Chủ nhật, 22/12/2024, 19:14[GMT+7]

Vĩnh Phúc có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới

Thứ 5, 05/11/2020 | 12:22:08
1,815 lượt xem
Kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) đáp ứng ngày càng tốt hơn cho yêu cầu phát triển sản xuất, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong 9 tỉnh đầu tiên của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Xã Xuân Lôi (Lập Thạch) đang khẩn trương hoàn thiện hệ thống rãnh thoát nước thải. Ảnh Thế Hùng.

Một trong 9 tỉnh dẫn đầu cả nước về NTM

Từ việc nhất quán và thực hiện tốt chủ trương “không chạy theo hình thức mà đi vào thực chất, làm đến đâu chắc đến đó để đạt mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn”, sau 11 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bộ mặt khu vực nông thôn Vĩnh Phúc ngày càng khởi sắc, với cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, môi trường có nhiều chuyển biến tích cực.

Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch nhanh hơn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhờ thành quả bước đầu từ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. 

Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã quy hoạch được 1.640ha vùng sản xuất rau, quả an  toàn theo VietGAP; quy hoạch phát triển chăn nuôi theo vùng và xã trọng điểm, với gần 1.100 trang trại, 33 xã chăn nuôi lợn, 38 xã chăn nuôi gia cầm, 21 xã chăn nuôi bò thịt và 22 xã chăn nuôi bò sữa; hỗ trợ trên 2.680 tấn giống chất lượng cao, hơn 3.770 con lợn nái hậu bị, gần 12.5000 con bò nái; 160ha mô hình giống cá mới…Đồng thời, tăng cường tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM; 4/9 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, các địa phương còn lại đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống của người dân được cải thiện.

Đặc biệt, từ năm 2019, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân tăng cường tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng. 

Thông qua việc chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, MTTQ và các đoàn thể đã giúp người dân đưa các tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi, huy động các nguồn lực đầu tư giống vốn, đầu tư xây dựng giao thông nông thôn… chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng phát triển trang trại, kinh tế đồi rừng... Từ đó, số hộ có cuộc sống khá giả và vươn lên làm giàu từ các mô hình kinh tế năng động đã tăng lên. Bên cạnh đó, còn vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường, trong đó, huy động nhân dân tham gia xây dựng, cải tạo cống rãnh thoát nước, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu dân cư.

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, cải tạo được 340km cống, rãnh thoát nước thải. Trong đó, huyện Vĩnh Tường là đơn vị xây dựng được nhiều nhất với 76km/tổng số 130km đăng ký thực hiện đến năm 2020. Trong khi đó, là huyện miền núi còn nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm này, Sông Lô đã xây dựng được hơn 73km cống, rãnh thoát nước thải, phấn đấu đến hết tháng 9/2020, toàn huyện xây dựng được 100km, vượt kế hoạch đăng ký 30km. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu đạt và vượt mục tiêu xây dựng hơn 600km cống, rãnh thoát nước thải ở khu dân cư.

Người dân tự nguyện đồng lòng cùng xây dựng Nông thôn mới

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện CVĐ“Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, MTTQ và các tổ chức đoàn thể huyện Tam Dương đã  vận động nhân dân tự nguyện hiến hơn 11.000 m2 đất, hơn 9.000 ngày công lao động và hơn 480 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, các thiết chế văn hóa. Bộ mặt nông thôn của huyện Tam Dương có nhiều đổi mới; cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư; các thiết chế văn hóa dần được hoàn thiện; chất lượng giáo dục, mạng lưới y tế ngày càng phát triển; an ninh nông thôn được đảm bảo…

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, cải tạo được 340km cống, rãnh thoát nước thải. 

Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 0,96%, giảm 2,56% so với năm 2015. Thực hiện chủ trương của tỉnh về xây dựng, cải tạo cống, rãnh thoát nước thải, khắc phục ô nhiễm môi trường ở khu dân cư, MTTQ từ huyện đến cơ sở tham mưu với cấp uỷ, chính quyền xây dựng kế hoạch cụ thể, tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, hội viên và nhân dân. Phong trào nhận được sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo nhân dân. 

Tính đến hết tháng 8/2020, các xã, thị trấn trong huyện xây mới được hơn 50km rãnh thoát nước thải với tổng số tiền nhân dân đóng góp gần 20 tỷ đồng. Trong đó, xã Vân Hội là một trong những nơi thực hiện tốt phong trào xây dựng rãnh thoát nước thải.

Chủ tịch UBND xã Vân Hội Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân, đến nay, xã Vân Hội xây dựng được hơn 4km rãnh thoát nước thải ở 5/5 thôn dân cư. Nhân dân còn tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công lao động để bê tông hóa mặt đường. Tình trạng ô nhiễm môi trường của xã được cải thiện rõ rệt; đường làng, ngõ, xóm khang trang, sạch đẹp hơn.

Tại xã Cao Phong (Sông Lô) hôm nay, một trong những xã về đích NTM từ năm 2015 đã cho thấy một bức tranh tươi sáng, một miền quê trù phú, khởi sắc từng ngày, với hệ thống nhà tầng san sát; cổng nhà, sân vườn, đường làng, ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp... 

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lê Văn Sơn cho biết, bước vào thực hiện chương trình xây dựng NTM năm 2011, Cao Phong có điểm xuất phát thấp, khi mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2011-2019, nhân dân trong xã đã tích cực đóng góp bằng tiền mặt, hiến đất và ngày công lao động trị giá lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Trong khi đó, tại xã Xuân Lôi (huyện Lập Thạch), vốn là xã miền núi có tổng diện tích đất tự nhiên trên 741 ha, với trên 6.800 nhân khẩu, phân bổ tại 12 thôn dân cư. Trước đây, cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn do thu nhập dựa vào sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Tuy nhiên, từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, Xuân Lôi đã tập trung mọi nguồn lực, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tích cực đầu tư, nâng cấp hệ thống đường giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, trạm y tế, trường học, chợ...

Đến nay, bộ mặt nông thôn xã có nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao. Giai đoạn 2010-2020, toàn xã đã cứng hóa được trên 18km đường trục xã, hơn 12km đường trục thôn, 16km đường ngõ xóm và gần 11km đường trục chính nội đồng; 3/3 trường học đạt chuẩn Quốc gia; nhà văn hóa các thôn được sửa chữa, nâng cấp, xây mới; dịch vụ bưu chính, viễn thông đạt chuẩn theo quy định, 100% số thôn được sử dụng dịch vụ internet.

Trong sản xuất nông nghiệp, người dân Xuân Lôi tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ; đưa cây, con giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, chăn nuôi. 

Từ năm 2010-2019, các hội, đoàn thể đã phối hợp với các đơn vị chức năng hỗ trợ vốn đối với 2 mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới. Hiện nay, địa phương đang quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tại cánh đồng của 3 thôn, với diện tích rộng hàng chục ha.

Cùng với đó, khuyến khích người dân phát triển các ngành nghề SXKD, dịch vụ như: Cơ khí, xây dựng và các ngành nghề dịch vụ khác nhằm tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Hiện, địa phương đã và đang thu hút một số doanh nghiệp SXKD giày da, điện tử hoạt động trên địa bàn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại chỗ.

Năm 2019, thu nhập từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ và ngành nghề đạt gần 48 tỷ đồng, tăng 14,8% so cùng kỳ, tổng số người trong độ tuổi có việc làm đạt trên 96 %; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 38 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền; đội ngũ cán bộ, công chức đoàn kết, có tinh thần trách nhiệm trong công tác được giao.

Diện mạo nông thôn mới xã Cao Phong (Sông Lô). Ảnh: Nguyễn Lượng. 

Chủ tịch UBND xã Xuân Lôi Trần Hùng Vượng cho biết, với những tiềm năng, lợi thế cũng sự tăng trưởng nhanh, mạnh về mọi mặt từ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội, kinh tế, văn hóa, năm 2020, Xuân Lôi được UBND huyện Lập Thạch lựa chọn xây dựng Đề án đề nghị công nhận là đô thị loại V. 

Việc xây dựng xã Xuân Lôi trở thành đô thị loại V là nguyện vọng của Đảng bộ, nhân dân xã Xuân Lôi nói riêng và huyện Lập Thạch nói chung. Qua đó sẽ tạo điều kiện để Xuân Lôi phấn đấu phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, đáp ứng vai trò là trung tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại, phát triển đô thị mới và đầu mối giao thông huyện Lập Thạch và khu vực.

Trên thực tế, đến nay, việc triển khai hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của nhân dân trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính người dân từ thành thị đến nông thôn.

Để duy trì đạt chuẩn và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, từ nay đến năm 2025, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; ban hành và tổ chức có hiệu quả các chính sách đặc thù về đầu tư, hỗ trợ cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nâng cao hiệu quả đầu tư công phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; cơ giới hóa trong sản xuất, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Theo cand.com.vn