Thứ 3, 30/07/2024, 05:21[GMT+7]

Nỗ lực xóa ruộng hoang

Thứ 2, 26/10/2020 | 09:28:23
1,354 lượt xem
Là xã thuần nông nhưng Đông Sơn lại có nhiều diện tích ruộng bỏ hoang nhất huyện Đông Hưng. Trước thực tế đó, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện nên một số cá nhân đã mạnh dạn gom ruộng hoang sản xuất lúa hàng hóa, bước đầu mang lại hiệu quả cao.

Vụ này được mùa, với 24 mẫu ruộng tích tụ, anh Nguyễn Văn Quang, thôn Bắc, xã Đông Sơn (Đông Hưng) có thể thu lãi gần 100 triệu đồng.

Ít ai có thể ngờ được rằng cánh đồng lúa trĩu bông rộng 6ha hứa hẹn một vụ mùa bội thu ở thôn Đông, xã Đông Sơn trước kia vốn là diện tích bỏ hoang cỏ dại mọc um tùm. Đó chính là thành quả dành cho anh nông dân dám nghĩ, dám làm Mai Đình Thắng, thôn Đông, xã Đông Sơn. Vì tiếc “bờ xôi ruộng mật” bị bỏ hoang, với bản tính cần cù, chịu khó, anh Thắng đã đề xuất với chính quyền xã cho gom lại những mảnh ruộng bỏ hoang, vận động một số hộ gần đó đổi sang khu đồng khác để quy thành vùng, cải tạo, cấy lúa hàng hóa. Anh còn đầu tư trên 1 tỷ đồng thuê máy đào đất đắp bờ vùng, bờ thửa và mua máy móc về phục vụ sản xuất. 

Anh Thắng cho biết: Tôi tích tụ ruộng cấy lúa BC15 đến nay đã được 2 vụ. Lúc đầu cải tạo đất rất vất vả, song tôi luôn nhận được sự giúp đỡ, hướng dẫn, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, HTX DVNN xã, được giảm thuế, giảm phí dịch vụ nông nghiệp nên tôi yên tâm đầu tư vào sản xuất. Vụ đầu tôi thu được trên 200 triệu đồng còn vụ này lúa năng suất, thu được khoảng trên 250 triệu đồng.

Cũng như anh Thắng, anh Nguyễn Văn Quang, thôn Bắc, xã Đông Sơn đã mạnh dạn tích tụ được 24 mẫu ruộng bỏ hoang để cấy lúa BC15 và cấy khảo nghiệm giống Hạt vàng 36 cho doanh nghiệp. Đây đều là những diện tích nằm xa khu dân cư, xấu, trũng, cấy lúa kém hiệu quả của các hộ. 

Theo anh Quang, để tập trung được diện tích rộng như hiện nay anh phải phối hợp với HTX DVNN xã vận động từng hộ dân có ruộng cho mượn và dồn đổi thành một vùng rộng lớn thuận tiện cho canh tác. Bởi nhiều hộ dù không có nhu cầu sản xuất nhưng lại có tư tưởng giữ ruộng, không muốn cho thuê, cho mượn khiến ruộng bị xôi đỗ. Sau một thời gian kiên trì vận động, vụ thứ nhất anh thuê được 8 mẫu và hiện là 24 mẫu. Đến nay, anh đã cấy được 3 vụ, vụ thứ nhất và thứ hai anh thu lãi 70 - 80 triệu đồng/vụ, còn vụ này anh dự kiến thu lãi gần 100 triệu đồng. 

Anh Quang cho biết: Nhiều người chán ruộng nhưng tôi vẫn muốn mượn thêm để mở rộng diện tích lên 40ha để yên tâm đầu tư làm hệ thống mương máng và đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giảm chi phí, nhân công, tăng năng suất. Việc liên kết với các công ty để sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị cũng sẽ dễ dàng, hiệu quả hơn.

Xã Đông Sơn có 417ha đất nông nghiệp. Trước đây, chi phí sản xuất quá cao, sâu bệnh, chuột phá hoại, ruộng úng trũng lại thiếu lao động nên thu nhập từ cấy lúa thấp. Vì vậy, một số hộ dân không thiết tha làm ruộng, bỏ ruộng đi làm công nhân hoặc làm công việc khác. Để xóa ruộng hoang, không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, cấp ủy, chính quyền xã còn tạo mọi điều kiện trong thẩm quyền, theo luật định để những hộ có nguyện vọng mượn đất, thuê đất đầu tư cải tạo sản xuất nông nghiệp, vận động bà con dồn đổi, quy vùng để các hộ canh tác được thuận lợi hơn. 

Anh Nguyễn Văn Quý, Giám đốc HTX DVNN xã Đông Sơn cho biết: Các thành viên trong Hội đồng quản trị HTX gặp gỡ từng hộ có ruộng xen trong khu ruộng bỏ hoang vận động họ chuyển sang vùng khác để dành quỹ đất cho những người tích tụ có ruộng liền vùng, liền thửa dễ dàng đưa máy móc vào phục vụ sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, HTX thường xuyên đào đắp bờ vùng, bờ thửa, khơi thông kênh mương dẫn nước tưới, tiêu vào các vùng tích tụ; thành lập các tổ diệt chuột kết hợp đánh bằng bả sinh học với đánh bắt truyền thống nhằm bảo vệ mùa màng. Phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; tìm, giới thiệu, chắp nối các hộ tích tụ với các công ty tiêu thụ nông sản lớn như Công ty TNHH Hưng Cúc, Công ty Thuận Khang… để giúp họ đầu ra sau thu hoạch. Đặc biệt, tham gia tích tụ ruộng đất, các hộ còn được HTX hỗ trợ về thủy lợi phí, giảm mức thu phí dịch vụ bình quân chung từ 10 kg/sào/vụ giảm xuống còn 5 -7 kg/sào/vụ tùy từng vùng. HTX cũng yêu cầu các hộ mượn đất, thuê đất trong quá trình sản xuất không được phá vỡ mặt bằng, chỉ cấy lúa và phải có hợp đồng với các hộ có ruộng. Với sự vào cuộc quyết liệt, nhiều cách làm sáng tạo, nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của các hộ nông dân, đến nay xã Đông Sơn đã giảm ruộng không cấy từ trên 80ha xuống còn khoảng 12ha. Vụ tới đã có thêm 4 cá nhân và 1 đơn vị thuê, nhận ruộng hoang để cải tạo cấy lúa. Như vậy, dự kiến hết năm 2021 trên địa bàn xã Đông Sơn không còn diện tích ruộng bỏ hoang.

Giải pháp xóa ruộng hoang của xã Đông Sơn không chỉ phủ kín diện tích đất sản xuất nông nghiệp mà đã hình thành được những mô hình sản xuất hàng hóa, tập trung mang lại hiệu quả cao gấp nhiều lần so với sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của bà con trước đây, giúp người dân gắn bó hơn với đồng ruộng. Cách làm này cần được triển khai nhân rộng.

Đỗ Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày