Thứ 3, 23/07/2024, 04:21[GMT+7]

Các địa phương, đơn vị tích cực, chủ động ứng phó với bão số 7

Thứ 3, 13/10/2020 | 14:57:04
3,997 lượt xem

Bộ đội Biên phòng Đồn Cửa Lân kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão số 7

* Tiền Hải:

Theo thống kê huyện Tiền Hải có tổng số tàu thuyền là 595 phương tiện/1.301 lao động; khu vực chòi ngao, nuôi trồng thủy sản ven biển là 1.840 lao động.

Để ứng phó với cơn bão số 7, Tiền Hải đã yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm công điện của tỉnh, huyện tiến hành việc kiểm tra, rà soát toàn bộ số tàu, thuyền, hướng dẫn, bố trí sắp xếp khu neo đậu bảo đảm an toàn, không để neo đậu ở gần mái kè, cầu cống gây nguy hiểm đến các công trình khi bão số 7 đổ bộ vào đất liền. Chủ động hướng dẫn, bố trí các phương tiện ngoài tỉnh đang làm việc tại giàn khoan khí vào nơi tránh trú bão gần nhất. Yêu cầu các chủ hộ nuôi ngao chấp hành nghiêm việc di dời lao động từ chòi canh vào nơi tránh trú an toàn. Đối với các hộ sinh sống ngoài đê, các địa phương cần có kế hoạch di dân khỏi khu vực nhà yếu, vùng trũng khi có yêu cầu. Đài truyền thanh cơ sở tăng thời lượng phát sóng tuyền truyền về diễn biễn của bão số 7 đến nhân dân chủ động phòng tránh bảo đảm an toàn về người và tài sản khi bão đổ bộ vào địa phương. 

Ngoài ra, Tiền Hải cũng yêu cầu các địa phương tích cực huy động nhân lực, máy móc đẩy nhanh thu hoạch lúa mùa, rau màu theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm tránh thiệt hại về kinh tế do bão số 7 gây ra.

* Thái Thụy: 

Tàu thuyền của ngư dân huyện Thái Thụy neo đậu vào nơi an toàn để tránh bão số 7 

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Thái Thụy đã chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động ngoài biển về nơi tránh trú an toàn. Đồng thời tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.

Tính đến sáng ngày 13/10, các đồn biên phòng đóng trên địa bàn đã liên lạc được với 478 phương tiện tàu, thuyền/1.762 lao động hoạt động khai thác thủy hải sản, bằng 100% số phương tiện huyện quản lý để thông báo về diễn biến của cơn bão số 7 và chủ động thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Ngoài ra, hiện nay các địa phương trong huyện cũng đang tích cực đôn đốc người dân tập trung huy động máy móc, nhân lực khẩn trương thu hoạch lúa mùa với phương châm "xanh nhà hơn già đồng"; quản lý tốt việc thu hoạch lúa mùa bằng máy, không để xảy ra tình trạng bảo kê cho máy gặt hoặc chủ máy gặt lợi dụng ép giá người dân; triệt tiêu nước trên hệ thống đề phòng mưa lớn gây ngập úng.

* Quỳnh Phụ:

Nông dân xã An Cầu (Quỳnh Phụ) khẩn trương thu hoạch lúa mùa.

Đến thời điểm này, huyện Quỳnh Phụ đã thu hoạch được 9.000/11.200ha lúa mùa; trồng được 4.500ha cây vụ đông tập trung tại các xã Quỳnh Hải, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Hội, An Khê…

Hiện tại, toàn bộ diện tích lúa, hoa màu trên địa bàn huyện chưa xảy ra ngập, úng, lồng, bè cá tại các khu vực nuôi trồng thủy sản an toàn. Hệ thống đê, kè, cống trên địa bàn Quỳnh Phụ tương đối ổn định, vật tư phục vụ phòng chống thiên tai do Hạt Quản lý đê điều huyện quản lý bảo đảm về số lượng, chất lượng.

Trước diễn biến của bão số 7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Quỳnh Phụ đã ban hành công điện khẩn chỉ đạo các ngành, địa phương theo dõi diễn biến chặt chẽ của bão, tổ chức lực lượng ứng trực theo quy định, thực hiện nghiêm các công điện của tỉnh và huyện. Các địa phương khẩn trương thu hoạch diện tích lúa mùa còn lại với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Tập trung rà soát, sẵn sàng các phương án bảo đảm an toàn cho người, đê điều, bảo vệ công trình đê, kè, cống xung yếu… Kiểm tra, rà soát, đôn đốc việc cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, trạm y tế... Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện và các địa phương thực hiện giải phóng dòng chảy, tiêu nước trên hệ thống sông trục do xã, thị trấn quản lý, đóng các cống tưới, mở các cống tiêu để tiêu nước đệm đề phòng mưa lớn gây ngập úng, bảo vệ lúa mùa, hoa màu, sẵn sàng vận hành các trạm bơm khi có mưa, lũ lớn xảy ra. Thường xuyên cập nhật thông tin, tăng cường thông báo trên các phương tiện thông tin để nhân dân biết về diễn biến của bão số 7 để chủ động phòng, tránh, khắc phục tư tưởng chủ quan, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do thiên tai, mưa, bão gây ra.

* Đông Hưng

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đông Hưng đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm công điện về phòng, chống bão của tỉnh, đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm giảm thấp nhất thiệt hại cho nhân dân khi bão vào địa bàn.

Nông dân xã Nguyên Xá (Đông Hưng) khẩn trương thu hoạch lúa để phòng, chống bão số 7. Ảnh: Đỗ Hiền

Hiện nay, toàn huyện đã thu hoạch được trên 8.200ha lúa mùa. Với diện tích lúa còn lại và rau màu có thể thu hoạch được, Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương khẩn trương, quyết liệt bằng nhiều biện pháp thích hợp để thu hoạch nhanh gọn theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, đặc biệt là ở các vùng trũng. Với vùng sản xuất cây vụ đông phải có phương án tiêu nước hợp lý tránh ngập úng để giảm thiệt hại khi mưa lớn xảy ra. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị kiểm tra, rà soát phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu, nếu phát hiện công trình nào không bảo đảm an toàn chủ động xử lý, củng cố ngay. Tuyên truyền, vận động các chủ hộ nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh bão; rà soát các hộ dân sống ngoài đê chính và người dân sống ở khu vực nhà yếu, nguy hiểm sẵn sàng di dời vào nơi an toàn. Các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để triển khai ứng cứu khi có yêu cầu. Riêng Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện thực hiện đóng các cống tưới, bố trí lực lượng trực 24/24 giờ, tranh thủ mở cống tiêu, triệt để tiêu nước, tổ chức khơi thông dòng chảy trên hệ thống các sông trục, sông dẫn.

* Kiến Xương

Trước diễn biến phức tạp của bão số 7,  huyện Kiến Xương đã triển khai các phương án ứng phó nhằm giảm bớt thấp nhất  thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nông dân xã Vũ Hòa đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa. Ảnh: Thu Thủy

Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện yêu cầu các cấp, các ngành làm tốt công tác tuyên truyền, chỉ đạo quyết liệt, bằng mọi biện pháp khẩn trương thu hoạch nhanh gọn lúa, hoa màu có thể thu hoạch được với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” đặc biệt ở các vùng có khả năng ngập úng để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra. Kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền, thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão chủ động tìm nơi tránh trú an toàn. Rà soát, kiểm tra phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu. Nếu phát hiện công trình không bảo đảm an toàn phải chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý, củng cố ngay. Đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, triệt để tiêu nước phòng mưa lớn gây ngập úng lúa và hoa màu. Kiểm tra các lồng, bè nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải ven sông để chủ động các biện pháp phòng tránh. Sẵn sàng di dời toàn bộ số lao động nuôi trồng thủy sản số ngư dân trên các phương tiện đánh bắt đã neo đậu trên địa bàn, người dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm vào nơi an toàn.

* Bộ đội Biên phòng tỉnh

Trước diễn biến phức tạp của bão số 7, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị tuyến biển phối hợp và các lực lượng, địa phương khẩn trương liên lạc, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, toàn tỉnh có tổng số 1.161 phương tiện/3.455 lao động làm ăn trên biển. Đến 15 giờ ngày 13/10, số phương tiện đã vào neo đậu tại các khu neo đậu trong tỉnh là 876 phương tiện/2.272 lao động; có 12 phương tiện/66 lao động ngoài tỉnh vào neo đậu tại các bến trong tỉnh; 23 phương tiện/184 lao động của tỉnh đã vào nơi neo đậu an toàn tại khu vực neo đậu các tỉnh, thành phố. Ngoài ra, 199 phương tiện/738 lao động của tỉnh đang còn hoạt động ven biển Thái Bình và 63 phương tiện/261 lao động của tỉnh đang hoạt động ở ngoài tỉnh. Tất cả số phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh tuần tra, kiểm soát kêu gọi tàu thuyền của ngư dân vào nơi tránh bão an toàn. Ảnh: Tất Đạt

Để chủ động phòng, chống bão số 7, các đơn vị biên phòng tuyến biển của tỉnh đã tích cực phối hợp với các lực lượng tổ chức hướng dẫn các chủ phương tiện đưa tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn, giúp nhân dân chằng chống tàu thuyền; đồng thời rà soát, kêu gọi người lao động tại các chòi canh ngoài biển vào bờ. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và các đơn vị trực thuộc thường trực lực lượng, phương tiện, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh.


Nhóm phóng viên