Thứ 2, 23/12/2024, 00:29[GMT+7]

Khởi sắc nông thôn mới thành phố Hồ Chí Minh

Thứ 6, 27/11/2020 | 08:41:28
1,230 lượt xem
Sau 10 năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới (2010-2020), bộ mặt ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh đã khởi sắc, trở nên văn minh, hiện đại và năng động hơn, với 56/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nâng cao tiêu chuẩn nông thôn mới với mục tiêu thu nhập của cư dân nông thôn đạt 110 triệu đồng/người/năm.

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao trong nhà kính tại huyện Củ Chi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

89,2% số xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao 

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, thành phố hiện không còn người nghèo theo chuẩn quốc gia. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha của thành phố từ 158,5 triệu đồng/ha năm 2010 đã đạt 502 triệu đồng/ha vào năm 2019  theo số liệu gần đây nhất, cao gấp 5 lần mức trung bình cả nước. Thu nhập của cư dân nông thôn tăng từ 24,9 triệu đồng/người/năm lên 90 triệu đồng/người/năm.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong 10 năm qua, thành phố đã đầu tư 9.188 công trình phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại các vùng nông thôn. Trên địa bàn hiện có 56/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 50 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao), có 76 hợp tác xã hoạt động mảng nông nghiệp (tăng 45 hợp tác xã so với năm 2010), thu hút 1.370 thành viên tham gia. Cả 5 huyện và 56 xã của thành phố đều xác định mô hình sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã, huyện để tập trung phát triển, gồm những sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, phù hợp với đặc thù nông nghiệp đô thị.

Bên cạnh đó, đến nay nhiều huyện ở thành phố Hồ Chí Minh cũng đã triển khai hiệu quả việc xây dựng chính quyền điện tử. Đơn cử, tại huyện Hóc Môn, đã áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3. Ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn thông tin: Hiện, người dân huyện Hóc Môn đã thực hiện nhiều thủ tục hành chính trực tuyến mà không phải đến UBND xã như trước. Ngoài ra, hệ thống camera cũng đã được lắp đặt ở hầu khắp các ấp, hỗ trợ tích cực việc bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. “Công nghệ đã góp sức xây dựng bộ mặt nông thôn thành phố khởi sắc, giữ gìn an ninh trật tự và nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân”, ông Dương Hồng Thắng chia sẻ.

Với người dân, thành quả từ xây dựng nông thôn mới đã cơ bản đáp ứng những nhu cầu thiết yếu hằng ngày. Chị Nguyễn Thị Kim Hoàng, ấp 3, xã Đa Phước (huyện Nhà Bè), phấn khởi nói: “Khi con đường bê tông được chính quyền huyện hoàn thành thay thế cho con đường lầy lội lâu nay, người dân ấp 3 vui mừng lắm. Sau đó, chúng tôi đã trồng hoa tạo cảnh quan môi trường…”.

Tiến tới mục tiêu cao hơn

Về mục tiêu đến cuối năm 2020, ông Thái Quốc Dân, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện thành phố còn 6/56 xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, gồm: Xuân Thới Sơn, Tân Hiệp (huyện Hóc Môn), Tân Thạnh Đông, An Phú (huyện Củ Chi), Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh). Thành phố phấn đấu từ nay đến cuối năm 2020, 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện, các xã này chỉ cần khắc phục 1-2 tiêu chí trong tổng số 19 tiêu chí là đạt yêu cầu.

Cũng trong năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu có 4/5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện thành phố đã có 3 huyện đạt danh hiệu này, gồm: Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè. Trong buổi kiểm tra thực tế ngày 21-11 vừa qua tại huyện Cần Giờ, Đoàn công tác liên ngành của Trung ương do ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới (Bộ NN&PTNT) làm Trưởng đoàn, đã ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của huyện. Cụ thể, tỷ lệ lao động có việc làm trong lực lượng lao động toàn huyện đạt gần 96%; không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, không còn nhà dột nát... Như vậy, huyện Cần Giờ đủ tiêu chí để các bên hữu quan lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2020.

Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, thành phố Hồ Chí Minh xác định, từ nay đến năm 2025 sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, hiện đại, bền vững, có năng suất chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; thu nhập của người dân nông thôn sẽ đạt 110 triệu đồng/người/năm. 

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Từ nền tảng của việc xây dựng nông thôn mới trong 10 năm qua, thành phố sẽ xây dựng 51 chương trình dự án thuộc chương trình giống cây, con và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chương trình sẽ tập trung vào hai vấn đề: Thành phố sẽ là trung tâm giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao trong nước; đồng thời xuất khẩu giống chất lượng cao cho các nước như: Lào, Campuchia, Indonesia, Myanma... Doanh thu từ sản xuất nông nghiệp tăng từ hơn 500 triệu đồng/ha lên khoảng 800 triệu đồng đến 900 triệu đồng/ha. Kết quả này sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân, xây dựng ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh ngày giàu đẹp, đáng sống.

Theo hanoimoi.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày