Thứ 6, 10/01/2025, 16:09[GMT+7]

Ông Hòe “vác tù và hàng tổng”

Thứ 2, 19/10/2020 | 10:09:34
11,409 lượt xem
Ông Hòe “cống Rút”, ông Hòe “tự quản”, ông Hòe “vác tù và hàng tổng”... là những cái tên trìu mến người dân xã Hùng Dũng (Hưng Hà) dành cho cựu chiến binh Nguyễn Đình Hòe, tổ trưởng tổ tự quản an toàn giao thông khu vực cống Rút.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Hòe gặp lại ân nhân là y sĩ Huỳnh Tuyết Lan, người đã cho máu để cứu sống ông.

Nhưng ít ai biết được, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cựu chiến binh Nguyễn Đình Hòe là một chiến sĩ lái xe thuộc Cục Hậu cần miền B2 từng được một nữ quân y cứu sống bằng chính giọt máu của chị.

“Anh Hòe bị 2 - 3 vết thương một lúc, một vết thương vào má bên trái và vết thương vào cẳng chân là nặng nhất. Khi đồng đội đưa anh về trạm quân y dã chiến anh Hòe bị mất quá nhiều máu, chậm tiếp máu là anh Hòe sẽ hy sinh. Lúc ấy tôi phải dùng thân mình đỡ cho anh Hòe nằm nghiêng rồi nhẹ nhàng dùng panh gắp mảnh đạn pháo còn găm trên má, vô trùng và thực hiện 9 mũi khâu vết thương. Anh Hòe lúc tỉnh, lúc mê sảng. Lúc ấy trạm quân y dã chiến trong rừng thiếu thốn nhiều thứ, cần nhất là máu để tiếp cho thương binh, tôi giục đồng nghiệp lấy máu của tôi tiếp ngay cho anh Hòe. Anh Hòe đã được cứu sống vào đêm ngày 20/11/1973 tại Trạm Quân y tiền phương K20 ở thung lũng Pu Pơ Răng thuộc tỉnh Quảng Đức, nay là tỉnh Đắk Nông” - y sĩ Tuyết Lan chia sẻ.

Tôi đã chứng kiến cựu chiến binh Nguyễn Đình Hòe gặp lại ân nhân đã cứu mạng là nữ cựu chiến binh quân y Huỳnh Tuyết Lan tại Sở chỉ huy Trung đoàn vận tải cơ giới 657, Cục Hậu cần Quân khu 7. Cả hai người đều xúc động ôn lại những tháng năm chiến đấu và phục vụ chiến đấu đầy gian khổ hy sinh tại chiến trường các tỉnh Nam Tây Nguyên những năm 1970 của thế kỷ trước.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Hòe sinh năm 1949, xã An Châu, huyện Đông Hưng, tháng 7/1970 nhập ngũ và trở thành chiến sĩ lái xe Đoàn 770 Cục Hậu cần miền B2. Tháng 10/1970, Nguyễn Đình Hòe vào chiến trường miền Nam chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong đơn vị vận tải Cục Hậu cần miền B2; tháng 3/1973 tham gia phục vụ vận chuyển vật tư, trang bị khí tài xây dựng khu căn cứ hậu cần miền B2 tại khu vực Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước để tiếp nhận quân và trang thiết bị hậu cần được chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Đêm ngày 19/11/1973, Nguyễn Đình Hòe cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ lái xe chở đạn pháo phục vụ đơn vị trong trận đánh thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Quảng Đức, nay là tỉnh Đắk Nông. Xe do ông lái bị địch phục kích bắn cháy, ông bị thương. “Tôi đã sống cho đến ngày hôm nay và trở lại Sài Gòn, trở lại chiến trường xưa tri ân đồng đội là nhờ những giọt máu hồng của Tuyết Lan. Tôi biết ơn Tuyết Lan và những thầy thuốc ở Trạm Quân y tiền phương K20 Pu Pơ Răng” - cựu chiến binh Nguyễn Đình Hòe chia sẻ.

Sau giải phóng, tháng 8/1977, ông Hòe được phục viên về công tác tại Văn phòng UBND huyện Đông Hưng, cho đến cuối năm 1989 thì về nghỉ mất sức tại xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà. Nói về công việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ông Hòe cho biết: Khu vực cống Rút nằm trên đường ĐH60 là điểm giao của 6 xã trong huyện. Gần khu vực cống Rút là ngôi trường THPT thường xuyên có gần 3.000 học sinh và thầy cô giáo tham gia giao thông mỗi ngày, nơi đây luôn là điểm nóng về giao thông và an ninh trật tự. Hàng ngày chứng kiến tai nạn giao thông xảy ra, rồi tình trạng con em mình bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, người dân bức xúc trong nhiều năm nhưng chưa tìm được giải pháp giải tỏa tai nạn, ách tắc giao thông; lực lượng chức năng thì mỏng, khi có vụ việc gì xảy ra họ cũng không thể có mặt ngay để giải quyết, vì vậy cựu chiến binh Nguyễn Đình Hòe đã mạnh dạn tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền xã đứng ra thành lập đội tự quản bảo vệ an ninh trật tự.

Ảnh tư liệu.

Từ ngày có tổ tự quản an toàn giao thông năm 1998, cựu chiến binh Nguyễn Đình Hòe cùng các thành viên là hội viên cựu chiến binh xã Hùng Dũng đã tự trích lương hưu, trợ cấp thương tật tự mua sắm trang bị còi, băng an ninh trật tự và đều đặn mỗi ngày chẳng quản nắng, mưa thay nhau duy trì hướng dẫn người tham gia giao thông khu vực cống Rút. Nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của các em học sinh, ông Hòe đề xuất Ban An toàn giao thông tỉnh dựng bản tin giao thông ở các trường THPT trong tỉnh. Bản tin đưa hình ảnh về những vụ tai nạn giao thông, có cảnh báo và phân tích nguyên nhân, đồng thời phổ biến Luật Giao thông đường bộ. Ngoài ra, ông liên hệ với Công an tỉnh và nhà trường tổ chức giờ học ngoại khóa mời các chiến sĩ cảnh sát giao thông về nói chuyện chuyên đề cho các thầy cô giáo và các em học sinh. Bằng kinh nghiệm, nhiều vụ chỉ va quệt nhẹ dẫn đến xô xát giữa các bên nhưng được ông Hòe và các thành viên tổ an toàn giao thông hòa giải, khuyên ngăn họ đều nghe, do vậy trật tự an toàn giao thông khu vực cống Rút từ một điểm nóng nay trở lại bình yên. Với những vụ tai nạn nghiêm trọng, ông Hòe và các thành viên trong đội tiến hành sơ cứu nạn nhân ban đầu trước khi đưa đến bệnh viện.

12 năm làm công tác tự quản, ông Hòe có một cuốn sổ thống kê về các vụ tai nạn trong đó ghi lại toàn bộ ngày giờ, nguyên nhân, diễn biến, tên tuổi những người liên quan. Đó là căn cứ để lực lượng chức năng giải quyết vụ việc. Ở tuổi 72, với gần 10 năm trong quân ngũ, chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại chiến trường Nam Trung Bộ ác liệt, cựu chiến binh Nguyễn Đình Hòe được ghi nhận với ba tấm bằng dũng sĩ diệt Mỹ. Trở về cuộc sống đời thường, ông được trao tặng 40 bằng khen và giấy khen về công tác tự quản an toàn giao thông, trong đó có 6 bằng khen của Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch, 7 bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình.

Nguyễn Công Liêm

(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa