Chủ nhật, 12/01/2025, 07:58[GMT+7]

Các địa phương, đơn vị chủ động ứng phó với bão số 7

Thứ 4, 14/10/2020 | 10:08:35
11,149 lượt xem

Tàu thuyền của ngư dân Thái Thụy neo đậu về nơi an toàn.

* Thái Thụy

Để chủ động ứng phó với bão số 7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Thái Thụy đã triển khai ban hành 2 công điện khẩn chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống.

Trong đó, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 5 giờ sáng ngày14/10, giữ thông tin liên lạc, kêu gọi tàu, thuyền về nơi tránh, trú, hướng dẫn tàu, thuyền neo đậu an toàn, không để người ở lại tàu, thuyền. Tính đến 7 giờ sáng ngày 14/10, đã có 447/481 phương tiện tàu thuyền đã neo đậu vào nơi an toàn; 34 phương tiện đang hoạt động tại vùng ven biển Thái Bình và ở những vùng biển an toàn.

Các xã, thị trấn trong huyện đã thực hiện công tác di dời lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy, hải sản ngoài đê, số ngư dân trên các phương tiện đánh bắt đã neo đậu trên địa bàn, người dân sinh sống trong  khu vực nguy hiểm vào nơi tránh trú an toàn, thời gian hoàn thành trước 9 giờ sáng ngày 14/10. Đồng thời thực hiện  phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu, các công trình đang thi công; chủ động huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý ngay các tình huống, sự cố nếu thấy công trình không đảm bảo an toàn; chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, công sở; tiếp tục đôn đốc nhân tập trung huy động mọi lực lượng, phương tiện khẩn trương thu hoạch lúa và hoa màu đã có thể thu hoạch.

* Thành phố Thái Bình 

Trạm bơm Sa Lung tiêu thoát úng. 

Để chủ động ứng phó với mua lũ do hoàn lưu của bão số 7, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Thái Bình đã chỉ đạo các xã, phường, các phòng, đơn vị  thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình, diễn biến của mưa bão; tuyên truyền bằng nhiều hình thức với cấp độ cao qua hệ thống đài truyền thanh để người dân biết, phòng tránh. Chủ động đóng các cống tưới, mở các công tiêu, giải tỏa vật cản dòng chảy; khơi thông hệ thống tiêu thoát nước trong các khu dân cư, đô thị, hạn chế ngập úng xảy ra; tổ chức chằng chống, bảo vệ an toàn các công trình đang thi công. 

Đến ngày 13/10, thành phố Thái Bình đã thu hoạch hơn 1.300ha lúa mùa, chiếm 59% diện tích và gieo trồng 400ha cây màu vụ đông. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, thành phố tiếp tục chỉ đạo các địa phương huy động tối đa phương tiện, nhân lực thu hoạch diện tích lúa mùa đã chín. Đối với diện tích lúa đang giai đoạn chắc xanh, sau mưa nếu đổ ngã cần dựng lúa lên ngay và tháo cạn nước. Về rau màu, nhất là cây ngô, lạc, đậu tương, khoai lang, sau khi nước rút cần thực hiện các biện pháp vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón qua lá, chế phẩm vi lượng… giúp cây nhanh phục hồi.

* Hưng HàNông dân xã Thống Nhất (Hưng Hà) thu hoạch lúa mùa.  Ảnh: Mai Thư 

Trước diễn biến của biến của bão số 7, huyện Hưng Hà đã chỉ đạo các địa phương tranh tập trung phương tiện, nhân lực thu hoạch diện tích lúa mùa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Đến ngày 13/10, toàn huyện Hưng Hà đã cơ bản thu hoạch xong lúa mùa, đồng thời gieo trồng trên 3.000ha cây màu vụ đông. Huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động tiêu nước, giải tỏa ách tắc lòng sông, các trục tiêu bảo đảm việc tiêu úng và thoát nước. Tiến hành kiểm tra, rà soát, xây dựng kế hoạch vận hành các trạm bơm, cống tiêu, ưu tiên thoát nước cho vùng cây màu vụ đông, cây ăn quả đến thời kỳ chuẩn bị cho thu hoạch. Giao các HTX bảo đảm nguồn cung ứng giống cây trồng vụ đông để gieo trồng lại khi xảy ra mưa úng. Giao Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện phối hợp với các địa phương triển khai phương án tiêu nước, có kế hoạch đối phó với mưa lũ bất thường, không để ngập úng gây thiệt hại đến sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trên địa bàn.

* Tiền Hải 

Tàu thuyền của ngư dân huyện Tiền Hải neo đậu an toàn tại bến cá Cửa Lân. Ảnh: Mạnh Thắng 

Thực hiện công điện của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh về phòng chống cơn bão số 7, huyện Tiền Hải đã kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn, nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 5 giờ ngày 14/10. Huyện Tiền Hải có tổng số tàu thuyền là 595 phương tiện/1.301 lao động; khu vực chòi ngao, nuôi trồng thủy sản ven biển là 1.840 lao động. Để bảo đảm an toàn người và tài sản, Tiền Hải yêu cầu ngành liên quan thực hiện việc kiểm điếm, sắp xếp và hướng dẫn các tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, không để xảy ra va chạm vào âu tàu khi neo đậu. Các xã ven biển di dời số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy, hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm. Ngành, đơn vị, địa phương thực hiện phân công nhiệm vụ thường trực tại các chốt điểm, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu đê kè, cống… Duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 7 trên các phương tiện thông tin đại chúng, để triển khai nhiệm vụ trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

* Kiến Xương 

Lãnh đạo huyện Kiến Xương kiểm tra công tác thu hoạch lúa mùa ứng phó với bão số 7 ở xã Lê Lợi (Kiến Xương). Ảnh: Thu Thủy 

Ngày 14/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Kiến Xương đã có công điện khẩn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành thực hiện các biện pháp ứng phó với diễn biến của bão số 7.

Theo đó, nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 5h00’ngày 14/10, khẩn trương kêu gọi, kiểm đếm, sắp xếp và hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn không để xảy ra và chạm và chìm tàu trong bão. UBND các xã, thị trấn khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, rà soát, đôn đốc việc cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà yếu, kho tàng, trường học, bệnh viện và các lồng, bè, trang trại nuôi trồng, đánh bắt thủy sản ở ven sông; di dời số lao động nuôi trồng thủy sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm, các vùng bãi thấp ven sông, cửa sông, số ngư dân trên các phương tiện làm ăn trên sông, trên biển vào nơi an toàn; kiểm tra các nhà dân, nhà tập thể, bệnh xá, trường học xung yếu, kiên quyết di chuyển dân đến nơi an toàn, đóng các cửa khẩu, băng két qua đê cửa sông. Bằng mọi biện pháp khẩn trương thu hoạch nhanh gọn lúa, hoa màu có thể thu hoạch được với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” đặc biệt ở các vùng có khả năng bị ngập úng để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.

* Đông HưngTrạm bơm Hậu Thượng bơm tiêu nước phòng chống úng cho lúa và rau màu. Ảnh: Đỗ Hiền 

Sẵn sàng ứng phó với bão số 7 khi đổ bộ vào tỉnh, các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện Đông Hưng không chỉ thực hiện nghiêm các nội dung công điện của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, huyện mà còn khẩn trương chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhân lực sẵn sàng ứng phó nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Đến 10 giờ  ngày 14/10, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện đã vận hành các trạm bơm lớn để hạ mực nước ở các dòng sông xuống mức thấp nhất có thể, nhất là ở các vùng trọng điểm úng lụt để bảo vệ lúa mùa; phân công cán bộ, nhân viên trực 24/24 giờ tại các trạm bơm, cống đập. Tất cả 12 bến đò ngang trên địa bàn huyện đã dừng hoạt động. Công an huyện chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát việc neo đậu của các tầu thuyền, không để các phương tiện neo đậu gần cầu, cống, công trình thủy lợi, đê điều nhằm bảo đảm an toàn cho các công trình và phương tiện của người dân. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, cắt tỉa cây cối… Các hộ sinh sống ngoài đê, các hộ sống trong nhà yếu đã di dời và được hỗ trợ di dời đến nơi an toàn. Các địa phương huy động tối đa nhân lực, máy móc thu hoạch được gần 10.000ha lúa cho bà con nông dân. Các đài phát thanh và xe lưu động đẩy mạnh tuyên truyền về cơn bão số 7 để người dân biết chủ động phòng chống bão số 7.

* Vũ ThưMột số diện tích lúa chín không kịp thu hoạch trước bão, nông dân buộc dựng lên để tránh thối, hỏng lúa. Ảnh: Quỳnh Lưu 

Để ứng phó với các diễn biến bất thường cơn bão số 7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Vũ Thư đã khẩn trương chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với các diễn biến do bão số 7 gây ra.

Hiện nay, nông dân Vũ Thư đã thu hoạch được trên 7.300 ha trong tổng số 7.900 ha lúa mùa, diện tích còn lại là lúa xanh chưa đến kỳ thu hoạch. Diện tích cây vụ đông mới gieo trồng là 3.000 ha. Trên địa bàn huyện hiện có hơn 100 lồng cá trên sông và 1.500 ha ao đầm thủy sản. 

Do ảnh hưởng của bão số 7, trong ngày 14/10 trên địa bàn huyện Vũ Thư có mưa vừa liên tục, dự kiến do ảnh hưởng của cơn bão số 7,  những ngày tới, trên địa bàn huyện tiếp tục có mưa lớn, huyện chỉ đạo các địa phương trọng tâm công tác phòng chống úng để bảo vệ lúa và hoa màu. Đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, triệt để tiêu nước đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa, cây màu vụ đông; giải tỏa khơi thông dòng chảy các sông trục chính, kênh mương nội đồng đảm bảo công tác tiêu thoát nước. Huyện chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện phân công cán bộ kiểm tra máy móc ở 3 trạm bơm tiêu úng lớn của huyện để chủ động ứng trực, sẵn sàng vận hành các trạm bơm tiêu rút nước nội đồng khi cần. Các địa phương có vùng chăn nuôi thủy sản, ao đầm, nuôi cá lồng tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các hộ dân thực hiện các biện pháp che chắn, rào lưới quanh bờ ao, chằng néo lồng bè để bảo vệ thủy sản của gia đình. 

Cùng với sản xuất, huyện Vũ Thư có 12.169 hộ dân với 44.168 khẩu sinh sống ngoài đê chính và 1.232 hộ với 2.213 khẩu sống trong nhà yếu không đảm bảo chống bão. Huyện yêu cầu các địa phương chủ động phân công lực lượng và kế hoạch cụ thể để có phương án di dời các hộ dân khi cần thiết.

 * Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Từ sáng ngày 14/10, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã thành lập 3 đoàn công tác trực tiếp xuống các địa bàn ven biển hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải kiểm tra, đôn đốc công tác triển khai ứng phó với bão số 7. Các đồn, Hải đội 2 BĐBP tỉnh thường xuyên theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để thông báo tại hệ thống truyền thanh khu vực cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền của ngư dân. 

Tính đến 14 giờ ngày 14/10, tất cả các phương tiện đánh bắt thủy hải sản và lao động trên tàu thuyền, chòi canh ngoài đê đều đã vào nơi neo đậu tại các bến trong tỉnh và khu tránh trú, neo đậu ở địa bàn tỉnh khác. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện trước diễn biến phức tạp của bão số 7, các đơn vị BĐBP tỉnh trên địa bàn hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải phối hợp chặt chẽ với địa phương và các lực lượng liên quan triển khai tổ tuần tra, kiểm soát trực tại các cửa sông để vận động, tuyên truyền và thực hiện các biện pháp ngăn chặn tàu thuyền ra khơi trước và trong thời gian bão đổ bộ vào đất liền. 

Hiện các đơn vị trực thuộc BĐBP tỉnh đã duy trì quân số, phương tiện trực theo quy định để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Tuần tra kiểm soát trên sông. 

Bộ CHQS tỉnh

Bộ CHQS tỉnh đã duy trì trực 100% quân số từ cơ quan đến các đơn vị cơ sở; đồng thời, triển khai các đoàn đi kiểm tra các đơn vị. Cùng với đó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo các đơn vị rà soát toàn bộ lực lượng, phương tiện, vật chất trang thiết bị để sẵn sàng cơ động phòng, chống bão số 7 khi có yêu cầu. 

Theo đó, Bộ CHQS tỉnh sẽ huy động gần 600 cán bộ thường trực, hơn 32.000 chiến sĩ dự bị động viên, dân quân, tự vệ; chuẩn bị đầy đủ phương tiện với hàng chục ô tô các loại, xuồng máy, tàu sông và hàng trăm phương tiện kỹ thuật bảo đảm khác, sẵn sàng cơ động phục vụ công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu. Ngoài ra Bộ CHQS tỉnh còn điều động các loại phương tiện xuồng, tàu của các đơn vị cơ sở để sẵn sàng tham gia phòng, chống bão số 7.

*Công an tỉnh

Công an tỉnh yêu cầu công an các đơn vị, địa phương quán triệt phương châm “4 tại chỗ”, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai ứng phó với bão số 7 khi có yêu cầu. Các đơn vị theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về bão số 7 trên các phương tiện thông tin đại chúng, triển khai các biện pháp phòng, chống bão; chủ động chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc bảo đảm an toàn cho các cơ sở nhà tạm giam, tạm giữ... Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về bảo đảm an toàn cho nhân dân và công tác triển khai ứng phó trong lực lượng Công an nhân dân, đặc biệt tập trung bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các lực lượng, cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ ứng phó, tác nghiệp nghiệp vụ và ứng giúp nhân dân trong thiên tai. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị trực thuộc Công an tỉnh phối hợp với công an các huyện, thành phố có phương án bố trí lực lượng, phương tiện tại các bến đò ngang, khu vực nguy hiểm gần các cống qua đê biển, đê cửa sông, khu vực ven sông có dòng chảy xiết để hướng dẫn, cảnh báo, bảo đảm an toàn cho người dân. Công an các huyện, thành phố chỉ đạo công an xã, phường, thị trấn bám sát địa bàn được phân công, hỗ trợ các lực lượng để thực hiện việc di dời dân khi có yêu cầu, bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở.

Nhóm phóng viên 


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày