Thứ 7, 18/01/2025, 06:18[GMT+7]

Trên 55,8 triệu người mắc COVID-19 trên toàn cầu, châu Âu ghi nhận hơn 15 triệu ca

Thứ 4, 18/11/2020 | 08:57:39
1,682 lượt xem
Đến sáng 18/11, thế giới đã ghi nhận hơn 55,8 triệu người mắc COVID-19, trong đó, trên 1,34 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Đã có 55,8 triệu người mắc COVID-19 trên toàn cầu. (Ảnh: AP)

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 11,6 triệu ca mắc và hơn 253.800 người tử vong. Trong ngày qua, Mỹ đã ghi nhận thêm hơn 120.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Nhằm ngăn chặn đà lây lan của đại dịch, một loạt bang trên khắp nước Mỹ đã công bố các biện pháp hạn chế mới phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này. Các bang New Jersey, California, Ohio và thành phố Philadelphia, thành phố lớn nhất của bang Pennsylvania, đã gia nhập danh sách các bang và khu vực tái áp đặt những biện pháp chống dịch nghiêm ngặt trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 và bệnh nhân nhập viện trên toàn quốc tăng đột biến trong những tuần gần đây. Các chuyên gia y tế cảnh báo, dịp nghỉ lễ Giáng sinh sắp tới và thời tiết chuyển lạnh hơn sẽ làm trầm trọng thêm xu hướng này, khi người dân tổ chức các buổi tụ họp trong nhà nhiều hơn.

Trên 55,8 triệu người mắc COVID-19 trên toàn cầu, châu Âu ghi nhận hơn 15 triệu ca - Ảnh 1.

Tổng số ca mắc COVID-19 tại Mỹ hiện đã lên tới trên 11,6 triệu ca. (Ảnh: AP)

Tổng số ca mắc tại Ấn Độ, tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới, hiện là hơn 8,9 triệu ca, bao gồm trên 131.000 trường hợp thiệt mạng vì dịch bệnh. Ngày 17/11, Ấn Độ có thêm hơn 38.500 người nhiễm bệnh.

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 35.000 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại quốc gia này lên hơn 5,9 triệu trường hợp. Hiện gần 166.700 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi tại quốc gia này.

Tính tới ngày 17/11, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Âu đã vượt quá 15 triệu người. Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới từ đại dịch COVID-19.

Pháp hiện là tâm dịch COVID-19 lớn thứ tư thế giới với trên 2 triệu ca mắc và hơn 46.200 trường hợp tử vong. Ngày 17/11, Pháp ghi nhận thêm hơn 14.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trên 55,8 triệu người mắc COVID-19 trên toàn cầu, châu Âu ghi nhận hơn 15 triệu ca - Ảnh 2.

Pháp hiện là tâm dịch COVID-19 lớn thứ tư thế giới sau Mỹ, Ấn Độ, Brazil. (Ảnh: AP)

Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp Olivier Veran cho rằng, nước này đã kiểm soát được sự lây lan của virus SARS-CoV-2, nhưng vẫn còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng dịch COVID-19, vì vậy chưa thể nới lỏng các biện pháp phong tỏa toàn quốc lần thứ hai. Phát biểu trên Đài truyền hình BFM, Bộ trưởng Veran khẳng định, nếu ngừng các nỗ lực khống chế dịch bệnh quá sớm cũng như không thực thi nghiêm biện pháp phong tỏa, nước Pháp có thể lại chứng kiến làn sóng dịch bệnh gia tăng, xóa sạch mọi nỗ lực của chính phủ và người dân trong những tuần qua.

Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 tại Nga đã lên tới gần 2 triệu ca, trong đó trên 33.900 trường hợp đã tử vong. Hơn 22.400 là số người mắc COVOD-19 mới được ghi nhận trong ngày 17/11 tại nước này.

Bộ Y tế Bulgaria thông báo, ngày 17/11, nước này đã ghi nhận thêm 152 ca tử vong do mắc COVID-19, mức cao chưa từng thấy, đưa tổng số trường hợp tử vong tại nước này lên 2.282 trường hợp. Hiện tổng số ca mắc bệnh tại Bulgaria là trên 101.700 người.

Trên 55,8 triệu người mắc COVID-19 trên toàn cầu, châu Âu ghi nhận hơn 15 triệu ca - Ảnh 3.

Số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày tại Hàn Quốc ở mức trên 200 ca trong nhiều ngày qua. (Ảnh: AP)

Tại châu Á, giới chức y tế Hàn Quốc cảnh báo về tình trạng gia tăng số ca mắc COVID-19 trong giới trẻ, đồng thời lo ngại điều này có thể dẫn đến làn sóng dịch bệnh mới trong những tuần tới. Số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 hàng ngày ở Hàn Quốc dao động trên 200 ca trong ngày thứ tư liên tiếp và có chiều hướng lan rộng ra cả nước, buộc cơ quan chức năng phải nâng mức giãn cách xã hội từ cấp độ 1 lên 1,5 ở khu vực Seoul và vùng lân cận.

Số liệu do KDCA công bố ngày 17/11 cho thấy, Hàn Quốc có thêm 229 ca mắc mới COVID-19. Hiện tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này là gần 29.000 với 494 trường hợp tử vong vì đại dịch.

WHO cho biết, tính đến đầu tháng 10/2020, các chuyên gia trên thế giới đã nghiên cứu phát triển 193 vaccine ngừa COVID-19, trong đó 42 vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng. Pfizer và BioNTech là những hãng dược đầu tiên công bố số liệu thử nghiệm vaccine COVID-19 trên diện rộng thành công. Theo kế hoạch cung ứng, hai công ty trên hy vọng sẽ cung cấp tối đa 50 triệu liều vaccine trên toàn thế giới trong năm 2020 và tối đa 1,3 tỷ liều trong năm 2021.

Theo vtv.vn