Thứ 5, 28/11/2024, 15:03[GMT+7]

Bánh chưng phố Lẻ: Đậm đà hương vị truyền thống

Thứ 2, 30/11/2020 | 09:53:52
10,078 lượt xem
Gói bánh chưng là nét đẹp truyền thống từ bao đời nay của người dân Việt Nam mỗi dịp tết đến xuân về. Không khí rộn ràng chuẩn bị gạo nếp, lá dong, lạt mềm… để gói bánh đã tạo nên hương vị tết không thể nào quên của mỗi người con đất Việt. Thế nhưng, ở phố Lẻ, thôn Khánh Mỹ, xã Phúc Khánh (Hưng Hà) thì ngày nào cũng là ngày tết bởi ngày nào người dân nơi đây cũng gói bánh chưng để phục vụ thực khách ưa chuộng loại bánh này.

Nhiều người tuy tuổi đã cao song vẫn duy trì làm nghề, truyền nghề cho con cháu.

Đặt chân đến phố Lẻ mọi người dễ dàng nhận thấy mùi bánh thơm nồng toả ra từ sự kết hợp của lá dong, gạo nếp cái hoa vàng cùng vị ngọt bùi của đậu xanh, vị ngậy béo của nhân thịt trong chiếc bánh chưng. Hương vị này đã tạo nên nét đặc trưng riêng của bánh chưng phố Lẻ mà không thể lẫn với bất kỳ nơi nào. Bà Nguyễn Thị Thắm là người làm bánh chưng cao tuổi nhất ở phố Lẻ cho biết: Năm nay tôi 85 tuổi nhưng gắn bó với nghề bánh chưng được 50 năm. Đây là một nghề vất vả nhưng ai cũng muốn gắn bó phần vì yêu nghề phần vì thu nhập chính của gia đình. Nếu là ngày thường các hộ phải thức dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị, còn đến dịp tết thì không kể ngày đêm, cả tuần thức trắng đêm không ngủ để gói bánh là chuyện bình thường. Ngày thường nhà bà Thắm chỉ gói khoảng 15kg gạo nhưng cứ đến dịp tết Nguyên đán bà gói từ một vạn bánh trở lên. Để có chiếc bánh ngon, người làm bánh phải cẩn thận trong từng công đoạn, trong đó bắt buộc gạo phải là gạo nếp cái hoa vàng, đỗ phải nấu chín, thịt phải là thịt ba chỉ. Tuy nhiên, điều khác biệt nhất là các nơi gói bằng đỗ sống thì ở phố Lẻ đỗ phải được đồ chín, cho gia vị rồi mới gói. Công đoạn luộc bánh cũng mất nhiều thời gian hơn, từ 6 - 10 tiếng mới được một nồi nên bánh rền, ngon và để được lâu hơn nơi khác.

Một trong những người gói bánh ngon nổi tiếng nhất ở phố Lẻ, bà Nguyễn Thị Thu Tỉnh cho biết: Bánh chưng là nghề truyền thống được các cụ truyền lại nên tôi đã kế thừa và luôn giữ lửa cho nghề phát triển. Để gói được chiếc bánh ngon đòi hỏi rất nhiều công đoạn cầu kỳ, lá dong phải chọn những chiếc lá còn tươi màu xanh, tàu lá còn nguyên vẹn không rách và rửa sạch sẽ, gạo phải ngâm đãi sạch, đỗ phải thổi dẻo rồi nắm lại, thịt thái ngang khổ, ướp gia vị. Người gói bánh phải biết kết hợp, pha trộn các nguyên liệu để tạo thành một chiếc bánh sao cho hài hòa, cân bằng. Một chiếc bánh cần phải kết hợp 2 lạng thịt, 1,2 lạng đỗ, 5 lạng gạo mới ngon hay như 10kg gạo cần xóc với 1 lạng muối để bảo đảm độ đậm đà của bánh. Nếu gói 1 cái bánh chỉ cần 3 phút nhưng khâu chuẩn bị mất rất nhiều thời gian như quá trình ngâm gạo phải mất từ 2 - 3 tiếng, đỗ ngâm 1 tiếng rồi nấu chín, đánh tơi, nắm lại thành quả đỗ, thịt thái xong ướp ngấm gia vị, hạt tiêu mới gói được. Điều đặc biệt là bánh chưng phố Lẻ chỉ gói bằng tay, tuy hình thức không đẹp như gói bằng khuôn nhưng bánh chặt hơn và rền hơn, chất lượng ngon hơn. Ngoài bánh chưng vuông, ở phố Lẻ còn nổi tiếng bởi chiếc bánh gù. Đây là sản phẩm nhỏ gọn, chỉ với 5.000 đồng/cái nhưng lại là sản phẩm được rất nhiều người yêu thích và hợp với khẩu phần cho bữa sáng. Theo bà Tỉnh, đời sống ngày càng cao thì nhu cầu dùng bánh chưng ngày càng nhiều. Nhiều thực khách truyền tai nhau về chất lượng của bánh đã giới thiệu bạn bè các tỉnh về đặt bánh ở đây, vì vậy thị trường tiêu thụ bánh chưng phố Lẻ không chỉ ở trong nước mà nhiều người còn mua mang sang cả nước ngoài để làm quà.

