Thứ 7, 25/01/2025, 04:22[GMT+7]

Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ sản xuất nông nghiệp

Thứ 5, 15/10/2020 | 18:27:43
10,699 lượt xem
Đó là chỉ đạo của đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại buổi kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Tiền Hải, Thái Thụy vào chiều ngày 15/10.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, chỉ đạo việc khắc phục hậu quả của hoàn lưu bão số 7, áp thấp nhiệt đới và mưa lũ tại huyện Tiền Hải.

Audio: 1610_tieu_thoat_ok.mp3

Cùng đi có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực phụ trách, điều hành hoạt động UBND tỉnh; Phạm Văn Tuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đến ngày 15/10, toàn tỉnh mới thu hoạch được 52.118ha lúa mùa, bằng 66,9% diện tích gieo cấy; diện tích cây vụ đông đã trồng đạt 18.440ha, đạt 49,97% kế hoạch. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7 gây mưa to đến rất to, toàn tỉnh có khoảng 3.000ha lúa mùa bị gãy, đổ, có nguy cơ giảm năng suất. Riêng huyện Tiền Hải, đến ngày 15/10 mới thu hoạch được 2.000ha lúa mùa trong tổng số 10.000ha, trên 1.700ha lúa bị gãy đổ. Huyện Thái Thụy đã thu hoạch được 8.600ha lúa mùa. Mưa lớn không chỉ làm gãy đổ khoảng 750ha lúa chưa thu hoạch của huyện Thái Thụy mà còn ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển của gần 2.000ha cây vụ đông mới gieo trồng.

Qua kiểm tra tại các xã: Tây Lương, Đông Hoàng (Tiền Hải); Thái Hưng, Hồng Thủy, cống Trà Linh (Thái Thụy), đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể tỉnh, các huyện, thành phố và người đứng đầu các địa phương, đơn vị tuyên truyền, thông tin kịp thời về diễn biến, ảnh hưởng của mưa lớn tới năng suất, sản lượng lúa chưa thu hoạch và cây màu vụ đông; khẩn trương huy động cả hệ thống chính trị, nhân lực, máy móc, phương tiện để tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống ngập úng. Ngành Nông nghiệp tập trung giải tỏa ách tắc lòng sông, các trục tiêu để bảo đảm tốt việc tiêu úng; chủ động vận hành các trạm bơm tiêu, cống tiêu khi xảy ra ngập úng; chuẩn bị sẵn sàng hệ thống máy bơm điện, máy bơm dầu… để bảo vệ diện tích lúa và hoa màu. Ưu tiên thoát nước nhanh cho những diện tích có nguy cơ ngập nặng. Khi thời tiết tạnh ráo, khẩn trương huy động nhân lực, máy móc, phương tiện thu hoạch diện tích lúa mùa đã chín theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; đối với diện tích lúa đang giai đoạn chắc xanh, nếu bị đổ ngã cần hướng dẫn nông dân buộc dựng tránh hạt lúa nảy mầm trên bông, tháo cạn nước mặt ruộng để thuận lợi cho việc thu hoạch lúa; chuẩn bị tốt các điều kiện để kịp thời gieo trồng cây vụ đông khi thời tiết thuận lợi. Ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương thống kê đầy đủ, chính xác, đánh giá đúng diện tích bị thiệt hại năng suất nếu có để có cơ chế hỗ trợ phù hợp; phân công cán bộ kỹ thuật tăng cường cho các huyện, thành phố hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây vụ đông sau mưa bão để nông dân thực hiện hiệu quả, an toàn.

Một số diện tích lúa tại xã Tây Lương (Tiền Hải) bị đổ do mưa, gió gây ra.

Lưu Ngần – Phạm Hưng