Thứ 6, 22/11/2024, 02:23[GMT+7]

Túi không dệt, dệt nên ước mơ làm giàu

Thứ 6, 16/10/2020 | 09:06:22
5,062 lượt xem
Lựa chọn liên kết may túi không dệt xuất khẩu, chị Vũ Thị Hải Yến, sinh năm 1988, thôn Tô Trang, xã An Mỹ (Quỳnh Phụ) đã có thu nhập khá cao, từng bước làm giàu và tạo việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương.

Cơ sở may túi không dệt của chị Vũ Thị Hải Yến (ngoài cùng bên phải) cho thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động.

Chị Yến cho biết: Gia đình tôi là gia đình thuần nông, 2 con còn nhỏ. Nếu chỉ dựa vào nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp thì không thể đủ phục vụ cho nhu cầu chi tiêu hàng ngày. Tìm hiểu trên phương tiện thông tin đại chúng và qua giới thiệu của bạn bè, tôi biết tới túi không dệt. Đây là loại túi được làm từ hạt nhựa PP (polypropylene), sử dụng công nghệ ép nhiệt và kiểm soát không chứa các chất độc hại cho sức khỏe người sử dụng. Túi có khả năng chống thấm, giặt được và sử dụng nhiều lần, đặc biệt là phân hủy nhanh hơn so với túi nilon. Túi không dệt ngày càng được thị trường ưa dùng, phát triển mạnh ở nước ngoài. Nhận thấy lợi ích và tiềm năng của loại túi này, năm 2016, với số vốn của gia đình và vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện được 30 triệu đồng, tôi đã đầu tư 50m2 nhà xưởng và 6 máy may công nghiệp để mở xưởng may gia công túi không dệt xuất khẩu cho một công ty ở Hải Dương.

Sau 1 năm hoạt động, gia đình chị Yến đã mạnh dạn vay thêm vốn của ngân hàng 100 triệu đồng để đầu tư thêm máy móc và thuê nhân công tham gia sản xuất. Đến nay, cơ sở may túi không dệt của chị Yến đã có 15 máy, cho thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho 15 lao động có việc làm thường xuyên với thu nhập từ 3 triệu đồng/người/tháng trở lên.

Chị Yến cho biết, không phải lúc nào công việc cũng thuận lợi. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên gia đình tôi mất 5 tháng phải tạm dừng sản xuất bởi không xuất khẩu được túi. Tôi đã tìm các mối hàng khác để công nhân có việc làm như may khẩu trang, may các loại túi khác. Tôi cũng ấp ủ sẽ mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho bà con. Bà Nguyễn Thị Hương, thôn Tô Đê (xã An Mỹ) cho biết: Tôi đã 59 tuổi, không thể xin việc ở các công ty khác nên vào làm tại cơ sở may túi của chị Yến được 3 năm rồi. Chân tay chậm chạp, mắt kém như tôi mà tháng cũng được đôi, ba triệu, nhiều chị làm được 8 - 9 triệu đồng/tháng. Làm ở đây, chị Yến tạo điều kiện để chúng tôi chăm lo nhà cửa, ruộng vườn.

Chị Trần Thị Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Mỹ (Quỳnh Phụ) cho biết: Chị Yến là hội viên trẻ, nòng cốt của Chi hội thôn Tô Trang. Chị tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của Hội, tham gia xây dựng quỹ tiết kiệm theo gương Bác cùng với Chi hội để giúp hội viên phát triển sản xuất; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, chị Yến có nhiều năm liền tặng quà cho các cháu thiếu niên, nhi đồng từ 1 - 1,5 triệu đồng vào dịp tết Trung thu. Nhiều hoạt động của Hội chúng tôi cũng được triển khai ngay tại cơ sở may túi của chị Yến.

Nhanh nhạy với thời cuộc, chị Vũ Thị Hải Yến đang dệt nên ước mơ làm giàu từ túi không dệt. Chị vừa được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh khen thưởng vì có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020.

Xuân Phương