Chủ nhật, 24/11/2024, 15:22[GMT+7]

Góp ý vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Thứ 3, 27/10/2020 | 08:26:02
1,584 lượt xem

Đồng chí Trần Tuấn Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Bình Định, huyện Kiến Xương

Qua nghiên cứu dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tôi thấy dự thảo các Văn kiện được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chuẩn bị công phu, bố cục khoa học, chặt chẽ, mang tầm chiến lược, phản ánh đúng thực tiễn sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển toàn diện đất nước. Tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung dự thảo các Văn kiện, đánh giá tổng quát 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, nhất trí với đánh giá chung về 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Các quan điểm về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong thời gian tới đã được thể hiện rất rõ ràng. Tôi đề xuất lựa chọn mục tiêu phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 theo phương án 2 “Đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 là nước công nghiệp hiện đại có thu nhập cao”. Tôi rất tin tưởng và kỳ vọng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ đưa ra được chiến lược phát triển đất nước nhanh, bền vững hơn, từ đó nâng cao đời sống nhân dân, có văn hóa - xã hội phát triển, đồng thời giữ gìn được các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, bảo đảm an ninh - quốc phòng, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

Ông Phạm Văn Liễn, xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ

Qua nghiên cứu dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đăng trên Báo Thái Bình, tôi hoàn toàn nhất trí với chủ đề của dự thảo Báo cáo chính trị là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trước đây, chúng ta mới chỉ ghi là “xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh”, lần này, chủ đề Đại hội được đề xuất “xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Như vậy, đã bổ sung thêm cả “hệ thống chính trị” bao gồm Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Đảng vừa là thành viên, vừa là lãnh đạo cao nhất. Từ đó đã nhấn mạnh vai trò của Đảng trong hệ thống chính trị. Đối với dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, tôi thấy dự thảo đã đánh giá đúng tình hình, khái quát toàn diện mọi mặt kinh tế - xã hội, chỉ ra được nguyên nhân và kết quả của những thành tựu, nêu được các bài học kinh nghiệm. Tuy nhiên, theo tôi nên bổ sung thêm đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời, có phương án ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu và tình hình thiên tai, dịch bệnh trong thời gian tới.

Ông Vũ Đình Hiện, thôn Trung, xã Đông Phương, huyện Đông Hưng

Tôi đánh giá cao dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nhiệm kỳ Đại hội XIII. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên mà Đảng ta xác định liên quan đến công tác xây dựng Đảng. Bên cạnh những nội dung như trong dự thảo Báo cáo, tôi đề nghị cần bổ sung thêm nội dung “Chú trọng phát triển đội ngũ đảng viên cả về số lượng và chất lượng” vào trong nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất trong nhiệm kỳ tới. Trong đó, chú trọng một số giải pháp như: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên về công tác kết nạp đảng viên; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng giúp nhân dân nâng cao nhận thức về Đảng, trên cơ sở đó củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, hướng về Đảng và phấn đấu trở thành đảng viên; nâng cao chất lượng các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho quần chúng ưu tú; việc kết nạp đảng viên cần được coi trọng cả về số lượng và chất lượng, không được đơn thuần chạy theo số lượng. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên, sàng lọc, kiên quyết đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng. Có như vậy Đảng ta mới thực sự vững mạnh.

Nhóm phóng viên