Thứ 7, 18/01/2025, 14:56[GMT+7]

Thái Thụy: Phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm

Thứ 6, 06/11/2020 | 08:47:11
2,084 lượt xem
Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Thái Thụy đạt gần 1,4 triệu con, trong đó 1,3 triệu con gia cầm, 65.000 con lợn, hơn 4.200 con trâu, bò và gần 23.000 con chó, mèo. Trước tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, các địa phương trong huyện đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.

Hộ chăn nuôi tại xã Dương Phúc (Thái Thụy) rắc vôi bột khử trùng chuồng trại.

Là một trong những gia trại có quy mô chăn nuôi lớn trên địa bàn xã Dương Hồng Thủy, hiện nay, gia trại của anh Trương Xuân Tường, thôn Vị Dương Đoài nuôi hơn 9.000 con gia cầm. Do chăn nuôi với số lượng lớn nên anh Tường rất chú trọng phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm, nhất là trong thời điểm tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Anh Tường chia sẻ: Xác định việc tiêm phòng vắc-xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm nên trong đợt tiêm phòng đại trà vụ thu đông năm nay tôi đã chủ động tiêm phòng bệnh cúm gia cầm cho toàn bộ đàn gà nuôi. Ngoài ra tôi cũng thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại bằng hóa chất và vôi bột với tần suất 3 lần/tuần đồng thời tăng cường chăm sóc, cho gà ăn, uống các loại thực phẩm chất lượng, bảo đảm chế độ dinh dưỡng...

Xã Dương Hồng Thủy hiện có khoảng 100.000 con gia súc, gia cầm. Bám sát chỉ đạo của tỉnh, huyện, thời gian qua, xã đã tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi vụ thu đông năm 2020 và thực hiện tháng tiêu độc, khử trùng theo đúng kế hoạch của UBND huyện. Đặc biệt, xã đang đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, đồng thời tăng cường giám sát, nắm bắt tình hình dịch bệnh trên đàn lợn và kiểm soát chặt hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật trên địa bàn.

Cùng với xã Dương Hồng Thủy, các địa phương khác trong huyện Thái Thụy cũng đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, trong đó chú trọng công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học...  

Bà Lê Thị Sinh, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết: Thực hiện kế hoạch của UBND huyện về tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ thu đông năm 2020, Trạm đã kịp thời tiếp nhận nguồn vắc-xin hỗ trợ của tỉnh về bảo quản và cấp cho các xã, thị trấn theo đúng quy định. Cụ thể, Trạm đã cấp cho các địa phương hơn 16.000 liều dịch tả lợn, hơn 2.500 liều tụ dấu, gần 12.000 liều phó thương hàn, hơn 7.000 liều lở mồm long móng, 990 liều tụ huyết trùng trâu, bò, 961 liều vắc-xin dại. Đến nay đã có 36/36 xã, thị trấn thực hiện tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ thu đông và hỗ trợ kinh phí mua vật tư để tổ chức thực hiện. Ngoài ra Trạm còn tiếp nhận và cấp phát 7.314 lít hóa chất cho các địa phương để thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng.

Cũng theo bà Lê Thị Sinh: Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng tái phát và lây lan tại một số địa phương, UBND huyện đã triển khai nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch thực hiện và thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Trong quá trình kiểm tra đã phát hiện và chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch tại một số xã. Ngoài ra, huyện cũng đang tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo các chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, huyện. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền để người dân chủ động phòng, chống; giám sát, nắm bắt tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển lợn ốm, chết, không rõ nguồn gốc vào địa bàn.

Trần Tuấn