Thứ 4, 25/12/2024, 00:59[GMT+7]

Giải pháp đột phá về công nghệ xử lý nước thải

Thứ 2, 12/10/2020 | 09:49:52
4,585 lượt xem
Những năm qua, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Thái Bình thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Để phát triển bền vững, các KCN đã và đang đầu tư trạm xử lý nước thải.

Hệ thống xử lý nước thải khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh.

Trạm xử lý nước thải KCN Nguyễn Đức Cảnh đi vào vận hành từ năm 2012, công suất 4.650m3/ngày đêm. Với nhiệm vụ xử lý nước thải cho các doanh nghiệp tại KCN Nguyễn Đức Cảnh, một phần KCN Phúc Khánh và cụm công nghiệp Phong Phú. Từ tháng 8/2019, trạm xử lý nước thải KCN Nguyễn Đức Cảnh được bàn giao cho Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghệ Green Eden Hà Nội quản lý, vận hành. Sau 1 năm tiếp nhận, Công ty đã tập trung nguồn lực cải tạo lại toàn bộ hệ thống xử lý nước thải với công nghệ tiên tiến. 

Ông Nguyễn Việt Hiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghệ Green Eden cho biết: Nước thải của các doanh nghiệp được dẫn đến đường ống thu gom chung KCN, các trạm bơm đẩy về bể thu chung của trạm xử lý và qua đồng hồ đo lưu lượng. Sau đó đưa vào bể tổng hợp để thực hiện xử lý theo công nghệ hóa lý kết hợp với vi sinh sử dụng giá thể MBBR. Đây là công nghệ có nhiều ưu điểm, mang lại hiệu quả xử lý triệt để hàm lượng ô nhiễm, nhất là không gây mùi, dễ dàng vận hành, bảo trì bảo dưỡng hệ thống. Hiện nay, cơ bản các doanh nghiệp hoạt động đã đấu nối vào khu xử lý nước thải tập trung, góp phần bảo đảm môi trường sống trong lành cho cư dân sinh sống xung quanh khu vực.  

Nhà máy bao bì Thái Bình HDI (KCN Phúc Khánh, thành phố Thái Bình) đi vào hoạt động từ năm 2018 với ngành nghề chính là tái chế và sản xuất bao bì. Với việc đầu tư hệ thống máy móc đồng bộ, hiện đại nhà máy đã duy trì và tạo việc làm ổn định cho người lao động ngay trong mùa dịch Covid-19, với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, nhà máy đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường (BVMT), nhất là nước thải trong quá trình sản xuất. Trung bình một tháng nhà máy phát sinh trên 1.000m3 nước thải. 

Ông Nguyễn Văn Trịnh, cán bộ phụ trách môi trường nhà máy bao bì Thái Bình HDI cho biết: Nước chủ yếu tái sử dụng lại, một phần đưa vào xử lý vi sinh, đạt cột B mới đưa vào hệ thống đấu nối của trạm xử lý nước thải KCN Nguyễn Đức Cảnh.

Với phương châm “Sản xuất hiệu quả phải đi đôi với BVMT” nên ngay từ thời điểm bắt đầu xây dựng, chủ đầu tư KCN Phúc Khánh là Công ty TNHH Khai Phát Đài Tín đã chú trọng đến công tác BVMT. Năm 2005, Công ty đã đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải hiện đại, xử lý nước thải cho các doanh nghiệp của Đài Loan. Năm 2011, đầu tư nâng cấp và bàn giao cho Công ty TNHH Môi trường Thái Bình Xanh quản lý, vận hành, công suất 2.000m3/ngày, đêm. 100% các doanh nghiệp đã đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Theo đó, nước thải sản xuất, sinh hoạt của các doanh nghiệp được dẫn đến đường ống thu gom chung KCN, các trạm bơm đẩy về bể thu chung của trạm xử lý và qua đồng hồ đo lưu lượng. Sau đó đưa vào bể tổng hợp để thực hiện xử lý hóa lý và sinh học loại bỏ cặn lơ lửng, giảm COD, BOD và các chất hữu cơ, các vi sinh vật có hại. Nước được thải ra môi trường nằm trong mức tiêu chuẩn xả thải cột A, giá trị C theo quy chuẩn Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hàng năm, Công ty duy trì 4 lần quan trắc đánh giá tác động đến môi trường, kịp thời có phương án khắc phục sửa chữa, nâng cấp bảo đảm các sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường và nộp báo cáo công tác BVMT định kỳ về Sở Tài nguyên và Môi trường.

Với việc quan tâm đến BVMT, Thái Bình đã và đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư có công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Minh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày