Thứ 7, 23/11/2024, 05:15[GMT+7]

Quảng Ninh: Bình Liêu đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Thứ 5, 08/10/2020 | 09:17:49
1,755 lượt xem
Từng bước khắc phục những khó khăn đặc thù, huyện miền núi Bình Liêu đã có nhiều khởi sắc sau 10 năm tập trung xây dựng nông thôn mới (NTM): Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, chất lượng đời sống người dân cũng không ngừng được nâng lên...

Nhà văn hóa xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu) được khánh thành, đi vào hoạt động từ năm 2019.

Những năm qua, huyện Bình Liêu đã có nhiều giải pháp tập trung hỗ trợ người dân sản xuất hiệu quả, khai thác tốt được lợi thế về nông, lâm nghiệp để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, gắn liền với các hình thức hỗ trợ vốn vay, hướng dẫn kỹ thuật... để thay đổi thói quen từ chăn nuôi, trồng trọt lạc hậu, manh mún, kém hiệu quả sang hướng sản xuất thâm canh, mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp.

Điển hình như trong sản xuất lâm nghiệp, toàn huyện đã hình thành được vùng sản xuất tập trung một số cây chủ lực của địa phương với trên 345ha cây dong riềng, trên 7.000ha cây hồi, trên 400ha cây sở, trên 12.000ha cây thông... Bình quân mỗi năm có gần 450ha rừng được trồng mới. Vùng trồng cây dược liệu cung cấp cho các cơ sở chế biến trong và ngoài tỉnh cũng được hình thành.

Trong chăn nuôi, nhiều hộ gia đình, hợp tác xã cũng đã tham gia tích cực vào triển khai các dự án như bảo tồn và phát triển giống gà Cao Sơn; dự án ứng dụng KHCN để cải tạo và phát triển đàn bò thịt... Năm 2020, toàn huyện có trên 30 hộ thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hình thức gia trại chăn nuôi.

Các xã cũng tập trung triển khai mạnh chương trình OCOP theo định hướng hỗ trợ tối đa cho người dân để tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ lực thế mạnh, đặc thù của địa phương. Được biết, huyện có 27 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó đã có 2 sản phẩm hạng 4 sao, 10 sản phẩm đạt 3 sao.

Công trình giao thông kết nối tới 104 thôn, bản của huyện Bình Liêu được hoàn thành, gắn biển chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. 

Từ xây dựng NTM, diện mạo nông thôn của huyện có chuyển biến rõ nét: Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối khắp các thôn, bản đã được nâng cấp. Các công trình điện sinh hoạt, điểm trường, trạm y tế, bể nước sạch cấp tập trung... phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp.

Đặc biệt là sự thay đổi rõ rệt về nếp sinh hoạt, lao động của đồng bào vùng sâu, vùng xa, đời sống còn nhiều khó khăn. Đến nay, đã có hàng nghìn hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh. Bình Liêu đã xây dựng và triển khai rất quyết liệt các đề án, tạo hiệu quả mạnh trong việc huy động các nguồn lực để xây dựng các công trình vệ sinh, khuyến khích người dân di chuyển chuồng trại chăn nuôi, cải thiện môi trường dân cư...

Việc đầu tư nói trên được thực hiện chủ yếu theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong đó, ghi nhận sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người dân, tích cực ủng hộ chủ trương lớn của địa phương bằng những việc làm thiết thực như: Hiến đất, đóng góp ngày công lao động; tham gia quản lý, sử dụng hiệu quả các công trình nước sạch, kênh mương, nhà văn hóa; duy trì thường xuyên phong trào vệ sinh môi trường công cộng.

Đó còn là những thửa ruộng màu mỡ từ vùng thấp cho tới vùng đồi bậc thang, trồng nào lúa, ngô, dong riềng... được người dân chăm sóc, gối vụ tươi tốt quanh năm. Những vạt rừng xanh cho thu hoạch hồi, quế cho khai thác ổn định. Nông dân Bình Liêu hôm nay còn tạo thu nhập khá từ du lịch, dịch vụ gắn liền với khai thác bền vững giá trị từ cảnh quan tự nhiên (ruộng bậc thang, đường tuần tra biên giới, nhà trình tường...) và văn hóa đặc sắc các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ sinh sống lâu đời tại đây (như lễ hội hoa sở, lễ hội đình Lục Nà, lễ hội kiêng gió...).

Những thành quả xây dựng NTM này có được từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp.

Theo baoquangninh.com.vn