Thứ 3, 30/07/2024, 05:20[GMT+7]

Quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 3, 03/11/2020 | 08:16:29
1,302 lượt xem
Với tinh thần “dập dịch như chống giặc”, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương, quyết liệt thực hiện các biện pháp bao vây, khống chế, dập dịch đối với ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát, không để lây lan trên diện rộng, đồng thời chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn lợn.

Những địa phương có dịch thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên toàn địa bàn 1 lần/ngày, liên tục trong 7 ngày.

Theo báo cáo từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến hết ngày 1/11, trên địa bàn tỉnh đang phát sinh 15 ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 5 huyện; số lợn đã tiêu hủy là 686 con với tổng trọng lượng 38.630kg. Thực hiện Chỉ thị số 19 của UBND tỉnh về việc tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi, các huyện, thành phố đã nhanh chóng kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; chủ động, sẵn sàng các phương án về kinh phí, nhân lực, vật tư, phương tiện bảo đảm thực hiện các giải pháp phòng và xử lý dịch. Các địa phương đã tổ chức rà soát, thống kê đàn lợn, kịp thời thông tin tuyên truyền tới người chăn nuôi về tình hình dịch bệnh, quy trình phòng, chống dịch và chỉ đạo áp dụng nghiêm ngặt, đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát các khu có ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao để phát hiện sớm, xử lý nhanh gọn, kịp thời các ổ dịch ngay khi phát sinh, không để lây lan thành dịch.

Vũ Thư là một trong những huyện có nhiều xã tái phát sinh ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi. Với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, huyện đang thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh. 

Ông Nguyễn Tống Thìn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Tính đến ngày 26/10, tổng đàn lợn toàn huyện có khoảng 56.000 con. Để khống chế, ngăn chặn dịch bệnh tái phát và lây lan, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tiêu hủy số lợn ốm chết, lợn nghi mắc bệnh theo đúng quy định; yêu cầu những địa phương có dịch thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên toàn địa bàn 1 lần/ngày, liên tục trong 7 ngày; đối với các vùng uy hiếp, triển khai nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh xâm nhập; tổ chức ký cam kết với các hộ chăn nuôi có lợn ốm chết không được giấu dịch, bán chạy lợn; thành lập tổ giám sát, tăng cường kiểm tra hoạt động buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Hiện nay, tổng đàn lợn toàn tỉnh có 650.000 con. Theo nhận định từ ngành chuyên môn, vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền phức tạp, việc tái đàn gia tăng tại các địa phương trong khi điều kiện chuồng trại của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa bảo đảm. Cùng với đó là việc buôn bán, vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn gia tăng phục vụ nhu cầu cuối năm, thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát sinh và lây lan. 

Ông Phạm Văn Lý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Để khống chế dịch bệnh và bảo vệ đàn lợn trong thời gian tới, ngoài việc tăng cường lực lượng về cơ sở kiểm tra, giám sát, hướng dẫn công tác xử lý dịch và các biện pháp phòng, chống dịch, Chi cục sẽ tăng cường cán bộ phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát môi trường, công an huyện, xã để tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về vận chuyển, buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn như vận chuyển lợn từ vùng dịch, lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi hoặc vận chuyển lợn không có thủ tục kiểm dịch theo quy định.

Minh Quân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày