Thứ 6, 01/11/2024, 16:20[GMT+7]

Hỏi đáp về Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018

Thứ 2, 23/11/2020 | 08:57:04
2,750 lượt xem

Ảnh minh họa.

Câu 1. Tại sao Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã mở rộng phòng, chống tham nhũng ra đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước? Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước gồm các cơ quan nào và hành vi nào là hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước?

Trả lời:

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã mở rộng phòng, chống tham nhũng ra đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Quy định này thể hiện tinh thần từng bước mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật đối với khu vực ngoài nhà nước cho phù hợp với quan điểm chỉ đạo tại Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đồng bộ Bộ luật Hình sự đã mở rộng quy định xử lý đối với một số tội phạm về tham nhũng trong mọi tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước; phù hợp với yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước (sau đây gọi là cơ quan, tổ chức, đơn vị) bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội.

Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là doanh nghiệp, tổ chức không thuộc trường hợp quy định nêu trên.

Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm:
+ Tham ô tài sản.
+ Nhận hối lộ.
+ Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
+ Hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Câu 2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm gì trong phòng, chống tham nhũng?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 4, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 thì cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:
- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; thực hiện quy định khác của pháp luật về phòng, chống tham nhũng;
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng;
- Tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, tin báo về hành vi tham nhũng;
- Kịp thời cung cấp thông tin và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình phát hiện, xử lý tham nhũng.

* Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm sau đây:

- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức;
- Kịp thời cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng.

(còn nữa)

Lê Thủy
(Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp)


  • Từ khóa