Thứ 4, 15/01/2025, 12:00[GMT+7]

Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non

Thứ 2, 19/10/2020 | 09:39:17
12,262 lượt xem
Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ. Những năm qua, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, góp phần để trẻ phát triển toàn diện.

Cô và trò Trường Mầm non Tân Phong (Vũ Thư) trải nghiệm tại vườn rau của bé.

Toàn tỉnh hiện có 299 trường mầm non, trong đó có 286 trường công lập và 13 trường tư thục. Có 40 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục có giấy phép hoạt động. Bậc học mầm non đã được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên từng bước được chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành học. Số trẻ đến trường đạt tỷ lệ cao, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ có nhiều chuyển biến tích cực. 

Bà Trần Thị Huyền, Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hai trong số những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non đó chính là cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo. Trong những năm qua, toàn bậc học đã nhận được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, ngành Giáo dục cũng như chính quyền địa phương trong việc huy động kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Hiện nay, toàn tỉnh có 3.556 phòng kiên cố (97,3%), 95 phòng học bán kiên cố (2,6%) và chỉ còn 3 phòng học tạm. Bước vào năm học 2020 - 2021, có 143 phòng học xây mới đạt chuẩn được đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, hầu hết các điểm trường có nhà bếp đúng quy cách, hợp vệ sinh; 100% trường mầm non có công trình nước sạch, 98,6% điểm trường có sân chơi ngoài trời...

Để phát triển và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, trong năm học vừa qua, toàn tỉnh đã tổ chức 37 lớp tập huấn cấp huyện, thành phố cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về chuyên môn, chuyên đề, ứng dụng công nghệ thông tin... Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Bình là đơn vị có nhiều giải pháp sáng tạo trong công tác bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ nâng cao đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp; nâng cao năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. 

Ông Vũ Giang Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Bình cho biết: Năm học vừa qua, ngành Giáo dục thành phố đã tổ chức điểm cấp tỉnh hội thi “Nét đẹp người giáo viên mầm non”. Bằng hình thức sáng tạo, hội thi đã chuyển tải nội dung quy định về đạo đức nhà giáo, qua đó bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức, kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ cốt cán.

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên như những năm học trước, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực phối hợp với sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh, huyện tuyển dụng bổ sung giáo viên mầm non trong các trường công lập. Đến nay, các cơ quan chức năng đang làm quy trình chuyển 3.491 giáo viên hợp đồng tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ trước tháng 12/2015 thành viên chức và tuyển hợp đồng bổ sung số giáo viên còn thiếu.

Cùng với tăng cường cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, các trường mầm non đặc biệt chú trọng  công tác nuôi ăn bán trú. Thực hiện nghiêm việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tại các cơ sở giáo dục mầm non, các nhà trường đã hợp đồng thực phẩm với những nơi tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng, đồng thời có sự tham gia giám sát của nhân viên y tế, lãnh đạo địa phương. Đặc biệt, ngành Giáo dục cũng khuyến khích các nhà trường có khuôn viên rộng phát triển mô hình VAC vừa là môi trường cho trẻ hoạt động trải nghiệm vừa cung cấp thực phẩm sạch cho trẻ. 

Cô giáo Phan Thị Tố Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Phong (Vũ Thư) chia sẻ: Tận dụng diện tích đất sau khi quy hoạch, xây dựng trường, nhà trường đã tổ chức cho toàn thể cán bộ, giáo viên phối hợp với cha mẹ học sinh cải tạo đất, trồng rau cho bé. Các loại rau được trồng theo mùa và gối vụ liên tục, vì vậy, hàng tuần 100% trẻ được ăn rau sạch. Nhà trường ký hợp đồng cung cấp thực phẩm có địa chỉ, nguồn gốc rõ ràng và bảo đảm thực phẩm sạch. Hàng năm, nhà trường phối hợp với Trạm Y tế xã Tân Phong tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trẻ 2 lần/năm học, qua đó, phát hiện trẻ bị suy dinh dưỡng, béo phì để kịp thời trao đổi với phụ huynh, từ đó có biện pháp chăm sóc phù hợp. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên chỉ đạo cán bộ, giáo viên thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi, rèn nền nếp, thói quen vệ sinh, ăn, ngủ cho trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện.

Để thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, thời gian tới, ngành học mầm non tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng, bảo đảm đủ điều kiện cho việc dạy và học. Đồng thời, tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục; phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, góp phần tạo sự phát triển vững chắc của bậc học mầm non.

Đặng Anh