm tù và 5 năm khổ sai và bị “phong trục” nghĩa là bị “đuổi” ra khỏi đất nước. Ông bị đày sang Guyane (một thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ). Tại nhà tù ở Guyane, nhà giáo Bùi Hữu Diên tiếp tục vận động tù nhân “An Nam” đấu tranh chính trị đòi xóa bỏ chế độ thực dân với các quốc gia thuộc địa trong đó có Việt Nam. Nhà giáo Bùi Hữu Diên, người chiến sĩ cộng sản kiên trung quê hương Thái Bình đã hy sinh anh dũng tại nhà lao Ibini ở Guyane.

Nhà văn Bút Ngữ, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình

Bị đày ở Guyanea đầy gian khổ nhưng nhà giáo Bùi Hữu Diên vẫn giữ cốt cách một nhà tri thức giác ngộ cách mạng. Ông để lại những áng thơ hay như: “…Xin chớ mẻ mòn, dạ sắt son/Kìa trăng vằng vặc nước cùng non...”, hoặc: “Thân ở trong tù, lòng chẳng ở/Đôi chân còn bước, mặc đường trơn”.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sau khi bình định Bắc Kỳ và thành lập tỉnh Thái Bình nhằm phục vụ cai trị nước ta lâu dài, thực dân Pháp mở trường đào tạo Thành Chung (Nam Định), Minh Thành (thị xã Thái Bình) và Tổng Vị Sĩ (Duyên Hà)… để truyền bá Pháp ngữ và chữ quốc ngữ cho lực lượng trí thức Thái Bình nhưng chúng không ngờ đây lại là cái nôi đào tạo trí thức cách mạng cho Đảng ta.

Nhà thơ Nguyễn Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình

Nhà giáo Bùi Hữu Diên là một trong những trí thức yêu nước, nhà cách mạng tiền bối vừa dạy học ở trường tư thục Minh Thành vừa là Tổng sư Trường Vị Sĩ, cụ làm thơ, dạy học để truyền bá đạo đức cách mạng cho học sinh của mình.


Quang Viện