Thứ 7, 18/01/2025, 12:02[GMT+7]

Làm giàu từ chăn nuôi bò

Thứ 3, 27/10/2020 | 08:30:14
5,772 lượt xem
Dám nghĩ, dám làm, nông dân Cao Đăng Cường ở thôn Dương Thôn, xã Cộng Hòa (Hưng Hà) đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bò với quy mô hơn 100 bò thịt, bò sinh sản, giúp gia đình vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Anh Cường tạo việc làm cho 5 - 10 lao động với thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Sau nhiều năm bươn trải tìm kế sinh nhai nhưng không thành công, năm 2015 anh Cường dồn hết vốn liếng được hơn 600 triệu đồng cùng gia đình mua 12 mẫu đất bãi ven sông để trồng cỏ voi nuôi 30 cặp bò lai Sind. Do ban đầu chưa có kinh nghiệm nuôi bò nên đàn bò của anh mắc bệnh chết. 

Anh Cường chia sẻ: Lúc đó tôi mất ăn mất ngủ nhiều ngày liền nhưng với quyết tâm bám trụ với nghề, mong ước làm giàu trên mảnh đất quê hương, cùng với sự động viên của gia đình, tôi quyết tâm làm lại từ đầu. 

Sau đó anh Cường theo học các lớp chăn nuôi thú y và tìm hiểu thêm kỹ thuật chăn nuôi bò 3B, bò lai Sind. Anh cũng chủ động tham gia học tập, tham quan các mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh do hội nông dân tổ chức. Từ đó càng thúc giục anh phải sớm khôi phục lại việc chăn nuôi.

Tuy nhiên, khó khăn đặt ra lúc này với anh là vốn bởi nuôi bò cần nguồn vốn lớn, nhất là giống bò 3B mỗi con giống có giá từ 20 - 25 triệu đồng, trong khi phần lớn vốn liếng tích cóp đã không còn do thất bại từ lần chăn nuôi trước. Sau đó, anh Cường mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Tín dụng nhân dân Cộng Hòa, người thân, bạn bè để đầu tư nuôi 40 con bò 3B. Rút kinh nghiệm từ lần chăn nuôi trước, anh đã tìm hiểu kỹ lưỡng kỹ thuật chăn nuôi và làm tốt công tác vệ sinh, phòng dịch bệnh. 

Theo anh Cường, bò 3B là giống bò cao sản nuôi không khó bởi có sức đề kháng cao, phàm ăn, cho sản lượng thịt rất cao. Trong quá trình chăn nuôi cần tiêm đủ hai loại vắc-xin phòng bệnh là lở mồm long móng và tụ huyết trùng, chuồng trại phải bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Giống bò này nuôi từ 8 - 9 tháng  là bắt đầu vỗ béo, thời điểm này phải cho ăn điều độ, đủ chất dinh dưỡng. Ngoài lượng cỏ voi là nguồn thức ăn chính, gia đình tôi còn cho bò ăn thêm tinh bột. Để có đủ lượng thức ăn cho bò, vào những ngày mùa anh Cường đã thuê nhân công đi thu rơm khắp các cánh đồng trên địa bàn huyện, đầu tư hơn 100 triệu đồng mua máy thu rơm và máy nghiền thức ăn để thuận tiện trong việc chăn nuôi, vừa cắt giảm chi phí, lại cho hiệu quả chăn nuôi cao.

Sau nhiều năm vừa học vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, đến nay anh Cường đã thành công từ nuôi giống bò 3B và bò lai Sind. Hai năm 2018, 2019 anh xuất bán hơn 40 con bò thịt, trừ chi phí còn thu lãi gần 500 triệu đồng. Hiện trang trại của gia đình anh lúc nào cũng duy trì nuôi hơn 100 con bò, trong đó 60 bò sinh sản. Riêng đàn bò thương phẩm luôn được anh nuôi thành nhiều lứa vừa bảo đảm mật độ chuồng nuôi vừa cho thu nhập ổn định. Ngoài ra anh còn tạo việc làm cho 5 - 10 lao động với thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. 

Anh Nguyễn Văn Minh, quê ở Tuyên Quang hiện đang làm tại trang trại của anh Cường cho biết: Tôi làm cho anh Cường, công việc không quá vất vả, chỉ cắt cỏ, nghiền cỏ và cho bò ăn nhưng thu nhập ổn định nên rất yên tâm.

Để xử lý chất thải của đàn bò, anh Cường đầu tư xây dựng hệ thống hầm biogas tận dụng khí làm chất đốt và có lượng phân hữu cơ để bón cho cỏ, mỗi đợt bón phân cho cỏ anh tiết kiệm được hơn 20 triệu đồng. Thấy anh Cường làm ăn có lãi, nhiều nông dân ngoài xã đã đến học hỏi kinh nghiệm và đầu tư chăn nuôi bò như anh. Hiện nay trang trại của gia đình anh Cường đã đầu tư gần 3 tỷ đồng với hệ thống chuồng trại chăn nuôi rộng hơn 1.000m2, khu vực trồng cỏ được anh trồng xen 1.000 cây gỗ lát, hơn 4.000 cây gỗ xoan, sau khi trừ chi phí mô hình của anh thu về hơn 600 triệu đồng/năm.

Thời gian tới, anh Cường dự định mở rộng quy mô chuồng trại, chăn nuôi theo mô hình VietGAP và thành lập tổ chăn nuôi bò, xây dựng thêm lò giết mổ để vừa chăn nuôi vừa tiêu thụ, cung cấp thịt bò cho nhiều cửa hàng trong và ngoài tỉnh.

Tiến Đạt