Người gói bánh chưng ở phố Lẻ không có ngày nghỉ, họ làm quanh năm bởi đây là nghề thu nhập chính. Hiện nay, ở phố Lẻ có hơn 10 hộ làm nghề bánh chưng, những ngày thường mỗi hộ gói trung bình từ 50 - 100 chiếc, còn dịp tết ở phố Lẻ đông vui như hội, nhà nào cũng huy động mấy chục người gói, mỗi ngày gói hàng nghìn chiếc, khách tấp nập ra vào đặt bánh. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh ở phố Lẻ khẳng định: Mỗi ngày bà gói khoảng 100 bánh vuông, 100 bánh gù và chỉ cần bày bán ở nhà và chợ là hết hàng bởi thương hiệu bánh chưng phố Lẻ vốn ngon nổi tiếng. Giờ đây không chỉ dịp tết mà bất cứ nhà ai có việc như đến ngày giỗ hay đám cưới người dân đều đặt hàng. Riêng nhà bà chỉ luộc bánh bằng bếp củi, gạo phải dùng gạo nếp cái hoa vàng, gói bằng lá dong ta và luộc 6 tiếng trở lên để bảo đảm độ rền của bánh. Vì thế, đến nay mặc dù đã 35 năm làm nghề nhưng nhà bà vẫn giữ được các mối hàng ở các nơi như Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng đến đặt hàng. Theo bà Oanh, để duy trì nghề này điều quan trọng nhất là phải yêu nghề và lấy chất lượng, chữ tín đặt lên hàng đầu.

Chị Nguyễn Thị Yến là một người con xa quê đang sống tại Bắc Ninh cho biết: Mỗi lần về quê, chiếc bánh chưng phố Lẻ không thể thiếu trong gói đồ lúc mang đi để làm quà cho mọi người. Hương vị của bánh rất đặc biệt, ăn rất dẻo, vừa miệng và đặc biệt là nhân đỗ trong bánh được quyện với thịt ba chỉ rất ngậy, thơm, khác hẳn với bánh những nơi khác. Vì vậy, mỗi lần về quê, người thân, bạn bè thường nhờ mua giúp để ăn và làm quà biếu.

Có thể nói, đây là món ăn, là hương vị mà ai đi đâu cũng muốn được thưởng thức, như một biểu tượng cho sự đoàn viên, sự đủ đầy. Khi thưởng thức bánh chưng, người ăn chỉ cần gỡ từng lớp lá dong đặt ra đĩa và sử dụng chính những chiếc lạt tre gói bánh để cắt thành 8 miếng. Trong không khí của những ngày tết, trên mâm cơm của mỗi gia đình Việt nói chung, ở phố Lẻ nói riêng đều không thể thiếu đĩa bánh chưng xanh, bởi nếu thiếu bánh chưng thì xem như thiếu đi một phần trọn vẹn của năm mới khởi đầu.

Thu Thủy - Tiến Đạt