Thứ 6, 22/11/2024, 12:13[GMT+7]

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình: 75 năm xây dựng và phát triển

Thứ 6, 13/11/2020 | 09:07:17
11,985 lượt xem
Ngày 14/11/1945, Bộ Canh nông - tiền thân của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày nay được thành lập; theo đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình được thành lập với tên gọi ban đầu là Ty Nông Lâm Thái Bình.

Các đồng chí lãnh đạo ngành Nông nghiệp kiểm tra lúa vụ mùa năm 2020.

Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển với 8 lần kiện toàn, trong bất kỳ hoàn cảnh nào ngành Nông nghiệp Thái Bình vẫn luôn giành được những thành tựu to lớn, làm tròn vai trò nền tảng, trụ đỡ cho nền kinh tế, có nhiều đóng góp tích cực, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, giai đoạn 1945 - 1975, nông nghiệp Thái Bình đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh của “hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn”. Năm 1966, Thái Bình đạt năng suất lúa 5,044 tấn/ha, trở thành “Quê hương năm tấn” đầu tiên ở miền Bắc, ghi mốc son chói lọi trong trang sử vàng của ngành Nông nghiệp Thái Bình. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, phấn đấu đưa Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình luôn coi sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, phát động cao trào thi đua lao động sản xuất giỏi. Nhờ đó, năng suất lúa liên tục tăng, năm 1972 giữa lúc chiến tranh ác liệt Thái Bình vẫn đạt 6,155 tấn/ha. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV năm 1976 “Tập trung cao độ sức của cả nước, của các ngành, các cấp tạo ra một bước phát triển vượt bậc về nông nghiệp... nhằm giải quyết vững chắc nhu cầu của cả nước về lương thực, thực phẩm...”, giai đoạn 1975 - 1985, ngành Nông nghiệp Thái Bình đã phấn đấu vượt qua khó khăn, tiên phong trong công cuộc xây dựng đất nước trong tình hình mới...

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, với cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành ở trung ương và sự cố gắng của nhân dân, nông nghiệp, nông thôn Thái Bình đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt được những mốc son mới. Ngành đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành, tổ chức triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án, cơ chế, chính sách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, chính sách về xây dựng NTM đã có hiệu quả rõ nét, bảo đảm được tính công bằng, minh bạch và khuyến khích các địa phương, cơ sở phát huy mạnh mẽ nguồn lực trong nhân dân, tạo ra động lực mới, khí thế mới cho chương trình xây dựng NTM. Hết năm 2019, Thái Bình là 1 trong 8 tỉnh đầu tiên trong cả nước có 100% số xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành trước 3 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Thái Bình đang trình Chính phủ quyết định công nhận là tỉnh thứ ba trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Trong chỉ đạo sản xuất và tổ chức sản xuất nông, lâm, thủy sản, đã huy động mọi nguồn lực để phát triển sản xuất toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần duy trì ổn định xã hội trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra. Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2,5%/năm; tích tụ, tập trung được 22.169,58ha đất cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản; giữ năng suất lúa ổn định trên 132 tạ/ha/năm, cao nhất so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng; mở rộng diện tích cây vụ đông và trở thành vụ chính trong năm (khoảng trên 36.000ha), đưa hệ số sử dụng đất lên 2,4 lần. Giá trị sản xuất trên 1ha canh tác trồng trọt năm 2020 đạt 160,65 triệu đồng, tăng 1,31 lần so với năm 2015..., góp phần quan trọng và quyết định trong thực hiện bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Lĩnh vực chăn nuôi được tập trung chỉ đạo, đổi mới phương thức từ chăn nuôi nông hộ là chủ yếu sang chăn nuôi trong các doanh nghiệp, trang trại, gia trại. Đến nay, đã có trên 730 trang trại, trên 7.200 gia trại. Từ cuối năm 2019 đến năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của bệnh dịch tả lợn châu Phi nên đàn lợn giảm mạnh nhưng sản lượng thịt lợn hơi giai đoạn 2016 - 2020 vẫn tăng 2,8%. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đã và đang tập trung tái cơ cấu giống theo hướng tăng tỷ lệ đàn lợn nái lai, nái ngoại, tăng tỷ lệ đàn lợn thịt có tỷ lệ nạc cao; nâng cao chất lượng, sản lượng trong chăn nuôi trâu, bò và gia cầm; đàn bò chủ yếu là bò lai nhóm Zebu (trên 90%); đàn gà nuôi chuyển sang giống gà lông màu có chất lượng cao (gà ri lai chiếm trên 90% tổng đàn).

