Thứ 6, 27/12/2024, 15:13[GMT+7]

Góp ý vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Thứ 5, 05/11/2020 | 12:01:09
2,004 lượt xem

Bà Lê Thị Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Thư viện tỉnh

Tôi rất quan tâm đến dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) trình Đại hội XIII của Đảng. Dự thảo Báo cáo đã đánh giá đúng kết quả và cả những hạn chế trong nhiệm kỳ qua. Về những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được xác định trong định hướng phát triển văn hóa, con người, dự thảo Báo cáo xác định nhiều vấn đề mới, trong đó tôi nhất trí cao việc nêu nhiều vấn đề rất cốt lõi trong lĩnh vực văn hóa, điển hình như nhiệm vụ “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Sự tác động nhiều mặt của điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, ở góc độ nào đó đã làm cho những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam bị phá vỡ, lệch chuẩn, nhất là những giá trị về đạo đức gia đình, về văn hóa ứng xử trong gia đình... Do đó, gìn giữ, phát triển hệ giá trị văn hóa gia đình đã và đang là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Dự thảo Báo cáo cũng nêu “Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý”, tôi cho là hết sức phù hợp, xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn. Để nâng tầm văn hóa trong chính trị, văn hóa trong Đảng, văn hóa công vụ trong các cơ quan nhà nước, vấn đề cốt lõi nhất là xây dựng văn hóa lãnh đạo của Đảng, xây dựng văn hóa quản lý của cơ quan nhà nước. Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa lãnh đạo là nhân tố quyết định nâng tầm văn hóa của Đảng. Dự thảo Báo cáo cũng khẳng định: “Không bố trí cán bộ làm công tác văn hóa kém năng lực, thiếu bản lĩnh”. Đây là sự khẳng định vai trò của cán bộ, công tác cán bộ trong lĩnh vực văn hóa. Người làm công tác văn hóa cần phải thật sự văn hóa, từ nhận thức đến hành động, từ lời nói đến việc làm, phải trở thành tấm gương về văn hóa đối với quần chúng.

Anh Tô Đình Khánh, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tây Ninh (Tiền Hải)

Qua nghiên cứu, tôi nhất trí với kết cấu, nội dung dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII. Điều lệ Đảng đã xác định rõ vai trò, vị trí của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đây là cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ cho Đảng. Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng đã thường xuyên quan tâm, trực tiếp lãnh đạo tổ chức đoàn trong việc xác định phương hướng, nhiệm vụ chính trị, công tác tư tưởng, tổ chức và cán bộ; tạo điều kiện để đoàn viên, thanh niên phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu trong học tập, lao động, công tác cũng như trong cuộc sống, hăng hái tham gia các hoạt động vì cộng đồng, tích cực tham gia xây dựng địa phương, cơ quan, đơn vị vững mạnh. Tôi mong Đại hội XIII của Đảng sẽ thảo luận, đưa ra giải pháp cụ thể trong việc đào tạo, xây dựng thế hệ thanh niên năng động, nhiệt huyết; có sự quan tâm đặc biệt, phù hợp đối với các đối tượng thanh niên ở từng khu vực, vì đây là nguồn lao động trẻ có năng suất lao động cao, có trí tuệ và khả năng thích ứng nhanh với sự phát triển của khoa học công nghệ, là nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; tăng tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy. Cần có giải pháp chiến lược nhằm đào tạo nguồn nhân lực trẻ chủ động tham gia phát triển kinh tế - xã hội và thích ứng cao với sự phát triển của khoa học công nghệ; thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ; xây dựng các chương trình, nghị quyết liên quan đến đoàn thanh niên và công tác thanh niên.

Bà Nguyễn Thị Loãn, xã Thụy Chính, huyện Thái Thụy

Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) trình Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá khách quan, toàn diện và cụ thể những kết quả đạt được; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Tuy vậy, trong dự thảo Báo cáo mới chỉ đánh giá kết quả thực hiện bình đẳng giới và công tác trẻ em, chưa đề cập đến công tác cán bộ nữ hoặc phụ nữ tham gia lãnh đạo, mặc dù nhiệm kỳ này đã có những bước tiến đáng kể về vấn đề phụ nữ tham chính. Vì vậy, theo tôi nên bổ sung đánh giá về đội ngũ cán bộ nữ cũng như định hướng tiếp tục phát huy tài năng nữ, nguồn lực đội ngũ cán bộ nữ. Về dự báo tình hình thế giới và đất nước những năm sắp tới, tôi đề nghị bổ sung dự báo khó khăn, thách thức về diễn biến mới của tình hình dịch bệnh, thiên tai, tình hình Biển Đông, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung... tác động trực tiếp đến nước ta trong những năm tới. Trong phần VII - Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam của dự thảo Báo cáo chính trị, theo tôi, trong  câu “Khắc phục bệnh thành tích, bệnh hình thức, thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh”,  từ  “ấm no” nên được xem xét thay thế bằng từ “thịnh vượng”, thể hiện khát vọng phát triển, đổi mới, hướng tới xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam thịnh vượng, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh.

Tú Anh - Xuân Phương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày