Thứ 5, 26/12/2024, 22:17[GMT+7]

Long Quang chốt thép, Triệu Trạch anh hùng

Thứ 4, 21/10/2020 | 09:23:49
8,410 lượt xem
Trước thời điểm diễn ra Đại hội Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ 2015 - 2020 có dịp trở lại chiến trường xưa tri ân những đồng đội nằm lại trên mảnh đất thép Triệu Trạch anh hùng. Họ hướng về Quảng Trị như những người con xa quê lâu ngày mới có dịp trở lại, như là có hẹn với người bạn cũ, trong lòng vọng vang ký ức về một thời hoa lửa...

Di tích lịch sử quốc gia chốt thép Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Tên đất, tên làng ghi đậm chiến công

Trong ký ức cựu chiến binh Đỗ Trọng Khoa, Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình, vùng đất thiêng Triệu Trạch, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) của gần 50 năm trước là một trong những chiến trường ác liệt mà đỉnh cao là sau khi giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972. Thời gian này, đối phương sử dụng 132 phi vụ máy bay B52, hàng nghìn lượt máy bay bổ nhào và tọa độ, hàng vạn quả pháo mặt đất và pháo hạm. Trước sự điên cuồng của kẻ thù, quân và dân xã Triệu Trạch cùng các lực lượng chủ lực của quân đội ta đã kiên cường bám trụ, giành giật từng tấc đất, ngôi nhà. Nhiều tên đất, tên làng ghi đậm chiến công. Gần 5 thập kỷ trôi qua, những hố bom, những trận địa ngày nào giờ đã được phủ màu xanh bạt ngàn cây trái và những đồng lúa tốt tươi. 

Cựu chiến binh Đỗ Trọng Khoa bồi hồi: Nhìn sự hồi sinh nơi mảnh đất đã chịu nhiều đau thương, mất mát, chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng, thầm cảm phục nỗ lực vượt khó vươn lên của người dân nơi đây. Nhưng chúng tôi vẫn không thể nào quên những đồng đội đã ngã xuống và mãi mãi nằm lại nơi này. Điều đó càng thôi thúc chúng tôi trở lại và thêm gắn bó với miền quê này.

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Triệu Trạch giai đoạn 1930 - 2010, chốt Long Quang thuộc xã Triệu Trạch là một mắt xích quan trọng nằm ở vị trí tiền tiêu bảo vệ vòng ngoài phía Đông Thành cổ Quảng Trị. Ngày 20/10/1972, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bắt đầu chiến dịch phản công tại chốt Long Quang với mật danh “Sóng Thần 36”. Địch huy động 1 tiểu đoàn bộ binh với một chi đoàn xe tăng ồ ạt tấn công chốt Long Quang. Trên mảnh đất chưa đầy một cây số vuông, sau những đợt tàn phá dữ dội, làng mạc tiêu điều, đồng ruộng xơ xác nhưng vẫn không thể uy hiếp được tinh thần đấu tranh bất khuất, anh dũng của cán bộ, du kích xã Triệu Trạch và bộ đội chủ lực của ta. Từng cán bộ, chiến sĩ hạ quyết tâm tận lực, kiên quyết tấn công, hợp đồng chiến đấu, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của địch. Chốt Long Quang chính là dấu tích lịch sử của một thời chiến tranh ác liệt, là biểu tượng anh hùng của nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Nhắc đến chốt Long Quang là nhớ đến vùng quê giàu truyền thống cách mạng Triệu Trạch. Tháng 12/1986, “Chốt thép Long Quang” vinh dự được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Đến năm 2005, Tượng đài “Chốt thép Long Quang” được xây dựng. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ và là nơi tri ân đồng đội của các cựu chiến binh trên khắp mọi miền Tổ quốc mỗi dịp về thăm Thành cổ Quảng Trị.

Ghi nhận những thành tích nổi bật trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, năm 1976, xã Triệu Trạch vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Triệu Trạch bừng sáng hôm nay

Người Triệu Trạch không chỉ gan dạ trong chiến đấu mà còn trọng tình, trọng nghĩa mỗi khi có khách đến thăm. Họ đón đoàn công tác của Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình như những người con xa quê lâu ngày hồi hương. 

Đồng chí Lê Đình Liêm, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Trạch chia sẻ: Cấp ủy, chính quyền địa phương rất vui khi được các cựu chiến binh Thành cổ tỉnh Thái Bình vào thăm và có nhã ý mời chúng tôi tham dự Đại hội lần thứ II của Hội. Những người con Triệu Trạch luôn khắc ghi đóng góp lớn lao của các thế hệ cựu chiến binh, anh hùng liệt sĩ đã xả thân cùng quân và dân địa phương trong những năm tháng kháng chiến để Triệu Trạch có được ngày hôm nay. Hòa bình, các đồng chí lại hướng về nơi đây với tấm lòng của người lính trận, đóng góp công sức, vật chất giúp địa phương thực hiện hiệu quả công tác hậu phương quân đội và chính sách an sinh xã hội... Tình cảm đó thật đáng trân trọng và tự hào.

Để minh chứng cho điều mình nói, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Trạch Lê Đình Liêm thông tin thêm: Thông qua Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình, cá nhân cựu chiến binh Nguyễn Quang Tiệp, huyện Quỳnh Phụ đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng để xã Triệu Trạch nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ địa phương cũng như xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những đóng góp đó đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân...

Điều vui mừng nhất đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Triệu Trạch là việc xã Triệu Trạch là một trong những xã được tỉnh Quảng Trị và huyện Triệu Phong chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới. Với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân, năm 2015 Triệu Trạch đã về đích nông thôn mới, cũng là một trong những xã dẫn đầu tỉnh về chương trình này. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã bình quân giai đoạn 2015 - 2020 đạt 14,7%/năm, vượt chỉ tiêu Đại hội đề ra; thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 51 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 3,2%, không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách. Triệu Trạch giờ đã đổi thay, nỗi đau do chiến tranh gây ra đã được xoa dịu bằng sự tươi tắn của làng quê, kinh tế phát triển. Không dừng lại ở đó, với sự đoàn kết, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận cao của nhân dân, Triệu Trạch tiếp tục củng cố các tiêu chí, phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.

Trên cung đường về thăm lại chiến trường xưa, không chỉ cựu chiến binh Đỗ Trọng Khoa mà tất cả các thành viên trong đoàn đều cảm nhận được bước chuyển mình ngoạn mục của vùng đất ven biển Triệu Trạch - mảnh đất đang ấp ôm trong mình những người con ưu tú đã hiến dâng tuổi xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Máu xương của họ đã hòa vào lòng đất mẹ để Triệu Trạch được hồi sinh, bừng sáng.

Thiên Ân