Sản xuất thủy sản phát triển toàn diện cả khai thác và nuôi trồng với tổng sản lượng năm 2019 đạt 257.000 tấn, tăng 40% so với năm 2015, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 7,1%/năm. Nuôi trồng thủy sản phát triển đa dạng các loại hình nuôi; phương thức nuôi chuyển từ quảng canh cải tiến sang bán thâm canh và thâm canh; đã có 36,5% diện tích nuôi tôm theo hình thức thâm canh, siêu thâm canh, quy trình công nghệ hiện đại, năng suất tăng 3 - 5 lần so với hình thức nuôi thông thường; nuôi cá lồng trên sông tiếp tục được mở rộng và phát triển với nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế, phát triển thêm 111 lồng so với năm 2015 (đến nay toàn tỉnh có 613 lồng). Hoạt động khai thác đã tập trung cải tiến ngư cụ, hiện đại hóa phương tiện đánh bắt và cơ cấu lại đội tàu khai thác theo hướng tăng năng lực khai thác xa bờ, nâng cao rõ rệt hiệu quả khai thác thủy sản.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về cấp nước sạch nông thôn, những năm qua Thái Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến trình cấp nước sạch cho nhân dân khu vực nông thôn. Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn đã được ban hành và phát huy hiệu quả rõ nét, đưa Thái Bình trở thành một trong ít tỉnh đầu tiên trong cả nước bảo đảm tỷ lệ 100% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Nước sạch nông thôn đã thực sự làm hạn chế sự chênh lệnh về điều kiện sinh hoạt giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng nông thôn với nhau.

Trong lĩnh vực thủy lợi và phòng, chống thiên tai, các tuyến đê sông, đê cửa sông, đê biển đã được tập trung nâng cấp, được cứng hóa bằng bê tông, đá láng nhựa, có cao trình đỉnh đê bảo đảm cao trình thiết kế. Hệ thống  thủy lợi được phát triển theo hướng đa mục tiêu, tổ chức quản lý, khai thác khoa học, đã phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dân sinh, nuôi trồng thủy sản tập trung; về cơ bản, 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động về tưới, tiêu.

Công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản được tổ chức thực hiện nghiêm túc theo các quy định của pháp luật. Năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh Thái Bình đứng thứ 22/63 tỉnh, thành phố, tăng 40 bậc so với năm 2015. Hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, tiếp thu và chuyển giao công nghệ, thông tin, tuyên truyền, phổ  biến tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh; giai đoạn 2016 - 2020 đã triển khai 72 đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh và cấp bộ (nhiều nhất trong các  lĩnh vực sản xuất khác ở địa phương). Qua đó đã nâng cao rõ rệt tiềm lực khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tuyển chọn được nhiều giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất.

Có thể nói, qua 75 xây dựng và phát triển, ngành Nông nghiệp Thái Bình đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, thời gian tới, sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn, đó là: Thiếu lao động trẻ có năng lực; nhiều biến đổi bất lợi cho sản xuất nông nghiệp như thiên tai, dịch bệnh phức tạp; nông dân vẫn còn mang nặng tư tưởng giữ đất; chính sách tích tụ, tập trung đất đai còn nhiều bất cập... trong khi đất nước đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới.

Để giải quyết những khó khăn, thách thức trên, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn Thái Bình trong 5 năm tới là: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, lấy thị trường làm cơ sở để định hướng sản xuất. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Phấn đấu giai đoạn 2020 - 2025 nông nghiệp tăng trưởng trung bình từ 2,0%/năm trở lên; trong đó, trồng trọt đạt 0,56%, chăn nuôi đạt 2,28%, thủy sản đạt 4,13% trở lên. Đến hết năm 2025 có 20% số xã trở lên đạt tiêu chí xã NTM nâng cao, có 5% số xã trở lên đạt tiêu chí xã NTM kiểu mẫu. Mỗi huyện có ít nhất 2 sản phẩm chủ lực, có thương hiệu và có thị trường tiêu thụ ổn định; tiếp tục chuyển đổi những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả sang làm chuyên màu, cây ăn quả, dược liệu, nuôi trồng thủy sản...

Để thực hiện được những định hướng, mục tiêu phát triển trên, thời gian tới toàn ngành sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhằm  đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp để loại bỏ được thói quen, tập quán canh tác nhỏ lẻ, phân tán, thụ động. Tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, quy vùng sản xuất hàng hóa theo quy mô tập trung và quy mô lớn. Rà soát, sơ kết, đánh giá các chương trình, đề án sản xuất và phát triển nông nghiệp để tiếp tục tham mưu điều chỉnh lại định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp với thực tiễn. Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng rà soát các cơ chế, chính sách để kịp thời tham mưu cho tỉnh loại bỏ các cơ chế, chính sách không còn phù hợp hoặc hoàn thiện lại cơ chế, chính sách hoặc ban hành các cơ chế, chính sách mới. Đẩy mạnh tiếp thu, ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, làm cho khoa học công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là nhân tố quan trọng hàng đầu để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Đẩy mạnh cơ giới hóa tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp. Xây dựng một số khu nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với đặc điểm thời tiết, khí hậu của Thái Bình, từ đó tổng kết thực tiễn, nhân ra diện rộng; xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp... Nâng cao năng lực dự tính, dự báo thị trường; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa của tỉnh. Đổi mới mạnh mẽ quan hệ sản xuất phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Diện tích chuyên rau màu 3 - 4 vụ/năm đạt trên 8.000ha.

Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các bộ, ngành trung ương, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương; đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là sứ mệnh bảo đảm an ninh lương thực và chương trình xây dựng NTM. Ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, cán bộ, công nhân viên, người lao động toàn ngành luôn nỗ lực cố gắng, cùng với sự cần cù, chịu khó, tinh thần dám nghĩ, dám làm của bà con nông dân, ngư dân Thái Bình nên đã đạt được những thành tựu, những dấu ấn hết sức quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình sẽ quyết tâm nỗ lực phấn đấu, ra sức thi đua lập nhiều thành tích hơn nữa, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang 75 năm qua để nông nghiệp tiếp tục giữ vững vai trò nền tảng, trụ đỡ cho nền kinh tế; xây dựng NTM vì mục tiêu nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Đinh Vĩnh Thụy
(Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Ông Vũ Công Bình, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn

Những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương cùng với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân, Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian tới, tỉnh hướng đến xây dựng NTM bền vững, dựa trên 3 nền tảng trọng tâm gồm: Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa; Đổi mới và hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng môi trường. Cùng với đó là phát huy cao sức mạnh cộng đồng, phát huy giá trị văn hóa, ý chí, khát vọng và sức mạnh của người Thái Bình. Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu cơ chế, chính sách hỗ trợ các xã xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 trên cơ sở nguồn kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho chương trình giai đoạn trung hạn 2021 - 2025 và những quy định chung về cơ chế, chính sách hỗ trợ do Trung ương ban hành.

Ông Mai Thanh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

Chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, cây dược liệu, hoa, cây cảnh, cây hàng năm... tạo giá trị kinh tế cao hơn cấy lúa là một giải pháp quan trọng nhằm thực hiện thành công cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Với mục tiêu giai đoạn 2020 - 2030 chuyển đổi 30.000ha đất lúa sang trồng cây ăn quả, cây hàng năm, cỏ chăn nuôi, cây dược liệu, hoa và cây cảnh, thời gian tới Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 mà tỉnh đã ban hành. Hướng dẫn, định hướng các địa phương lựa chọn cây trồng phù hợp vào sản xuất; thực hiện các mô hình chuyển đổi bảo đảm hiệu quả kinh tế từ 400 - 600 triệu đồng/ha; hướng dẫn cấp mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực; xác nhận vùng sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tham mưu xây dựng kế hoạch trồng cây hàng năm, trong đó chú trọng phát động trồng cây ăn quả; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản

Những năm qua, ngành thủy sản đã khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, phát triển toàn diện cả về lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp. Đặc biệt, khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, ngành thủy sản đã thực hiện các giải pháp cấp bách như lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, tổ chức đăng ký tàu cá theo quy định. Đến nay, tỷ lệ tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình đạt 92,4%, số tàu cá đã được đăng ký đạt 87,4%. Thực hiện kế hoạch phát triển lĩnh vực thủy sản những năm tiếp theo, ngành thủy sản đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 tổng giá trị sản xuất thủy sản chiếm 30% giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 đạt 5%. Để đạt mục tiêu trên, ngoài việc thực hiện các giải pháp chủ yếu như tích tụ đất đai, mở rộng quy mô hướng đến sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, tăng tỷ trọng sản xuất, quy hoạch, hình thành các vùng nuôi thủy sản tập trung với các sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao, Chi cục Thủy sản đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho tỉnh thực hiện rà soát, xây dựng đề án phát triển nuôi biển bù diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ đã chuyển sang quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình.

Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù sản xuất chăn nuôi gặp nhiều khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành chăn nuôi vẫn phát triển ổn định, giá trị sản xuất chiếm 43% trong tổng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp; cơ cấu đối tượng chăn nuôi chuyển dịch tích cực; số lượng và sản lượng thịt hơi xuất chuồng hàng năm tăng; phương thức chăn nuôi chuyển đổi theo hướng công nghiệp, hiện đại; tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết tiếp tục được hình thành và phát triển. Để đạt các mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra, ngành chăn nuôi tập trung thực hiện các giải pháp chuyên môn như đổi mới tổ chức sản xuất, trong đó kêu gọi thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư phát triển chăn nuôi theo chuỗi khép kín và hỗ trợ người chăn nuôi sản xuất; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại chăn nuôi, cơ cấu lại giống vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất và giá trị; đẩy mạnh chuyển giao, nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi; xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi.

Lưu Ngần - Thanh Huyền
                                                              (thực hiện)


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày