Thứ 7, 18/01/2025, 09:00[GMT+7]

Hơn 58,9 triệu người mắc COVID-19 trên toàn cầu

Thứ 2, 23/11/2020 | 08:09:53
2,199 lượt xem
Đến sáng 23/11, trên thế giới có hơn 58,9 triệu ca mắc COVID-19, trong đó trên 1,39 triệu trường hợp đã tử vong vì bệnh dịch này.

Hơn 58,9 triệu người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới. (Ảnh: AP)

Mỹ tiếp tục là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19 với hơn 12,5 triệu ca mắc và trên 262.500 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ đã ghi nhận thêm hơn 110.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng số ca mắc COVID-19 hiện là trên 9,1 triệu trường hợp với hơn 133.700 người tử vong. Ngày 22/11, Ấn Độ đã báo cáo trên 43.600 bệnh nhân nhiễm COVID-19 mới.

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận thêm hơn 1.000 ca mắc mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 tại quốc gia này lên trên 6,05 triệu trường hợp. Đến nay, đã có hơn 169.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi tại quốc gia này.

Pháp đang từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Ngày 24/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có thông báo chính thức về việc này. Như vậy, sau gần 2 tháng, từ ngày 30/10, lệnh phong tỏa sẽ được dỡ bỏ, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế cuối năm. Dự kiến, việc nới lỏng sẽ theo 3 giai đoạn: từ ngày 1/12, trước năm mới và sau tháng 1/2021.

Hơn 58,9 triệu người mắc COVID-19 trên toàn cầu - Ảnh 1.

Pháp sẽ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội theo 3 giai đoạn. (Ảnh: AP)

Theo Chính phủ Pháp, phân tích cho thấy, xu hướng lây nhiễm đang giảm tại nước này, số ca nhiễm mới đã giảm trong 1 tuần qua. Tuy nhiên, trong ngày 22/11, Pháp vẫn có hơn 13.100 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này lên hơn 2,14 triệu ca, mức cao thứ tư sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil.

Ngày 22/11, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 330 ca nhiễm mới, trở thành ngày thứ 5 liên tiếp có số ca nhiễm trong ngày vượt trên 300 ca. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc là trên 30.700 trường hợp, trong đó có 505 bệnh nhân tử vong.

Trong bối cảnh số ca nhiễm tiếp tục gia tăng, Chính phủ Hàn Quốc quyết định siết chặt hơn các quy định về giãn cách xã hội. Trước mắt, sẽ có những biện pháp giãn cách xã hội mới ở Seoul và các khu vực lân cận. Một số hoạt động giải trí và thể thao, các dịch vụ ban đêm sẽ tiếp tục bị hạn chế số người tham dự. Hàn Quốc đang rất tích cực phòng dịch trước thềm kỳ thi đại học toàn quốc vào ngày 3/12. Dù có các biện pháp truy vết, xét nghiệm diện rộng, hiện nước này vẫn ghi nhận rải rác các ca nhiễm mới hàng ngày.

Hơn 58,9 triệu người mắc COVID-19 trên toàn cầu - Ảnh 2.

5 ngày liên tiếp Hàn Quốc có số ca nhiễm trong ngày vượt trên 300 ca. (Ảnh: AP)

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết, nước này sẽ áp đặt trở lại mức hạn chế số người tham dự sự kiện thể thao hay các sự kiện lớn khác nhằm kiềm chế dịch COVID-19 đang lây lan mạnh. Mức giới hạn sẽ được áp dụng tại những vùng có số ca nhiễm tăng mạnh. Trong ngày qua, Nhật Bản đã ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất từ trước tới nay với hơn 2.500 trường hợp. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này là trên 130.100 người.

Tại Nga, tổng số bệnh nhân COVID-19 là trên 2,08 triệu ca sau khi có thêm gần 24.600 ca nhiễm mới trong ngày 22/11, trở là nước có số ca nhiễm cao thứ hai châu Âu sau Pháp (2,14 triệu ca). Trên 36.100 người đã thiệt mạng vì đại dịch tại quốc gia này.

Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa đã công bố lệnh cấm tự do đi lại giữa các thành phố trong 2 ngày lễ sắp tới là Ngày Khôi phục độc lập (1/12) và Ngày của Mẹ (8/12). Lệnh cấm tự do đi lại có hiệu lực từ ngày 28/11 - 2/12 và từ ngày 4/12 - 9/12, nằm trong một loạt biện pháp mới trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp mà Chính phủ Bồ Đào Nha dự kiến khôi phục và có hiệu lực từ ngày 24/11 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Trong số các biện pháp mới có quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi làm việc, đình chỉ mọi hoạt động giảng dạy vào ngày 30/11 và 7/12, trước thềm 2 ngày lễ trên.

Hơn 58,9 triệu người mắc COVID-19 trên toàn cầu - Ảnh 3.

Thuốc kháng thể điều trị COVID-19 của Regeneron đã được phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp. (Ảnh: AP)

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có cách tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 trong cuộc chiến cấp bách chống đại dịch COVID-19 hiện nay.

Trong khi đó, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp một loại kháng thể tổng hợp do công ty công nghệ sinh học Regeneron bào chế để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Theo vtv.vn